Có rất nhiều cách trị mất ngủ như tập luyện, thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên đối với một số trường hợp không đáp ứng với phương pháp điều trị tự nhiên thì có thể tìm đến thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị mất ngủ không phải là một quá trình đơn giản, nó có thể có tác dụng trong thời gian ngắn sau khi bắt đầu điều trị, nhưng cũng có thể sẽ cần quá trình điều trị trong thời gian kéo dài. Do đó, thực hiện đúng các nguyên tắc điều trị mất ngủ là điều kiện cơ bản để có thể điều trị mất ngủ hiệu quả và an toàn nhất cho người bệnh.
- Cần phải xác định được nguyên nhân mất ngủ (do thuốc, do các bệnh lý nội khoa, bệnh lý thần kinh, đau,...) và điều trị các nguyên nhân mất ngủ này. Nếu chỉ điều trị mất ngủ mà không điều trị nguyên nhân thì mất ngủ không thể hết được.
- Các cách trị mất ngủ không dùng thuốc, thay đổi lối sống là những ưu tiên lựa trọng trong điều trị mất ngủ cho các bệnh nhân mất ngủ nguyên phát.
- Thuốc ngủ là cách trị mất ngủ được xem xét cho các trường hợp mất ngủ nguyên phát khi mà những biện pháp không có hiệu quả, hoặc hiệu quả ít.
Đọc thêm:
Mất ngủ: Đánh giá chất lượng giấc ngủ, tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị
Khung giờ vàng của giấc ngủ giúp bạn khỏe mạnh và trẻ lâu
Như đã nói, cách trị mất ngủ không dùng thuốc là lựa chọn ưu tiên cho các bệnh nhân mất ngủ nguyên phát. Bởi người ta thấy rằng, các cách trị mất ngủ không dùng thuốc đem đến các lợi ích lâu dài nhiều hơn so với việc sử dụng thuốc.
Tuy vậy, nó không thể phát huy hiệu quả nhanh chóng như việc sử dụng thuốc, nên cần kiên trì thực hiện để đạt được kết quả điều trị mong muốn.
Các cách trị mất ngủ không dùng thuốc chủ yếu bao gồm:
- Đảm bảo môi trường thuận lợi để đi ngủ
Đảm bảo môi trường thuận lợi để đi ngủ là nội dung cơ bản đầu tiên giúp người mất ngủ có một giấc ngủ ngon. Những yếu tố bất lợi như tiếng ồn, chăn đệm quá cứng, phòng ngủ mất vệ sinh,... đều khiến cơ thể không thoải mái và khó đi vào giấc ngủ. Do đó cần loại bỏ các yếu tố này để có được một môi trường thích hợp nhất cho việc đi ngủ.
- Tránh căng thẳng
Căng thẳng, lo lắng về công việc, hôn nhân, thu nhập,... khiến người bị mất ngủ suy nghĩ nhiều và rất khó ngủ. Do đó, hãy cố gắng loại bỏ bớt những căng thẳng này, giữ cho cơ thể và trí óc được thoải mái, thư giãn (ít nhất là trước khoảng thời gian đi ngủ) để có thể ngủ nhanh hơn và sâu giấc hơn.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Thức - ngủ không đều đặn, ăn quá no trước khi ngủ, sử dụng điện thoại hoặc máy tính trước khi ngủ, ngủ quá nhiều vào ban ngày,... đều là những thói quen xấu, bất lợi để bạn có một giấc ngủ ngon. Chính vì thế, điều chỉnh để có chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn chẳng những sẽ giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn mà giấc ngủ cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
- Không sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích như cafe, trà,... khiến cơ thể rơi vào trạng thái hưng phấn, ức chế cảm giác buồn ngủ. Nên những người bị mất ngủ được khuyên rằng không nên sử dụng các chất này để tránh gây khó ngủ hơn.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một số loại thực phẩm có thể giúp cơ thể đi ngủ dễ dàng hơn như các loại thịt đỏ, các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa ấm,... có tác dụng tích cực đối với giấc ngủ. Bổ sung các loại thực phẩm này trong thực đơn hằng ngày có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng mất ngủ đang diễn ra.
- Luyện tập thể dục thể thao
Các bài tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp là cách để cải thiện sức khỏe của cơ thể toàn diện, giải tỏa áp lực, giúp thư giãn và cũng là cách trị mất ngủ không dùng thuốc rất hiệu quả. Do đó, người bị mất ngủ cần có một chế độ luyện tập thể dục thể thao với ít nhất khoảng 20 phút mỗi ngày và 150 phút mỗi tuần để có được giấc ngủ chất lượng hơn.
- Xoa bóp, massage
Xoa bóp, massage có tác dụng thư giãn cơ thể, giảm đau, giúp cơ thể thoải mái hơn. Nên ngày nay các bài xoa bóp và massage còn được áp dụng rất phổ biến làm cách trị mất ngủ để giúp người mất ngủ đi ngủ dễ dàng hơn.
- Sử dụng các loại thảo dược
Ngâm chân với nước gừng tươi, uống trà tâm sen, hoa lạc tiên,... đều là những cách trị mất ngủ không dùng thuốc đã được sử dụng từ rất lâu trước kia. Chúng đều cho thấy hiệu quả tích cực, nhanh chóng và cực kỳ an toàn với người sử dụng.
