Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường dễ nhầm lẫn với các căn bệnh ở đường tiêu hóa, việc phát hiện sớm bệnh rất khó khăn, bên cạnh đó người dân chưa có ý thức để tự phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 20.000 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng, là nguyên nhân gây tử vong thứ 5 trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ, sau ung thư phổi, phế quản, vú, đại trực tràng và ung thư tuyến tụy.
Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất trong hệ sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những tiến bộ trong việc phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, ngày nay số phụ nữ chết vì ung thư buồng trứng đang giảm nhanh hơn bao giờ hết.
Theo một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại 47 quốc gia trên thế giới (từ năm 2002 đến 2012) đăng trên tạp chí Oncology cho biết, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì ung thư buồng trứng thấp nhất là Hàn Quốc, Brazil, trong khi các nước có tỷ lệ cao là Lithuania, Ireland và cao nhất là Latvia.
Một trong những yếu tố quan trọng là người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để có can thiệp kịp thời. Hiện nay việc điều trị ung thư buồng trứng đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trên những bệnh nhân được phát hiện sớm, cơ hội sống rất cao.
Hầu hết các trường hợp phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn. Khi thấy một trong những dấu hiệu dưới đây, phụ nữ cần đi khám tầm soát ung thư buồng trứng.
– Đầy hơi hoặc tăng áp lực trong ổ bụng
– Đau ở vùng bụng hoặc vùng chậu
– Cảm thấy chán ăn hoặc ăn nhanh no mặc dù ăn rất ít
– Đi tiểu thường xuyên hơn
Mặc dù đây chưa phải là triệu chứng chắc chắn báo hiệu bạn bị ung thư buồng trứng, nhưng nếu những dấu hiệu trên xảy ra trong một thời gian dài, khoảng vài tuần, bạn nên nghĩ tới căn bệnh nguy hiểm này và nên đi khám sớm.
Có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng:
Có một số loại ung thư đã được chứng minh có tính di truyền như ung thư vú, đại tràng và buồng trứng. Nếu trong gia đình có người mắc ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt những phụ nữ mang gen BRCA1 và BRCA2, có liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng, những người này cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng nhiều
Các nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng nhiều, nhất là sau thời kỳ mãn kinh. Nếu người phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người béo phì có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng hơn so với những phụ nữ khác, tỷ lệ phụ nữ béo phì tử vong do ung thư buồng trứng cao hơn đối với những người có cân nặng thấp.
Nguy cơ bị ung thư buồng trứng giảm nếu người phụ nữ trải qua những giai đoạn sau:
Những phụ nữ đã sinh con ít có khả năng bị ung thư buồng trứng hơn so với những người chưa bao giờ sinh con. Nguy cơ mắc bệnh giảm với mỗi kỳ mang thai, cho con bú.
Các nghiên cứu gần đây cho biết, ung thư buồng trứng ít xuất hiện ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai. Những phụ nữ dùng thuốc trong ít nhất 5 năm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh. Bởi cũng giống như khi mang thai, thuốc tránh thai có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng rụng trứng ít hơn có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên cũng có một số rủi ro nhất định.
Cũng giống như việc cắt bỏ buồng trứng, thắt ống dẫn trứng cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên những người có nguy cơ, như trong gia đình có người mắc bệnh, nên cắt buồng trứng và ống dẫn trứng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nhất là ở phụ nữ lớn tuổi, hoặc có tiền sử bệnh nào đó ở bộ phận này, bác sĩ thường tư vấn cắt bỏ để phòng tránh mắc bệnh.
Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chế độ ăn uống phòng được bệnh ung thư buồng trứng. Nhưng có bằng chứng chỉ ra rằng những phụ nữ có chế độ ăn ít chất béo ít có khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn. Hay ở những phụ nữ ăn nhiều rau, hoa quả, giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Khi mắc bệnh ung thư buồng trứng, phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên. Ngoài việc loại bỏ khối ung thư, nó còn có tác dụng giúp bác sĩ xác định chính xác giai đoạn của bệnh, hay ung thư đã di căn hay chưa.
Ung thư buồng trứng có 4 giai đoạn:
Giai đoạn I: Tế bào ung thư ở một hoặc cả hai buồng trứng
Giai đoạn II: Lây lan đến tử cung hoặc các cơ quan lân cận khác
Giai đoạn III: Lan đến các hạch bạch huyết hoặc ở tử cung
Giai đoạn IV: Lây lan đến các cơ quan xa như phổi hoặc gan
Như trên đã nói, ung thư buồng trứng là một dạng ung thư cực kỳ nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán sớm, khả năng điều trị khỏi là vô cùng khả quan. Theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, tùy thuộc vào loại ung thư buồng trứng, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt từ 90% – 98%. Như vậy, việc phát hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh, đòi hỏi bản thân mỗi người phụ nữ phải có ý thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mình.
Có thể bạn quan tâm:
Nếu thấy đau bụng dưới rốn, chị em phải lưu tâm tới 5 căn bệnh sau đây
Đột biến gen BRCA1 và BRCA2: Tìm hiểu về thủ phạm gây ung thư buồng trứng