Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trên toàn thế giới với tỷ lệ ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. COPD đặc trưng bởi những bất thường dẫn đến tắc nghẽn đường thở và khí phế thũng. Có nhiều bằng chứng cho thấy dấu hiệu lão hóa phổi và COPD ở người cao tuổi có mối quan hệ chặt chẽ, hay nói cách khác lão hóa phổi là đặc điểm nổi bật của COPD.
Những dấu hiệu lão hóa phổi này đã được mô tả ở các nhóm bệnh nhân COPD khác nhau, trong các khoang phổi khác nhau và cũng ở nhiều loại tế bào. Hiểu rõ hơn về sự khác biệt và tương đồng chính giữa lão hóa phổi và COPD có thể giúp hiểu hơn về cơ chế dẫn đến bệnh lý COPD; đặc biệt ở những bệnh nhân COPD nặng khi tuổi tương đối trẻ, tức là những bệnh nhân COPD khởi phát sớm và nặng.
Trung bình, phổi của con người phát triển cho đến 10-12 tuổi và trưởng thành hơn nữa cho đến khi đạt chức năng tối đa ở độ tuổi 20 đối với nữ và 25 tuổi đối với nam. Từ đó, chức năng phổi suy giảm dần theo tuổi tác do hậu quả của những thay đổi về cấu trúc và sinh lý đối với phổi.
Có thể chia những thay đổi cấu trúc của phổi lão hóa thành ba loại: thay đổi cấu trúc phổi, thay đổi thành ngực và thay đổi cơ hô hấp. Những thay đổi trong cấu trúc của phổi chủ yếu là do sự gia tăng kích thước của không gian phế nang mà không có bất kỳ phản ứng viêm hoặc phá hủy thành phế nang nào, được gọi là "khí phế thũng do tuổi già".
Khí phế thũng vi thể này tăng lên theo kiểu tuyến tính theo tuổi ở người không hút thuốc; nhưng ở người hút thuốc, sự gia tăng tiến triển hơn về kích thước không gian phế nang chỉ có thể quan sát thấy ở những người cụ thể. Khí phế thũng ở tuổi già có thể là hậu quả của việc mất cấu trúc nâng đỡ của nhu mô phổi.
Ngoài ra, người ta đã quan sát thấy rằng độ co giãn đàn hồi của phổi giảm khi tuổi tác tăng dần. Nhiều nghiên cứu đã công nhận rằng hiện tượng này là do lực căng bề mặt từ phế nang giảm do kích thước đường kính cá thể tăng lên nhiều hơn là do thay đổi elastin và collagen trong nhu mô phổi. Với tuổi tác ngày càng cao, sự tuân thủ của thành ngực giảm dần.
Cùng với sự thay đổi chức năng phổi theo tuổi tác, các cơ chế bảo vệ tự nhiên của phổi cũng dần trở nên kém chức năng hơn, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một yếu tố khác góp phần làm tăng tình trạng viêm ở phổi lão hóa là khả năng thanh thải các hạt trong đường thở kém. Theo thời gian, cơ bắp bị teo đi, dẫn đến việc giảm khả năng chống lại cơn ho.
Ngoài ra, độ thanh thải niêm mạc còn bị ảnh hưởng theo tuổi, đặc biệt có thể góp phần gây ra tình trạng viêm do vi rút và vi khuẩn; và dẫn đến các đợt cấp COPD.
Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối quan hệ chặt chẽ giữa lão hóa phổi và COPD ở người cao tuổi. COPD là một bệnh viêm mãn tính của phổi, tiến triển rất chậm và phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi. Có nhiều bằng chứng cho thấy việc tăng tốc độ lão hóa của phổi để đáp ứng với stress oxy hóa có liên quan đến quá trình sinh bệnh và tiến triển của COPD, đặc biệt là khí phế thũng.
Lão hóa được định nghĩa là sự suy giảm dần dần của cân bằng nội môi xảy ra sau khi giai đoạn sinh sản hoàn tất, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong ngày càng tăng. Điều này là do các cơ quan không thể sửa chữa tổn thương DNAbởi stress oxy hóa (lão hóa không theo chương trình) và từ việc rút ngắn telomere do quá trình phân chia tế bào lặp đi lặp lại (lão hóa theo chương trình).
Trong quá trình lão hóa, chức năng phổi suy giảm dần và tình trạng viêm phổi tăng lên; kèm theo những thay đổi về cấu trúc, được mô tả là khí phế thũng do tuổi già. Đó cũng là mối liên hệ giữa lão hóa phổi và COPD ở người cao tuổi.
Môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm khác, có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa của phổi hoặc làm trầm trọng thêm các sự kiện liên quan đến lão hóa ở phổi bằng cách phân giải khiếm khuyết của chứng viêm. Và do đó gây sự tiến triển nhanh của COPD.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với chức năng hô hấp đã được ghi nhận đầy đủ; một nghiên cứu mới cũng phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí làm tăng tốc độ lão hóa của phổi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Do đó, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với lão hóa phổi và COPD là hoàn toàn có cơ sở.
Theo khảo sát nhóm hơn 300.000 người ở độ tuổi từ 40 đến 69 tuổi sống tại Vương quốc Anh, cứ mỗi sự gia tăng 5 mcg/ m 3 chất hạt mịn (PM2.5) hàng năm mà mọi người tiếp xúc, thì chức năng phổi sẽ giảm tương tự như ảnh hưởng của 2 năm lão hóa. Chức năng phổi được đo bằng các xét nghiệm đo phế dung từ năm 2006 đến năm 2010.
Các nhà nghiên cứu đã dựa trên mô hình không khí đã được kiểm chứng để ước tính mức độ ô nhiễm mà mọi người tiếp xúc khi ở nhà của chính họ. Các nhà nghiên cứu tập trung vào vật chất dạng hạt, PM2.5 và nitơ dioxit; được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng điều chỉnh theo giới tính, tuổi tác, tình trạng hút thuốc, thu nhập, tình trạng hen suyễn và nghề nghiệp có liên quan đến COPD.
Trong số những người sống ở các khu vực có nồng độ PM 2,5 cao hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 mcg/ m3, tỷ lệ mắc COPD cao hơn 4 lần so với những người tiếp xúc với hút thuốc thụ động tại nhà.
"Ô nhiễm không khí có tác động gần gấp đôi đối với sự suy giảm chức năng phổi và gấp 3 lần nguy cơ COPD ở những người tham gia nghiên cứu có thu nhập thấp hơn so với những người tham gia có thu nhập cao hơn có cùng mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí", Anna Hansell, Tiến sĩ, giáo sư dịch tễ học môi trường tại Trung tâm Sức khỏe Môi trường Bền vững (Đại học Leicester, Leicester, Anh) cho hay.
Theo tiến sĩ Hansell, sự chênh lệch này có thể liên quan đến điều kiện nhà ở hoặc chế độ ăn uống kém hơn; khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe kém hơn; hoặc thiếu dinh dưỡng thời ấu thơ ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi.
Nguồn dịch: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0012369209600830
https://err.ersjournals.com/content/26/146/170073
https://www.ajmc.com/view/air-pollution-accelerates-aging-of-lungs-increases-copd-risk