Bệnh nhân ung thư lưỡi thường băn khoăn về phương pháp phẫu thuật ung thư lưỡi bởi họ chưa hiểu rõ về nó. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất về phương pháp phẫu thuật trong điều trị ung thư lưỡi.
Phương pháp phẫu thuật ung thư lưỡi sẽ được chỉ định dựa vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Cụ thể:
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân mắc ung thư lưỡi sẽ được điều trị triệt căn bằng các phương pháp phẫu thuật đơn thuần. Tuỳ vào vị trí và kích thước khối u, bệnh nhân sẽ được chỉ định một trong các phương pháp phẫu thuật sau:
+ Phẫu thuật cắt rộng u.
+ Phẫu thuật cắt lưỡi bán phần kết hợp vét hạch cổ.
+ Phẫu thuật cắt nửa lưỡi, cắt nửa sàn miệng, cắt xương hàm dưới, vét hạch cổ và tạo hình.
Ở giai đoạn muộn hơn, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp phương pháp phẫu thuật với các phương pháp xạ trị và hoá trị. Trong giai đoạn này, phẫu thuật chỉ được chỉ định nếu khả năng thành công và độ an toàn được đảm bảo.
Trước khi được chỉ định phẫu thuật ung thư lưỡi, người bệnh sẽ phải trải qua rất nhiều bước chẩn đoán, bao gồm:
- Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các tổn thương ở lưỡi và hạch.
- Sinh thiết ung thư: Được tiến hành bằng cách sử dụng kim để lấy đi các tế bào tại vùng tổn thương. Các tế bào này sẽ được kiểm tra tại phòng thí nghiệm nhằm xác định có dấu hiệu của tế bào ung thư hay không.
- Kiểm tra bằng các kỹ thuật hình ảnh như CT- scan, X- quang, MRI giúp đánh giá mức độ phát triển, di căn của bệnh.
- Chụp PET/CT: Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá được tổn thương tại chỗ và phát hiện di căn xa của bệnh ung thư lưỡi.
Chăm sóc sau phẫu thuật có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân ung thư lưỡi. Do đó, bệnh nhân vừa làm phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không nên đánh răng ngay để tránh gây ra tình trạng kích ứng ở niêm mạc miệng. Cách vệ sinh răng miệng đúng là súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc các sản phẩm sát khuẩn chuyên dụng.
- Hạn chế nói để tránh gây ảnh hưởng đến vết thương.
- Hạn chế đến những nơi đông người. Nếu phải ra ngoài thì người bệnh nên mang khẩu trang để tránh bụi bẩn gây nhiễm trùng vết mổ.
- Trong 1 đến 2 ngày đầu tiên sau phẫu thuật người bệnh chỉ nên ăn qua đường ống thông nuôi dưỡng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân ăn bằng ống thông cho đến khi nào tình trạng ổn định.
- Khi đã được bác sĩ cho phép, người bệnh cần bổ sung đủ nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Sữa và cháo trắng là những loại thực phẩm được khuyến khích cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Người bệnh cũng nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu hơn.
Rủi ro sau phẫu thuật ung thư lưỡi là điều không một bệnh nhân mong muốn. Tuy nhiên, các biến chứng sau phẫu thuật vẫn có thể xảy ra trong một số trường hợp. Vùng lưỡi bị loại bỏ càng nhỏ, thì khả năng rủi ro sẽ càng thấp. Thông thường, bệnh nhân phẫu thuật ung thư lưỡi sẽ gặp các vấn đề sau:
- Tình trạng khó nuốt thức ăn và khó nói.
- Chảy máu hoặc tụ máu tụ.
- Nhiễm trùng vết thương.
- Xuất hiện lỗ rò nước bọt khiến nước bọt bị rò rỉ từ miệng vào cổ. Trong trường hợp này người bệnh sẽ được điều trị bằng cách đặt ống dẫn lưu. Ống dẫn lưu sẽ giúp chuyển nước bọt ra khỏi các cấu trúc quan trọng ở cổ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn người bệnh sẽ phải phẫu thuật để đóng lỗ rò rỉ.
Phương pháp phẫu thuật, cách chăm sóc và biến chứng hậu phẫu là những vấn đề được quan tâm hàng đầu về phẫu thuật ung thư lưỡi. Hy vọng bài viết trên đã giải đáp phần nào thắc mắc để bạn yên tâm bước vào quá trình điều trị.