Ung thư vú và tiểu đường là hai căn bệnh khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Cũng từ lâu, các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành những nghiên cứu để tìm hiểu về mối liên hệ giữa ung thư vú với tiểu đường.
Bác sĩ Lorraine Lipscombe, thuộc viện nghiên cứu và bệnh viện cho phụ nữ ở Toronto, tác giả của nghiên cứu cho biết:
“Điều chúng tôi thấy là sau khi bệnh nhân được phát hiện bệnh thì nguy cơ bị tiểu đường không lên cao ngay, nó chỉ tăng lên 2 năm sau đó tới 7% so với những phụ nữ ở cùng độ tuổi nhưng không có ung thư. Và sau 10 năm thì những phụ nữ sống sót sau ung thư vú có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn 20% so với những phụ nữ không có ung thư. Chúng tôi không chắc nguyên nhân vì sao, có thể là những phụ nữ bị ung thư vú cũng có những nguy cơ nghiêm trọng giống như ở những phụ nữ bị tiểu đường, hoặc cũng có thể là do những điều trị bệnh ung thư. Điều chúng tôi thấy là những phụ nữ đã qua hóa trị thì có nguy cơ bị tiểu đường cao rất sớm sau khi điều trị. Có thể là điều trị hóa trị đã mang tiểu đường đến cho những phụ nữ vốn có nguy cơ bị tiểu đường.”
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các số liệu y tế ở quận Ontario từ năm 1996 đến năm 2008 với gần 25.000 phụ nữ đã sống sót sau khi phát hiện ung thư vú có độ tuổi từ 55 trở lên, và khoảng gần 125.000 trường hợp phụ nữ có độ tuổi tương ứng nhưng không bị ung thư vú. Đây là nghiên cứu chủ yếu nhắm vào phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada phát xuất từ những nghiên cứu và kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa hai loại bệnh ung thư và tiểu đường. Bác sĩ Lorrain Lipscombe nói:
“Tôi đã nghiên cứu mối liên hệ giữa ung thư và tiểu đường trong nhiều năm, ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng những bệnh nhân có tiểu đường thì cũng có nhiều nguy cơ bị một loạt các loại ung thư và tỷ lệ tử vong cao sau khi phát hiện ung thư. Vì thế tôi đã làm nghiên cứu về vấn đề này. Để có thể hiểu tốt hơn về dấu hiệu cho thấy mối liên hệ này. Chúng tôi tìm hiểu những nhân tố gây nguy hiểm chung giữa hai bệnh là gì, liệu đó là do béo phì hay do kháng insulin. Và nếu như vậy thì chúng tôi muốn xem xét là có chiều ngược lại không là bệnh nhân có ung thư thì cũng có khả năng bị bệnh tiểu đường cao.”
Theo một báo cáo gần đây của Hội Ung thư Mỹ và Hội tiểu đường Hoa Kỳ những người bị tiểu đường type 2 thường có nguy cơ cao hơn người không bị tiểu đường đối với các bệnh ung thư như ung thư gan, tụy, đại tràng và bọng đái.
Báo New York Times trích lời giáo sư dịch tễ và dinh dưỡng, Edward Giovannucci, thuộc trường đại học Havard cho biết ngày càng nhiều người được phát hiện mắc hai bệnh tiểu đường và ung thư cùng lúc. Có những ước tính cho thấy mối liên hệ giữa tiểu đường và ung thư có thể về mặt số lượng sẽ trở nên quan trọng hơn mối liên hệ giữa thuốc lá với ung thư.
Số liệu thống kê của WHO vào năm 2008 cho biết có khoảng hơn 12 triệu ca mắc bệnh ung thư trên thế giới với các bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, cuống phổi, đại tràng và ung thư vú. Trong khi đó số liệu thống kê về những người bị bệnh tiểu đường trên toàn thế giới cho thấy trong những người từ độ tuổi 20 đến 79, có khoảng 285 triệu người bị tiểu đường. Trên toàn thế giới, ung thư là căn bệnh gây chết người thứ hai, còn tiểu đường là căn bệnh gây chết người thứ 12. Báo cáo của Hội Ung thư Mỹ và hội tiểu đường Hoa Kỳ cũng cho thấy ngày càng có nhiều người bị phát hiện có cả hai bệnh ung thư và tiểu đường cùng lúc.
