Mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản
Một bệnh lý đường tiêu hóa và một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dường như không có liên quan gì đến nhau. Nhưng thực chất hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản có mối quan hệ qua lại mật thiết.

1. Bệnh hen suyễn là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Có thể coi mối quan hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản là mối quan hệ nhân - quả. Khoảng 3/4 bệnh nhân mắc hen suyễn cũng bị trào ngược dạ dày. Nguyên nhân là ở bệnh nhân hen suyễn, phổi bị viêm và sưng to, gây áp lực lên dạ dày, đồng thời khiến cơ co thắt tâm vị trở nên yếu ớt hơn. Điều này kích thích dịch axit trong dạ dày trào ngược lại thực quản

Mỗi khi cơn hen suyễn xuất hiện, nó khiến áp lực bên trong ngực và bụng thay đổi, có thể làm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản diễn biến tồi tệ hơn. 

Những người bị hen suyễn có gấp đôi nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng hen suyễn có thể kích hoạt trào ngược dạ dày thực quản nếu như các cơn hen suyễn xảy ra khi uống rượu bia, sau khi ăn no hay tập thể dục, khi đi ngủ, xảy ra vào buổi tối hoặc ban đêm.

2. Trào ngược dạ dày làm trầm trọng thêm căn bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản có tương tác qua lại với nhau. Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thường có lớp niêm mạc ở cổ họng và đường hô hấp bị tổn thương do tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân bị khó thở và ho dai dẳng. dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Mặt khác, do thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch axit nên phổi sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích thích hơn bởi các tác nhân như bụi và phấn hoa. Đây là nguyên do những bệnh nhân trào ngược dạ dày thường dễ bị bộc phát cơn hen.

Quá trình kích hoạt hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản thường xảy ra cùng lúc. Trào ngược dạ dày thực quản có thể kích hoạt các phản xạ thần kinh tự vệ. Điển hình là phản xạ co thắt đường hô hấp để ngăn dịch axit tràn vào phổi, dẫn đến hiện tượng khó thở, là triệu chứng của bệnh hen suyễn. 

3. Chăm sóc cho bệnh nhân bị cả hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản

- Nếu việc sử dụng thuốc điều trị hen suyễn không phát huy hiệu quả, thì rất có thể bạn đã bị đồng thời cả 2 căn bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược khiến cho hen suyễn tái đi tái lại, không khỏi dứt điểm.

Do vậy, để trị dứt điểm, ta cần điều trị song song cả 2 bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản. Đôi khi bác sĩ sẽ ưu tiên tập trung điều trị trào ngược trước. Bởi nếu bệnh trào ngược được cải thiện thì các triệu chứng của bệnh hen suyễn cũng sẽ dễ kiểm soát hơn.

- Kê đầu cao khoảng 15cm khi ngủ để dễ thở hơn và tránh trào ngược.

- Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá nó sẽ kích hoạt triệu chứng trào ngược.

- Không ăn nhẹ trước khi đi ngủ, bữa tối cần hoàn thành ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.

- Kiêng các thực phẩm giàu axit và chất béo.

- Bỏ hút thuốc lá không chỉ tốt cho bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.

- Mặc quần áo rộng rãi, tránh bó chặt và chèn ép cơ thể, đặc biệt là vùng bụng và ngực, hạn chế sử dụng thắt lưng.

- Lưu ý và tránh xa các tác nhân có thể kích hoạt cơn hen như bụi, phấn hoa, hóa chất,...

Những bệnh nhân bị đồng thời hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản sẽ có các triệu chứng tiến triển rất nhanh. Do vậy cần tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị sớm, có thể làm nặng hơn cả 2 tình trạng hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.


Tác giả: Mai Nhung