Ăn dặm là cho trẻ tập ăn những loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ, để trẻ làm quen dần với các loại đồ ăn. Thông thường, sữa của người mẹ sẽ bắt đầu loãng và ít dần đi khi con được khoảng 6 tháng tuổi. Lúc này, việc ăn dặm sẽ bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng khác để con được phát triển toàn diện.
Chính vì thế, cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên như thế nào là điều mà nhiều bậc cha mẹ đau đầu băn khoăn. Ở một số trẻ, nhu cầu ăn dặm có sớm hơn, nên trẻ vô cùng hào hứng khi được cha mẹ cho ăn những món mới lạ. Tuy vậy, cũng có nhiều trẻ thì lại không hề hứng thú gì với việc này khiến các mẹ rất lo lắng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng kết luận thì ở khoảng 4-6 tháng tuổi là đã có thể được cho ăn dặm. Sữa mẹ lúc này sẽ chỉ có thể cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày cho trẻ. Để có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn nên cho trẻ tập ăn dặm vào thời điểm này.
Tuy nhiên thời điểm phù hợp an toàn nhất để cho con ăn dặm là 6 tháng tuổi trở lên. Nguyên nhân bởi lúc này hệ tiêu hóa và chức năng lọc của thận ở trẻ đã hoàn thiện, hoàn toàn có thể hấp thu các chất dinh dưỡng và đào thải những chất dư thừa, độc tố... có lẫn trong thức ăn.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cho trẻ ăn dặm quá muộn. Nếu trẻ trong giai đoạn từ 8-9 tháng tuổi mới được cho ăn dặm thì cơ thể của bé dễ bị thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần. Trẻ dễ bị sút cân, nhẹ cân, chậm lớn.
Đọc thêm bài viết:
Gợi ý mẹ cách nấu cháo ăn dặm cho bé, tránh phạm phải 4 sai lầm này
Khi nào nên cho trẻ ăn dặm? Hướng dẫn cách cho trẻ ăn dặm đúng
Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm lần đầu tiên:
Có nhiều trường hợp em bé chỉ 5 tháng tuổi nhưng lại có những dấu hiệu như: miệng nhai tóp tép khi rảnh rỗi (không ti mẹ, không ti bình, không ngậm núm vú giả, không quấy khóc, đặc biệt là khi thấy người khác ăn là đùn lưỡi liên tục, tỏ ra thích thú,... lúc này, mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu cho con ăn dặm.
Rất nhiều bà mẹ trẻ, vì kĩ tính hoặc vì quá đỗi hào hứng với việc cho con ăn dặm mà đã mua về vô vàn món đồ cho con ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ chỉ cần mua những món đồ sau là đủ để tránh lãng phí:
- Thìa đong: nên chọn bộ 3 chiếc thìa được đóng theo bộ liền nhau, có kích thước hơn kém nhau ½. Loại này sẽ rất tiện lợi khi sử dụng, dễ tăng giảm liều lượng thức ăn tùy món để phù hợp với khẩu vị của trẻ. Nếu không tìm được bộ thìa này, mẹ có thể mua loại dung tích dưới 15ml để dùng cũng không sao cả.
- Cốc đo lường: loại cốc này được dùng để đong sữa, đong nước pha thêm cùng các hỗn hợp đồ ăn đã được nghiền, xay, rây nhỏ, hoặc đong gạo đối với trường hợp mẹ nấu cháo loãng cho bé. Bạn nên mua loại cốc có vạch chia, dung tích 200ml để dễ dàng đong nhé!
- Nồi nhỏ: dùng để nấu bột, nấu cháo loãng cho em bé.
- Nồi hấp: để hấp những loại thịt, rau củ quả trước khi xay, nghiền cho bé ăn.
- Rây: dùng để chắt nước, loại bỏ muối, dầu mỡ, lọc thực phẩm, nhất là những mảng thức ăn to để bé không bị hóc, nghẹn.
- Máy xay sinh tố: đây là vật dụng quan trọng, giúp công việc nghiền nát thức ăn của mẹ được nhanh gọn, lại hiệu quả hơn dầm, nghiền bằng tay rất nhiều.