Vậy những nhân tố chung có nguy cơ cao giữa hai bệnh là gì? Bác sĩ Lipscombe nói đến chứng kháng insulin trong tiểu đường là một yếu tố gây ung thư:
“Chứng kháng insulin có liên quan đến béo phì, tất nhiên không phải là tất cả mọi loại béo phì mà một số loại nhất định ví dụ như béo phì bụng tức là những phụ nữ có thân hình dáng trái táo. Khi bạn bị kháng insulin, ở thời kỳ đầu thì bạn có mức insulin rất cao trong máu, nó có tác dụng kiềm chế lượng đường trong máu lên cao để không bị tiểu đường sớm. Nhưng đã có bằng chứng là insulin cao có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vì insulin cũng là một nhân tố tác động. Sau nhiều năm bạn bị kháng insulin thì mức insulin bắt đầu hạ xuống và lúc đó có tiểu đường. Do mối liên hệ này và thời điểm của nó nên những người bị kháng insulin có thể bị ung thư sớm và sau đó bị tiểu đường.”
Insulin được biết là có tác dụng nuôi dưỡng sự tăng trưởng của tế bào. Trong khi đó, các tế bào ung thư lại tiêu thụ rất nhiều đường glucose so với các chất dinh dưỡng khác.
Việc điều trị một trong hai căn bệnh cũng có thể coi là một mối liên hệ giữa hai bệnh mà theo giải thích của bác sĩ Lipscombe thì việc điều trị bệnh này có thể khiến bệnh kia xảy ra sớm hơn ở những người có nguy cơ cao. Ví dụ việc điều trị hóa trị với các bệnh nhân ung thư có thể khiến tiểu đường xuất hiện sớm hơn. Lý do được bác sĩ giải thích có thể là do hóa trị đã kiềm chế hormone estrogen. Thường những bệnh nhân sau khi được hóa trị dễ bị tăng cân, trong khi tăng cân được coi là một trong những yếu tố nguy hiểm dẫn đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra glucorticoids, loại thuốc kê đơn có tác dụng giảm nôn được dùng khá phổ biến hiện nay trong điều trị hóa trị cũng tăng khả năng kháng insulin trong bệnh nhân.
Mặc dù vậy, bác sĩ Lipscombe cho rằng các nhà khoa học vẫn cần làm nhiều những nghiên cứu bổ xung để có thể làm rõ hơn về mối liên hệ qua lại giữa hai căn bệnh phổ biến này.
Với số lượng người bị phát hiện nhiễm hai căn bệnh tiểu đường và ung thư cùng một lúc ngày một nhiều, việc điều trị hai bệnh một lúc có thể là một khó khăn không chỉ về vấn đề sức khỏe mà còn cả về tâm lý đối với họ.
Tâm lý của một số người bệnh thường cho rằng, tiểu đường không nguy hiểm như ung thư nên khi họ bị phát hiện hai bệnh một lúc, họ có thể nghĩ cứ để bệnh tiểu đường sang bên cạnh mà tập trung nhiều hơn vào điều trị ung thư. Đây là một tâm lý không đúng, vì theo các bác sĩ, lượng đường trong máu cao có thể gây hại đối với thận, mạch máu và hệ thống miễn dịch, do đó có ảnh hưởng không tốt đến việc điều trị bệnh ung thư.
Những mối liên hệ qua lại được tìm thấy trong các nghiên cứu gần đây giữa hai căn bệnh cũng có thể khiến người ta lo lắng về việc liệu có nên tiếp tục điều trị bệnh này mà bỏ lại bệnh kia tạm thời vì sợ phương pháp điều trị có thể khiến họ bị bệnh. Bác sĩ Lipscombe khuyên rằng, khi đã phát hiện bệnh thì tốt nhất nên điều trị kịp thời:
“Tôi chắc chắn không khuyên mọi người tránh không điều trị bệnh, dù đó là tiểu đường hay ung thư vì điều quan trọng là phải điều trị khỏi các bệnh đó. Tuy nhiên, chúng ta biết là ít nhất đối với bệnh tiểu đường, việc giữ một cuộc sống mạnh khỏe, tránh tăng cân, tập thể dục đều đặn và ăn uống hợp lý thực tế có thể giảm nguy cơ tiểu đường và nó cũng giúp cho việc điều trị ung thư tốt hơn.”
Đối với phụ nữ nói chung, bác sĩ Lipscombe cũng có lời khuyên nên duy trì một lối sống mạnh khỏe bởi trên thực tế có rất nhiều phụ nữ bị ung thư vú có thể được điều trị khỏi và sống lâu hơn trước kia.