Mối quan hệ giữa nguyên nhân di truyền và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Mối quan hệ giữa nguyên nhân di truyền và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Như chúng ta đã biết, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể bị gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau như hút thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm,... Tuy nhiên, phần đông mọi người lại ít chú ý đến tầm quan trọng của các yếu tố di truyền trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Khi nhắc đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hầu hết chúng ta đều biết rằng đây là bệnh lý đường hô hấp hết sức phổ biến thường gặp do các nguyên nhân như hút thuốc lá, ô nhiễm, khói bụi kéo dài,...

Tuy nhiên, phần đông chúng ta lại chưa biết rằng căn bệnh này cũng có thể được hình thành dưới sự tham gia của các yếu tố mang tính di truyền.

1. Sự tham gia của các yếu tố di truyền trong hình thành COPD

Hiện nay, việc xác định có sự tham gia của các yếu tố di truyền trong hình thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể phát hiện hoàn toàn tất cả các yếu tố di truyền đã tham gia vào quá trình trên, mà yếu tố duy nhất được xác định rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại có tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sự thiếu hụt men alpha 1-antitrypsin.

Chất alpha 1-antitrypsin là một chất đặc biệt có khả năng chống lại sự hoạt động của các men tiêu hủy protein (điển hình là enzym elastase, và các mục tiêu khác bao gồm cathepsin G, trypsin và proteinase-3), tạo nên sự cân bằng giữa hai quá trình là tiêu hủy protein - bảo vệ các cấu trúc protein.

Thiếu chất alpha 1-antitrypsin sẽ gây mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ lên các cấu trúc có bản chất protein của cơ thể, trong đó có các thành phần cấu tạo nên những thành phần của phổi (đặc biệt là các phế nang). Sự tiêu hủy các cấu trúc màng phế nang do các enzym tiêu hủy protein sẽ làm cho các phế nang bị thông với nhau và gây nên tình trạng phế thũng ở bệnh nhân. Từ đó hình thành nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Mối quan hệ giữa nguyên nhân di truyền và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 1.

Thiếu alpha 1-antitrypsin là một nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (ảnh: Internet)

2. Đặc điểm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thiếu alpha 1-antitrypsin

Về mặt lâm sàng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nguyên nhân thiếu alpha 1-antitrypsin cũng sẽ có các biểu hiện cơ bản của một tình trạng mắc bệnh phổi tắc nghẽn điển hình bao gồm:

- Khó thở: Khó thở là biểu hiện chủ yếu ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nguyên nhân thiếu alpha 1-antitrypsin, gây nên bởi sự phá hủy các phế nang một cách quá mức. Tìm hiểu thêm về cơn khó thở trong COPD TẠI ĐÂY.

- Ho và khạc đờm kéo dài.

Tuy nhiên, do có sự tham gia của yếu tố di truyền trong cơ chế bệnh sinh nên những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nguyên nhân di truyền cũng có những đặc điểm riêng nhất định như:

- Bệnh thường khởi phát sớm.

- Người bệnh không có tiền sử sử dụng thuốc lá kéo dài, hoặc tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm, khói bụi,...

- Bệnh nhân có thể có người thân trực hệ trong gia đình cũng mắc COPD.

- Mức độ bệnh thường là nặng.

Ngoài ra, các men tiêu hủy protein không chỉ làm tổn thương phổi mà chúng còn có thể làm tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là mô gan gây nên tình trạng tăng sinh xơ tại gan, và khiến người bệnh thường đồng mắc viêm gan cùng với COPD do thiếu chất alpha 1-antitrypsin.

3. Làm thế nào để biết đang bị thiếu alpha 1-antitrypsin?

Nếu bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có các đặc điểm khởi phát bệnh, triệu chứng lâm sàng khiến nghi ngờ do thiếu alpha 1-antitrypsin thì bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm để kiểm tra.

Xét nghiệm được dùng để kiểm tra xác định xem bệnh nhân có bị thiếu alpha 1-antitrypsin hay không là xét nghiệm định lượng alpha 1-antitrypsin trong máu. Tùy thuộc vào số lượng gen quy định tổng hợp alpha 1-antitrypsin bị bất thường mà số lượng alpha 1-antitrypsin trong máu có thể chỉ giảm nhẹ hoặc hoàn toàn không có. Giá trị bình thường của alpha 1-antitrypsin trong máu khoảng 85-213 mg/dl.

Xét nghiệm alpha 1-antitrypsin có thể được tiến hành bất kỳ lúc nào mà người bệnh không cần chuẩn bị gì trước đó.

Mối quan hệ giữa nguyên nhân di truyền và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 2.

Xét nghiệm định lượng alpha 1-antitrypsin máu giúp chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (ảnh: Internet)

4. Xử trí bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thiếu alpha 1-antitrypsin như thế nào?

Đối với một bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thiếu alpha 1-antitrypsin, ngoài các vấn đề điều trị như một bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính điển hình bao gồm bỏ thuốc lá, các thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid, liệu pháp oxy nếu có suy hô hấp, ghép phổi nếu có thể,... thì người bệnh còn cần được điều trị đặc hiệu cho tình trạng thiếu alpha 1-antitrypsin.

Phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thiếu alpha 1-antitrypsin là sử dụng alpha 1-antitrypsin được cho từ người hiến tặng để bổ sung cho lượng alpha 1-antitrypsin còn thiếu. Liều lượng được khuyến cáo sử dụng là 60mg/kg/tuần. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả của phương pháp vẫn đang còn có sự tranh cãi giữa các nhóm quan điểm khác nhau và còn cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu.

Có thể thấy rằng, trong cơ chế bệnh sinh của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì di truyền cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, nếu có các đặc điểm của một tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nghi ngờ do di truyền như khởi phát sớm, không hút thuốc lá, bệnh nặng nhanh chóng,... thì người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Nguồn tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3399759/#:~:text=The%20only%20known%20genetic%20risk,in%20all%20cases%20of%20COPD.


Tác giả: QN