Một số điều cần biết về phẫu thuật nội soi ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Một số điều cần biết về phẫu thuật nội soi ung thư thực quản
Phẫu thuật nội soi ung thư thực quản thường được điều trị cho các bệnh nhân chưa bị di căn ung thư sang các bộ phận khác.

1. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật như thế nào?

Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ sẽ lựa chọn cách phẫu thuật thông qua kích thước khối u và vị trí khối u trong thực quản. Các phẫu thuật cắt bỏ hầu hết hoặc chỉ một phần thực quản đều là các phẫu thuật lớn.

Cắt bỏ một phần thực quản và một phần dạ dày: Nếu khối u nằm ở dưới thực quản hoặc điểm nối dạ dày với thực quản, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần dạ dày, chỗ thực quản bị ung thư và khoảng 8 – 10 cm đoạn thực quản bình thường ở ngay trên khối u. Dạ dày sau đó được nối với phần còn lại của thực quản nằm trên cổ hoặc ngực.

Cắt một phần thực quản rồi nối vào dạ dày: Nếu ung thư chỉ nằm trên thực quản, phương pháp này sẽ được áp dụng. Khối u và một số mô lành lặn xung quanh sẽ bị cắt bỏ. Tiếp đến, dạ dày được kéo lên ngực rồi nối với thực quản.

Cắt toàn bộ thực quản: Trường hợp khối u ở trên hoặc giữa thực quản, phần lớn thực quản sẽ được loại bỏ. Một phần dạ dày hoặc ruột sẽ được dùng để thay thế phần thực quản bị cắt bỏ. Nếu dạ dày được lựa chọn, bộ phận này sẽ được kéo lên trên ngực và nối với phần thực quản ở cổ.

2. Các bước tiến hành phẫu thuật

Phẫu thuật thực quản có thể được thực hiện bằng hai kỹ thuật chính. Với cách mổ thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành một hoặc nhiều vết mổ (đường rạch) lớn ở bụng, ngực hoặc cổ.

Cách phẫu thuật nội soi ung thư thực quản tiên tiến hơn bởi khả năng xâm hại không đáng kể. Bác sĩ sẽ dùng một số đường rạch nhỏ thông qua các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng nhỏ và dài.

Một số trường hợp ung thư thực quản giai đoạn đầu, thay vì các vết mổ lớn, thực quản có thể được loại bỏ bằng một vài đường rạch nhỏ. Bác sĩ sẽ dùng một ống soi (tương tự kính viễn vọng kích thước rất nhỏ) qua một đường rạch để theo dõi toàn bộ quá trình phẫu thuật.

Sau đó, các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua các đường rạch nhỏ khác. Kĩ thuật nội soi ung thư thực quản này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dằn từ người thực hiện trong việc loại bỏ thực quản.

Với cách này, các đường rạch nhỏ hơn. Nội soi ung thư thực quản cũng gây ít ảnh hưởng xấu tới cơ thể bệnh nhân hơn các cách thông thường. Bệnh nhân có thể xuất viện sớm và nhanh chóng hồi phục sức khỏe về thể trạng ban đầu.

Nói chung, dù có nhiều lợi ích, phương pháp phẫu thuật nội soi ung thư thực quản cũng không phải là phương pháp đơn giản. Nó đòi cao từ rất nhiều yếu tố khác nhau. Lựa chọn cách này, bệnh nhân thậm chí còn có thể phải nằm viện dài ngày.

3. Một vài biến chứng sau phẫu thuật

Trong quá trình tiến hành nội soi ung thư thực quản, việc xuất hiện các biến chứng sau phẫu thuật không thể tránh khỏi.

Các nguy cơ ngắn hạn thường xuất hiện gồm chảy máu quá mức, phản ứng với thuốc gây mê, nhiễm khuẩn, huyết khối trong phổi. Các cơn đau cũng sẽ xuất hiện sau phẫu thuật. Một số người lại thay đổi giọng nói sau phẫu thuật.

Miệng nối dạ dày với thực quản có khả năng bị rò rỉ. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật lại để khắc phục. Dẫu vậy, với sự phát triển của khoa học y tế hiện nay, tỷ lệ biến chứng này xảy ra không cao.

Miệng nối thực quản dạ dày với thực quản cũng có nguy cơ bị hẹp, tác động tới khả năng nuốt của bệnh nhân. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ thường nong các chỗ hẹp thực quản nhờ thủ thuật nội soi đường tiêu hóa.

Sau nội soi ung thư thực quản, quá trình thoát lưu dạ dày có khả năng chậm vì dây thần kinh điều kiện sự co thắt bị ảnh hưởng. Một số chất trong dạ dày cũng có thể trào ngược lên thực quản vì cơ kiểm soát chức năng đã bị cắt bỏ hoặc thay đổi.


Tác giả: Quang Anh