- Bổ sung melatonin và khoáng chất
Melatonin và các khoáng chất như magie,... đều là các thành phần quan trọng đối với sự khởi phát, bắt đầu giấc ngủ. Bởi vậy, những người bị mất ngủ có thể sử dụng bổ sung các chất này theo chỉ định của bác sĩ để điều trị tình trạng mất ngủ của bản thân.
Trong trường hợp mà bệnh nhân bị mất ngủ nghiêm trọng, hoặc đã áp dụng các cách trị mất ngủ không dùng thuốc nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít thì sẽ xem xét sử dụng các loại thuốc ngủ.
- Thuốc bình thần
Các thuốc bình thần như diazepam, midazolam, clorazepam,... được sử dụng khá phổ biến trong điều trị mất ngủ. Cách chữa mất ngủ bằng các loại thuốc bình thần khởi phát tác dụng rất nhanh, đặc biệt có hiệu quả trong các trường hợp mất ngủ do lo âu hoặc căng thẳng.
Tuy nhiên, do thuốc chuyển hóa chủ yếu nhờ hệ thống enzym ở gan nên không sử dụng cho bệnh nhân suy gan. Ngoài ra nó còn bị chống chỉ định cho các bệnh nhân bị suy hô hấp hoặc phải thực hiện các công việc yêu cầu độ chính xác cao như tài xế,... Thuốc dễ gây nghiện nếu sử dụng kéo dài
- Thuốc an thần
Zolpidem, zaleplon,... là những thuốc an thần thuộc nhóm chủ vận nonbenzodiazepam cũng có thể được dùng để làm cách chữa mất ngủ. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng, những thuốc an thần này ít gây dung nạp thuốc và ít gây nghiện khi sử dụng kéo dài hơn so với các thuốc như diazepam, tùy từng quốc gia mà thời gian được phép sử dụng thuốc có thể kéo dài đến nhiều tuần..
Tác dụng phụ chủ yếu của nhóm thuốc này bao gồm mộng du, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng suy luận, ảo giác, nhầm lẫn, rối loạn tiêu hóa,... Khi ngưng thuốc quá đột ngột, có thể gây nên phản ứng dội cho người bệnh.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Các thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline, nortriptyline, mirtazapine,... cũng được xem là cách chữa mất ngủ khá hiệu quả. Những loại thuốc này có tác dụng tốt trên các bệnh nhân bị mất ngủ mãn tính, giúp cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của người bệnh và cũng giúp giảm tình trạng thức giấc vào lúc sáng sớm.
Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng được xem là có ít tác dụng phụ hơn so với việc sử dụng thuốc bình thần, thuốc an thần. Chúng có thể được sử dụng trong vài tháng mà ít khi gây nên tình trạng lệ thuộc thuốc. Các tác dụng phụ hay gặp của thuốc có thể kể đến bao gồm rối loạn nhận thức, rối loạn tiêu hóa, tăng cân,...
- Thuốc kháng histamin
Buồn ngủ là tác dụng phụ thường thấy nhất của thuốc kháng histamin (chlopheniramin, promethazine,...), do đó đôi lúc tác dụng phụ này có thể được tận dụng để làm cách trị mất ngủ. Do gây buồn ngủ chỉ là tác dụng phụ của thuốc, nên nó ít khi được sử dụng với mục đích chủ yếu là gây ngủ.
Thực tế thuốc này còn hay dùng cho các trường hợp như mất ngủ do ho, ngứa,... bởi vì thuốc vừa có thể làm giảm các triệu chứng này vừa giúp bệnh nhân dễ ngủ hơn.
Để sử dụng các thuốc trị mất ngủ an toàn hơn, hãy lưu ý một số điều sau đây:
- Thuốc trị mất ngủ không phải là cách trị mất ngủ được ưu tiên hàng đầu.
- Cần sử dụng thuốc trị mất ngủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, và hạn chế tối đa các tác dụng phụ do nó gây nên.
- Khi sử dụng thuốc trị mất ngủ, người bệnh không nên thực hiện các hoạt động yêu cầu độ chính xác cao như lái xe,... bởi dễ xảy ra tai nạn do tác dụng gây buồn ngủ của thuốc.
- Trong quá trình sử dụng thuốc, cần chú ý các tác dụng phụ do thuốc gây nên, thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
- Tránh dùng thuốc với rượu hoặc các thuốc giảm đau, chống dị ứng,... bởi chúng dễ dàng tương tác với nhau và khó kiểm soát tác dụng hơn.
- Do có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn,... vì vậy không nên ăn quá no khi sử dụng cách chữa mất ngủ bằng thuốc.
- Không lạm dụng thuốc trong thời gian kéo dài, dễ gây tình trạng lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc,...
Trên đây là một số cách trị mất ngủ thường dùng trên thực tế hiện nay. Người bị mất ngủ hãy đến thăm khám tại cơ sở y tế để được hướng dẫn lựa chọn cách chữa mất ngủ hiệu quả, an toàn và thích hợp nhất.
Nguồn tham khảo: https://emedicine.medscape.com/article/299959-overview#a4