Một báo cáo mới đây đã được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu về Tim mạch. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ sự ảnh hưởng của môi trường với vai trò là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Từ đó đưa ra các đề xuất mới về các chiến lược giảm gánh nặng bệnh tim mạch trên toàn cầu.
Bệnh tim mạch là một trong các gánh nặng sức khỏe lớn nhất trong thế kỷ này mà con người phải đối mặt. Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người đã bị các bệnh lý tim mạch cướp đi mạng sống.
Những bệnh lý tim mạch khiến các mạch máu và tim của người bệnh bị ảnh hưởng. Do đó, nó làm gia tăng nguy cơ gặp các tình trạng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong chính trong các bệnh lý tim mạch, chiếm đến 4/5 trong số các trường hợp tử vong.
Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể mắc bệnh tim mạch. Nhưng những hành vi như hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn nhiều muối và ít rau củ, lười vận động,... được cho là có thể làm gia tăng mắc bệnh tim mạch. Các hành vi này dẫn đến các hậu quả gồm tăng huyết áp, đường huyết cao, thừa cân, béo phì. Do vậy chúng làm khả năng bị mắc bệnh tim mạch của một người tăng lên.
Để ngăn chặn sự hình thành và phát triển của bệnh lý tim mạch, điều quan trọng ở đây là phải loại bỏ hoặc đảo ngược sự tác động của các yếu tố nguy cơ.
Đọc thêm:
- Nâng cao sức khỏe tim mạch để phòng tránh bệnh tiểu đường
- Điểm danh 5 cách phòng bệnh tim mạch ở người già hiệu quả
Giáo sư Aruni Bhatnagar - một chuyên gia tim mạch đến từ Đại học Y khoa Louisville nói rằng, "Các yếu tố môi trường là nguyên nhân gây ra 70-80% các trường hợp bệnh tim mạch và tiểu đường. Chỉ khi nào hiểu được cơ chế gây bệnh của chúng thì chúng ta mới có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Do đó, các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường cần phải được xem xét một cách nghiêm túc hơn".
Theo ông, thay đổi hành vi và lối sống là những can thiệp để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thường được dùng trước đây. Nhưng hiệu quả mà các phương pháp này mang lại đều có sự hạn chế.
Trong khi đó, tất cả mọi người đều không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường xung quanh. Những yếu tố môi trường này hết sức đa dạng, đó có thể là ô nhiễm không khí, tiếng ồn, hay là các công trường xây dựng,... Vì vậy, cần phải có những nỗ lực lớn hơn được thực hiện để làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường.
Giáo sư Bhatnagar nói thêm, "Nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ bệnh tật từ môi trường giúp xác định lại phương hướng và các nỗ lực trong phòng ngừa bệnh. Từ đó có thể làm chúng trở nên hiệu quả hơn."
Theo Tác giả chính của nghiên cứu - Giáo sư Thomas Munzel đến từ Đại học Johannes Gutenberg, nghiên cứu này là một nghiên cứu khẩn cấp liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Bởi trong các hướng dẫn hiện nay đều chưa đề cập đến sự tác động của yếu tố môi trường trong vai trò này.
Chẳng hạn như hướng dẫn của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, hướng dẫn năm 2019 của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) hay Kế hoạch hành động Toàn cầu về Kiểm soát và Phòng tránh NCDs 2013-2020 của WHO,... đều là các hướng dẫn mới về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tất cả trong số chúng đều chưa đề cập đến các yếu tố môi trường với vai trò là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Giáo sư Bhatnagar nói rằng, "Sự phân tích các yếu tố nguy cơ tim mạch từ môi trường yêu cầu cách tiếp cận sâu rộng hơn. Bởi các rủi ro từ môi trường thường là đa yếu tố và rất khó để đánh giá. Chúng có thể yêu cầu sự tham gia đa ngành của chuyên gia môi trường, nhà xã hội học, các chuyên gia về độc chất, nhà hoạch định chính sách, bác sĩ tim mạch,...
Điều này khiến các cơ sở y tế không đủ khả năng để có thể xác định và giải quyết các rủi ro trên. Chính vì thế, các nhà quản lý thường có xu hướng bỏ qua các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường."
Theo Giáo sư Munzel, các bằng chứng đã có đang được xem xét lại để đối phó với sự bỏ qua các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường. Những yếu tố nguy cơ từ môi trường làm gia tăng căng thẳng, tress, tăng quá trình oxy hóa và phản ứng viêm,... Do đó những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ khiến một người bị mắc bệnh tim mạch.
Giáo sư Munzel giải thích thêm, ông và cộng sự của mình là Giáo sư Andreas Daiber thuộc Trung tâm Y tế Đại học Mainz cũng đã từng có những báo cáo chứng minh về mối quan hệ này trong quá khứ.
