Khi trẻ mọc răng sữa, bé có thể bị đau nhức, khó chịu, sốt nhẹ kèm theo tiêu chảy, quấy khóc hoặc lười ăn. Vậy trong khoảng thời gian này, mẹ cần làm gì để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn?
Trẻ mọc răng sữa (Ảnh: Internet)
1. Khi nào trẻ mọc răng sữa?
Thông thường, quá trình trẻ mọc răng sữa thông thường bắt đầu khi bé khoảng 5 - 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có một giới hạn nhất định nào về độ tuổi mọc răng của trẻ, có trẻ mọc sớm khi mới 3 tháng tuổi, có bé tới 9 tháng tuổi mới bắt đầu mọc răng. Vì vậy, nếu trẻ mọc răng sữa sớm hay muộn thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng.
Thứ tự mọc răng thông thường ở trẻ (Ảnh: Internet)
Việc trẻ mọc răng sữa thường bắt đầu từ hai răng cửa hàm dưới, các răng sau đó sẽ mọc lần lượt theo cặp và kết thúc ở răng hàm thứ hai của hàm trên. Một hàm răng sữa thường có 20 răng chia đều ở hai hàm.
2. Biểu hiện của trẻ mọc răng sữa
Khi bắt đầu mọc răng sữa, trẻ sẽ có những thay đổi về tâm lí như hay khóc, khó ngủ, dễ bị kích động, bứt rứt trong người và mè nheo, nũng nịu hơn so với ngày thường.
Trẻ mọc răng sữa có thể chảy nhiều nước miếng, hay cho đồ chơi hoặc vật dụng vào miệng. Ngoài ra, trong giai đoạn này, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hoá dẫn đến tiêu chảy do sức đề kháng của cơ thể yếu đi.
Trẻ mọc răng sữa thường có một số dấu hiệu tiêu biểu (Ảnh: Internet)
Tại nơi mọc răng, nướu có thể bị sưng, tấy đỏ, thậm chí là có vết loét. Bên cạnh đó, phần nướu sẽ bị nứt ra để răng mọc lên, gây đau đớn cho trẻ và có nguy cơ gây nhiễm trùng.
3. Làm gì khi trẻ mọc răng sữa
Thông thường, các phản ứng của cơ thể khi trẻ mọc răng sữa như sưng lợi, kém ăn, tiêu chảy có thể tự hết trong vòng 3 - 7 ngày. Khi trẻ bị sốt nhẹ, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cho bé uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp.
Thời gian này, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cho bé là đặc biệt quan trọng để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, các vật dụng trẻ thường hay cho vào miệng cũng cần được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ để đảm bảo an toàn.
Đồ chơi cần được giữ vệ sinh sạch sẽ trong quá trình trẻ mọc răng sữa (Ảnh: Internet)
Quá trình tách nướu có thể kéo dài do răng không mọc lên, khiến bé đau đớn. Để rút ngắn thời gian này, mẹ nên cho bé bổ sung canxi bằng đường uống hoặc thông qua các loại thực phẩm hằng ngày.
Về thức ăn hằng ngày, trẻ mọc răng sữa cần được ăn các món dễ nuốt, dễ tiêu như bột, cháo loãng, trứng gà, sữa, trái cây tươi ép nước, tôm, cá xay nhỏ,... Các món ăn này khiến bé dễ chịu hơn khi ăn lại đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là canxi.
Trẻ mọc răng sữa thường đi kèm với tiêu chảy. Lúc này, việc bù nước cho cơ thể bé là đặc biệt cần thiết nếu bé đi ngoài ra phân lỏng và nhiều nước. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đây là biểu hiện thường gặp ở trẻ mọc răng sữa.
Trong quá trình trẻ mọc răng sữa, nếu có bất cứ biểu hiện nào bất thường ở bé, cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Tổng hợp