Mẹ viêm gan B có khiến con bị viêm gan B bẩm sinh không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Mẹ viêm gan B có khiến con bị viêm gan B bẩm sinh không?
Nhiều bà mẹ mắc viêm gan B đã lo lắng khi mang thai sẽ truyền bệnh cho con khiến con mình bị viêm gan B bẩm sinh. Có nguy cơ viêm gan B bẩm sinh từ mẹ truyền sang con không?

Viêm gan B có thể truyền từ mẹ sang con. Trên thực tế đây là một trong những con đường lây truyền viêm gan B phổ biến nhất. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng có thể giúp con giảm nguy cơ mắc viêm gan B bẩm sinh nếu đủ hiểu biết về bệnh để có những biện pháp phòng tránh truyền bệnh sang cho con.

1. Mẹ viêm gan B lo lắng khi mang thai sẽ khiến con mắc viêm gan B bẩm sinh

Có những bà mẹ phải đến khi đã mang thai mới biết mình đã mắc viêm gan B. Trong trường hợp này, khả năng trẻ mắc bệnh viêm gan B bẩm sinh do lây từ mẹ sang là khá cao. Nhiều người đã chọn cách đối phó lại tình huống này bằng cách cho con đi tiêm phòng ngay sau khi sinh.

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp như vậy, trẻ vẫn có kết quả xết nghiệm dương tính với viêm gan B. Vậy thì chẳng lẽ việc tiêm phòng cho trẻ ngay sau khi sinh cũng không thể ngăn ngừa viêm gan B bẩm sinh?

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cho biết tiêm phòng cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là hành động đúng đắn. Đây hiện là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa lây bệnh cho con. Sau đó, trẻ cần được tiêm nhắc lại đủ liều để tránh bị lây bệnh từ mẹ.

Tuy vậy, không phải trường hợp nào việc tiêm phòng cũng có hiệu quả. Nếu trẻ được tiêm phòng sau sinh quá lâu hoặc tiêm nhắc lại không đủ liều hay không đúng thời gian, trẻ vẫn có thể bị lây viêm gan B từ mẹ. Những yếu tố như chất lượng vaccine bị ảnh hưởng bởi việc bảo quản hay đã quá hạn cũng khiến trẻ có nguy cơ bị lây viêm gan B từ mẹ.

Nếu miễn dịch của trẻ quá yếu, không sản xuất đủ kháng thể thì vaccine cũng không giúp trẻ phòng tránh được virus viêm gan B. Thậm chí ngay cả khi trẻ đã được tiêm đúng liều, đúng thời gian và đủ khỏe để sản xuất kháng thể mà người mẹ không uống thuốc điều trị thì trẻ vẫn có thể bị lây viêm gan B.

Nếu trẻ bị viêm gan B bẩm sinh hoặc đã nhiễm viêm gan B trước khi tiêm phòng và có kết quả dương tính với HBsAg thì việc tiêm vaccine cũng không có hiệu quả gì. Vaccine viêm gan B chỉ hiệu quả đối với người chưa mắc bệnh và sau khi tiêm cơ thể có thể tạo ra kháng thể Anti-hbs > 10IU/l.

2. Mẹ cần làm gì để tránh cho con mắc viêm gan B bẩm sinh

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc việc phòng ngừa cho trẻ khỏi viêm gan B bẩm sinh do lây từ mẹ sang phụ thuộc khá nhiều vào người mẹ. Khả năng thai nhi bị lây viêm gan B từ mẹ rồi mắc bệnh viêm gan B bẩm sinh tùy thuộc vào thời điểm người mẹ mắc bệnh.

Nếu người mẹ mắc bệnh ở 3 tháng đầu thai kì thì tỉ lệ truyền bệnh sang con, khiến con mắc viêm gan B bẩm sinh chỉ là 1%. Đến ba tháng giữa thai kì, tỉ lệ này tăng lên đến 10% và ở những tháng còn lại của thai kì, tỉ lệ trẻ mắc viêm gan B bẩm sinh do lây từ mẹ là 60-70%. Bởi vậy, việc phát hiện và điều trị sớm cho mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ phòng bệnh viêm gan B bẩm sinh.

Một yếu tố quan trọng nữa cần quan tâm là liệu virus của người mẹ có đang phát triển không và người mẹ đã ở giai đoạn nào của bệnh. Nếu người mẹ có kết quả dương tính ở thể hoạt động thì khi mang thai con cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh cho trẻ bị mắc viêm gan B bẩm sinh. 

Trẻ sau khi sinh ra cần được tiêm vaccine viêm gan B và kháng thể ngay. Nếu thực hiện đúng và kịp thời những biện pháp này thì có thể hạn chế nguy cơ lây truyền khiến trẻ mắc bệnh viêm gan B bẩm sinh.

Các bà mẹ mắc viêm gan B có con không mắc viêm gan B bẩm sinh vẫn có thể cho con bú bình thường. Tuy nhiên nếu mẹ bị nứt đầu ti hoặc chảy máu ở đầu ti thì nên tránh cho trẻ bú trực tiếp mà nên cho trẻ bú bằng bình. Làm như vậy sẽ hạn chế việc trẻ tiếp xúc với huyết thanh của người bệnh.


Tác giả: Nụ Nguyễn