Ô nhiễm tiếng ồn là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường đầu tiên cần được nhắc đến. Khi ô nhiễm tiếng ồn tăng lên, nguy cơ mắc bệnh tim mạch trở nên cao hơn. Các phân tích tổng hợp cho thấy, khi cường độ tiếng ồn tăng lên 10 decibel sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim tăng lên 1,08 lần.
Vì vậy, phát triển các công nghệ chống ồn và tăng cường quản lý giao thông được xem là các biện pháp hiệu quả để làm giảm thiểu tiếng ồn.
Một số thành viên của nhóm nghiên cứu đã từng có những nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí đối với nguy cơ bệnh tật. Họ nhận thấy rằng, hằng năm có khoảng 592 000 trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn và ozon tại Liên minh Châu ÂU. Trong số đó, có đến 41% các trường hợp được xác định nguyên nhân tử vong và do bệnh thiếu máu cơ tim và đột quỵ.
Điều này khiến ô nhiễm không khí trở thành yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường được đề cập đến thứ hai. Các nhà nghiên cứu cho rằng, quy định mới về hạ thấp mức phát thải có thể là biện pháp để giảm bớt tình trạng này.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường tiếp theo phải kể đến là tình trạng ô nhiễm ánh sáng.
Theo các nhà nghiên cứu, ô nhiễm ánh sáng làm phá vỡ chu kỳ sinh học của cơ thể. Từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Họ khuyến cáo, mọi người hãy tắt đèn vào ban đêm khi ngủ hoặc bất cứ khi nào không cần thiết để tránh ô nhiễm ánh sáng xảy ra.
Sự biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu hiện nay cũng có sự liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ví dụ, cháy rừng thường xuyên xảy ra hơn khi trái đất nóng lên, vì vậy làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng tăng lên do biến đối khí hậu. Bất kể sự biến đổi này gây nóng lên hay lạnh đi.
Khuyến cáo được nhóm nghiên cứu đưa ra là cần hạn chế mức phát thải carbon. Đồng thời có các biện pháp chế tài, xử phạt đối với các trường hợp phát thải quá mức. Điều này có thể giúp ngăn ngừa biến đổi khí hậu.
Giáo sư Bhatnagar nói, "Điều đầu tiên mà các bên liên quan phải làm là tìm hiểu và đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề. Các nhà nghiên cứu cần làm nổi bật được vai trò của các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch từ môi trường. Đây là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề."
Theo ông, các nhà nghiên cứu và cơ quan y tế nên xác định rõ đối tượng có tác động lớn với môi trường. Từ đó đưa ra khuyến nghị phương pháp tiếp cận thích hợp và khả thi cho các cơ quan chính quyền. Các nhà quy hoạch đô thị cũng cần đưa ra các phương án đã dựa trên các bằng chứng đã được chứng minh để ngăn chặn các nguy cơ từ môi trường.
Đồng thời, mỗi cá nhân cần tự nâng cao nhận thức về những yếu tố nguy cơ tim mạch từ môi trường. Điều này giúp họ biết cách phòng tránh với các yếu tố độc hại. Chẳng hạn, tránh đi ra ngoài khi mức ô nhiễm cao, hạn chế sử dụng các loại hóa chất gây hại,...
Ông cho rằng điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận của công chúng với các chính sách được ban hành. Đây là cơ sở để các chính và quy định được thực thi chính xác và có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Bhatnagar thì nghiên cứu này vẫn còn tồn tại những vấn đề hạn chế cần được khắc phục trong tương lai.
Ông nói, "Cần có thêm nhiều nghiên cứu bổ sung để đánh giá rủi ro cụ thể của mỗi phơi nhiễm. Những nghiên cứu mới này phải làm rõ cơ chế tác động của các yếu tố nguy cơ, sự thay đổi trong mỗi lần bị phơi nhiễm,..."
Điều này có thể ví dụ như, ô nhiễm không khí liệu có gây ra tác động khác nhau trong những lần phơi nhiễm khác nhau hay không? Hoặc ô nhiễm tiếng ồn dễ gây ảnh hưởng đến quần thể nào nhất? Điều gì gây nên những phơi nhiễm này,... Tất cả đều là những điều nên được làm rõ hơn trong tương lai.
Giáo sư Bhatnagar cho rằng, "Điều quan trọng nhất là phải hiểu cách mà thay đổi khí hậu tác động lên môi trường. Đồng thời nắm rõ được những thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe. Do đó, cần phải có một nghiên cứu mới tổng thể và toàn diện hơn về các yếu tố môi trường hay các điều kiện phơi nhiễm,..."
Cuối cùng Munzel tổng kết, ông đồng ý với quan điểm cho rằng cần phải mở rộng nghiên cứu. Mặc dù hiện nay vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm từ ngành công nghiệp dược phẩm. Nhưng điều đáng mừng, nhờ sự ủng hộ của chính quên nên đã ngày càng có nhiều hơn các nghiên cứu về vấn đề môi trường được thực hiện.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/environmental-factors-significant-contributor-to-heart-disease