Miền Bắc rét đậm rét hại, Bộ Y tế gửi công văn ứng phó khẩn cấp: cần giữ ấm, đề phòng ngộ độc than sưởi...

Miền Bắc rét đậm rét hại, Bộ Y tế gửi công văn ứng phó khẩn cấp: cần giữ ấm, đề phòng ngộ độc than sưởi...
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại để có phương án phòng chống.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chiều 16/12 cho biết, hiện nay khối không khí lạnh có cường độ ổn định. Dự báo, đêm nay và ngày mai (17/12), do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ vài nơi. Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. 

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá.

Cảnh báo, khoảng từ ngày 18/12, không khí lạnh lại được tăng cường nên ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nay đến khoảng ngày 20/12 tiếp tục xảy ra rét đậm, có nơi rét hại. Riêng khu vực Hà Nội, đêm nay và ngày mai (17/12) có mưa nhỏ vài nơi; trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-13 độ.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công điện về việc chủ động ứng phó với rét đậm rét hại. Theo đó, thực hiện công văn số 39/CĐ-TW ngày 12/12/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại để có phương án phòng chống. Rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với rét đậm, rét hại.

Đồng thời, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm cho người dân, đặc biệt người già, trẻ em, học sinh. Hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, đề phòng các biến chứng về hô hấp, tim mạch.

Đảm bảo an toàn trong việc sưởi ấm tại nhà, nhất là vào ban đêm, không để gây ngộ độc khí do bếp than củi. Tổ chức trực chuyên môn sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, nhất là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa... Tăng cường giữ ấm, tránh rét cho các bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

Miền Bắc rét đậm rét hại, Bộ Y tế gửi công văn ứng phó khẩn cấp: cần giữ ấm, đề phòng ngộ độc than sưởi... - Ảnh 1.

Khuyến cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về những cách giữ ấm và chống rét hiệu quả

Miền Bắc rét đậm rét hại, Bộ Y tế gửi công văn ứng phó khẩn cấp: cần giữ ấm, đề phòng ngộ độc than sưởi... - Ảnh 2.

Khuyến cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về những cách giữ ấm và chống rét hiệu quả

Miền Bắc rét đậm rét hại, Bộ Y tế gửi công văn ứng phó khẩn cấp: cần giữ ấm, đề phòng ngộ độc than sưởi... - Ảnh 3.

Khuyến cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về những cách giữ ấm và chống rét hiệu quả

Để chủ động phòng tránh rét hại cho người, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân cần:

- Ăn đủ chất, tăng cường đạm, các gia vị cay như hành, tỏi, gừng, quế...

- Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn.

- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp quần áo mỏng, chống gió, đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh.

- Tăng cường hoạt động, lao động chân tay để cơ thể sản sinh nhiều nhiệt.

- Sưởi ấm an toàn: khi đốt củi, than hoa, than tổ ong để sưởi ấm phải đặc biệt lưu ý nguy cơ cháy nổ và ngộ độc khí CO.

- Nếu phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài: Khi trời mưa phải đội mũ che kín tai để tránh nước vào tai gây viêm nhiễm (viêm tai giữa), viêm họng, viêm xoang,...

- Không ra ngoài khi trời mưa hay quá lạnh.

- Ngâm chân vào nước muối ấm để điều hoà khí huyết, giữ ấm cơ thể vào buổi tối.

Đối với vật nuôi, người dân cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng. Không thả rông, chăn thả gia súc ngoài trời vào những ngày rét hại. Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y, khuyến nông. Chủ động dữ trữ thức ăn thô (rơm rạ, cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp). Mặc áo chống rét cho gia sức bằng cách tận dụng áo cũ, chăn cũ, bao tái gai hoặc bao tái dứa. Dự trữ chất đốt (củ, trấu, mùn cưa,...) để sưởi ấm cho đàn gia súc, gia cầm.

Che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội. Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ cho gia súc, gia cầm; bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, sắn hoặc cám gạo), muối khoáng, vitamin, men tiêu hoá. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi, tránh dịch bệnh.

Đối với cây trồng, người dân cần chủ động che chắn bằng nilon, bạt,... Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan khuyến nông. Tăng cường biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ, phân NK,...


Tác giả: Kim Phụng