Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 90% người bị phổi tắc nghẽn mãn tính do sử dụng quá nhiều thuốc lá. Nếu như không được phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ, người bệnh có thể bị tàn phế, tử vong, chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Vậy tại sao hút thuốc gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính? Người hút thuốc và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có mối liên hệ như thế nào?
Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Theo thống kê, có khoảng 80-90% người nghiện thuốc lá bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là bệnh lý gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, chỉ sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Khi hút thuốc, khói thuốc lá sẽ kích thích niêm mạc đường thở. Chất acrolein và chất phenols có ở trong thuốc lá sẽ làm tăng tiết chất nhầy và tổn thương tế bào hô hấp. Ngoài ra các aldehyte làm cho các lông mao trên niêm mạc đường hô hấp trở nên suy yếu hơn. Những chất này trong thuốc lá làm suy giảm sức đề kháng của đường hô hấp và làm phổi có nguy cơ bị nhiễm trùng.
>> Hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu sức đề kháng bị suy giảm
Ngoài ra, có một số chất làm suy yếu và tổn thương các sợi đàn hồi của phế quản và phế nang. Điều này làm phổi dễ mất tính đàn hồi, dễ bị ứ khí. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, người hút thuốc sớm bao nhiêu thì có nguy cơ mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng sớm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí và không thể hồi phục lại. Bác sĩ sẽ chẩn đoán qua kết quả đo hô hấp. Bệnh sẽ kéo dài và tiến triển theo từng năm, thời gian sẽ dẫn đến tâm phế mạn và tử vong.
Người ta nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Ngoài ra những người nhiễm khói thuốc cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm.
Người hút thuốc lá gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường có biểu hiện ở dấu hiệu bị viêm phế quản, khi kéo dài sẽ biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nặng hơn là suy hô hấp và cuối cùng dẫn đến tử vong. Vậy nên người bệnh khi nhận thấy có dấu hiệu của bệnh cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Để tránh bị phổi tắc nghẽn mãn tính, người bệnh trước tiên cần bỏ ngay việc hút thuốc lá. Tất nhiên là cần có thời gian để từ bỏ một thói quen, người bệnh nên kiên trì, chấm dứt tình trạng hút thuốc để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về một số cách hạn chế hút thuốc khoa học, hợp lý.
>> Cách để vượt qua cơn thèm thuốc lá và cai thuốc tự nhiên
Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý cũng giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh. Bạn nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất,... ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến phổi.
Những bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính thường có diễn biến tăng dần lên và nặng thêm sau mỗi đợt cấp. Nguyên nhân gây ra đợt cấp chủ yếu do nhiễm virus, vi trùng. Sau mỗi đợt cấp, bệnh nhân mệt và yếu hơn, chức năng phổi xấu hơn. Vậy nên bạn cần chú ý để tránh mắc bệnh.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết thêm thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đặc biệt là vì sao hút thuốc gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là bệnh lý nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị, người bệnh cần chú ý phòng bệnh, hạn chế (ngừng) hút thuốc để đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh.