COVID-19 lây lan từ người sang người xảy ra qua tiếp xúc gần (tầm 2m) với người bệnh. Có nhiều nghiên cứu còn cho thấy, virus corona còn có thể bắn xa 4-5m.
Với cơ chế lây lan chủ yếu qua đường giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho hay hắt hơi, nói chuyện, tương tự như cơ chế lây cúm và các bệnh đường hô hấp khác. Giọt bắn của người mang mầm bệnh có thể rơi vào miệng hoặc mũi sang người đối diện hoặc người gần đó. Ngoài ra, hiện chưa rõ một người mang mầm bệnh có thể làm lây lan dịch bệnh khi virus bắn vào các bề mặt khác hay không, tuy nhiên cũng cần cẩn thận với nguy cơ này.
Hầu hết virus lây qua đường hô hấp, người dễ lây nhất khi trong tình trạng có triệu chứng cao nhất. Nhưng với COVID-19, đã có trường hợp lây do tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm virus mà không có triệu chứng. Khả năng lây lan từ người sang người của mỗi loại virus là khác nhau, có loại khó lây, có loại rất dễ lây và tốc độ lây lan nhanh như COVID-19.
Hơn nữa, trẻ nhỏ, người già và người đang bị bệnh (tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan và bệnh hô hấp) sẽ có nguy cơ trở bệnh nghiêm trọng hơn người khác. Từ ngày 1/4-15/4, cả nước bước vào thời kỳ cách ly toàn xã hội, thắt chặt các hoạt động ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết như mua nhu yếu phẩm, người làm công vụ...
WHO và Bộ Y tế ngay từ những ngày đầu có dịch đã khuyến cáo mọi người dân đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải ở nhà nhiều cũng như hạn chế tiếp xúc bên ngoài thì việc chú ý đến vệ sinh môi trường sống trong nhà là điều cần được quan tâm trong thời gian này.
Bởi virus có thể lây truyền qua không khí, bám vào các bề mặt và có thể làm lây nhiễm cho người khác, do vậy việc dọn nhà thường xuyên, khử khuẩn các bề mặt như điện thoại, tay nắm cửa, thành cầu thang, sàn nhà...cũng cần có những lưu ý riêng.
Để phòng ngừa lây lan, mỗi người cần thực hành vệ sinh tốt. Ví dụ, khăn giấy để che mũi và miệng khi ho, hắt hơi, sổ mũi rồi vứt ngay khăn giấy vào sọt rác. Cũng cần rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc nước rửa tay có chứa cồn ở nồng độ trên 60%. Virus rất nhạy cảm đối với các điều kiện như nhiệt độ, pH, ánh sáng, nồng đọ ion, chính vì vậy chúng sẽ có xu hướng khó tồn tại độc lập ngoài tự nhiên mà cần phụ thuộc vào vật chủ.
WHO cũng đã xác nhận, COVID-19 không sống quá vài giờ trên bề mặt và không lây nhiễm qua đường không khí. Do vậy việc tạo ra một môi trường lý tưởng để giết chết virus là việc làm quan trọng và cần được chú ý trong thời gian này.
Nhiều người cho rằng, ô nhiễm không khí chủ yếu do khói bụi từ xe cộ và công trình ngoài đường. Tuy nhiên, ngay trong chính trong nhà và nơi ở của bạn cũng có thể gặp nhiều tác nhân gây ô nhiễm mà bạn ít khi để ý đến.
Hít thở không khí trong nhà rất quan trọng để bạn có được một sức khỏe tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và phải ở nhà trong nhiều tuần. Hầu hết mọi người dành một lượng thời gian đáng kể trong nhà hoặc trong văn phòng, nơi các chất ô nhiễm có thể gây đau đầu, dị ứng, kích ứng mắt và mệt mỏi.
Các chất gây ô nhiễm như nitơ dioxide, carbon monoxide đến từ các thiết bị đốt nhiên liệu như bếp gas, bếp củi, lò sưởi. Khói thuốc cũng là một chất gây ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh đường hô hấp. Những chất gây ô nhiễm nguy hiểm này thường xâm nhập vào nhà thông qua các vết nứt trên tường, từ các nhà hàng xóm đun nấu hoặc ngay trong chính gia đình bạn. Do vậy việc áp dụng các phương pháp làm sạch không khí là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình.
1/ Để làm sạch không khí trong gia đình, cũng như giúp không khí lưu thông tốt trong phòng: Cần mở cửa thường xuyên, phòng phải được ánh sáng và gió lưu thông, có thể đóng cửa vào ban đêm hoặc sáng sớm nhưng ban ngày cần được mở liên tục. Không đóng cửa kín tránh tạo điều kiện cho virus xâm nhập.
Đối với gia đình ít cửa sổ hoặc sống ở những nơi ít ánh sáng, ít gió, có thể bật quạt và dọn dẹp không gian sống sạch sẽ. Thời tiết những ngày mùa xuân thường nồm ẩm, nếu trong phòng không khô ráo có thể gây ra hiện tượng nấm mốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
2/ Trồng cây xanh trong nhà: Theo Organic Life, trồng cây xanh trong không gian sống có thể lọc không khí về mặt vật lý và hóa học. Rất khó có thể tính được bao nhiêu cây mới đủ làm sạch không khí, tuy nhiên tốt nhất là nên có tối thiểu 2 cây lớn đối với phòng 100 m2. Dương xỉ là một trong những cây cảnh hiệu quả giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm không khí nhưng lại khó phát triển trong phòng. Bạn có thể đưa chúng ra ban công hoặc nơi nhiều ánh sáng. Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng cây lưỡi hổ, phong lan, dừa cảnh...cũng có công dụng tốt trong việc làm sạch không khí
3/ Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên: Một căn phòng bừa bộn, nhiều đồ đạc và bụi bẩn chắc chắn có thể khiến bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp và bệnh ngoài da. Việc dọn dẹp nhà cửa thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 không những giúp bạn cải thiện không gian sống, loại bỏ các tác nhân gây bệnh mà còn giúp giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi khi phải ở trong nhà quá nhiều.
4/ Sử dụng máy lọc không khí: Đây cũng là một sự lựa chọn tốt giúp gia đình bạn lọc không khí trong nhà. Trước khi mua máy lọc không khí, cần tìm hiểu kỹ các thương hiệu cũng như tính năng phù hợp với nhu cầu của gia đình.