- Máy ép hoa quả: được dùng để ép nước rau củ quả, bổ sung cho bé sau bữa ăn. Nếu không có điều kiện mua máy ép, bạn có thể mua dụng cụ vắt như máy vắt cam bằng tay, máy ép mini cầm tay.
Vật dụng ăn dặm cho bé gồm có:
- Bộ dụng cụ ăn dặm: Bao gồm bát ăn dặm, thìa và đĩa hoặc khay ăn dặm đi liền với nhau. Nếu không muốn mua theo bộ có sẵn, mẹ có thể mua lẻ.
Trường hợp mẹ không thể mua được những món đồ chuyên dùng cho bé này, thì có thể thay thế bằng chiếc thìa mềm và nhỏ để không ảnh hưởng đến việc há miệng và hay trầy xước vùng lợi còn non nớt của trẻ. Loại bát đĩa hay khay sử dụng của người lớn cũng được, nhưng nên bằng nhựa mềm để tránh bé làm rơi, xô vỡ... gây nguy hiểm.
- Cốc tập uống hoặc bình tập uống: Những loại bình, cốc uống nước đặc biệt này giúp bé uống hết được nước mà không bị đổ, vương vãi ra ngoài, đặc biệt là không thể làm bé sặc bị sặc nước.
- Yếm ăn dặm: tác dụng của yếm ăn dặm là để thức ăn không rơi, dính vào quần áo trẻ. Yếm này có thể làm bằng vật liệu vải hay nilon, nhựa... tùy ý mẹ muốn. Thông thường yếm ăn dặm sẽ bằng nhựa mềm (gần giống với vải mưa) để mẹ dễ giặt rửa sau khi con sử dụng.
- Ghế ăn dặm: Mẹ hãy dùng ghế ăn dặm để tập thói quen ăn uống cho trẻ khoa học: mỗi khi cho trẻ ngồi trên ghế ăn dặm là bữa ăn sẽ diễn ra, bé sẽ chỉ tập trung ăn uống và không làm bất cứ việc gì khác xao nhãng.
Điều này đồng nghĩa với việc khi bé rời ghế ăn, có nghĩa là bữa ăn đã kết thúc. Nếu như vì mải nghịch, không chú tâm gây biếng ăn, bò ăn... thì bé sẽ bị đói, sẽ phải chờ đến bữa sau mới được ăn tiếp. Nhờ đó mà bé sẽ tập trung ăn uống hơn.
Hiện nay, ở có 3 phương pháp ăn dặm cho em bé. Các phương pháp đó là: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW).
Gọi là "truyền thống" vì đây là cách cho con ăn bổ sung đã có tại Việt Nam từ bao đời nay.
Con sẽ cho ăn bột xay nhuyễn hoặc cháo rây, cùng với thịt xay nhỏ và rau củ quả cũng đã được nghiền nhuyễn.
- Ưu điểm của phương pháp này là:
Bé sẽ được ăn đầy đủ các chất cần thiết hàng ngày cho cơ thể (chất đường bột, chất đạm, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất). Hơn nữa, đồ ăn sẽ chuyển từ loãng sang đặc dần, để dạ dày của bé quen dần với việc nghiền đồ ăn, không phải làm việc quá sức.
Chưa kể đến, quá trình chế biến các món ăn dặm truyền thống diễn ra vô cùng đơn giản, nhanh chóng, không quá cầu kỳ.
- Về nhược điểm:
Thành phẩm sau khi chế biến của mẹ chính là một nồi cháo loãng hay bột. Nếu như việc này kéo dài liên tục rất dễ khiến các bé chán ăn vì ngán. Trẻ cũng không có cơ hội được nếm và cảm nhận hương vị của từng loại đồ ăn riêng biệt.
Nếu áp dụng phương pháp này lâu dài, con bạn sẽ biết ăn thô muộn, khi ăn chỉ ngậm cơm hay thức ăn trong miệng rất lâu chứ không chịu nhai.
Ở cách cho con ăn này, mẹ sẽ chế biến từng loại thức ăn rồi đặt riêng ra từng bát, đĩa nhỏ, sau đó lần lượt cho con ăn riêng từng món này.
- Ưu điểm của phương pháp này là giữ nguyên được mùi vị của từng loại thực phẩm, không cho gia vị ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của em bé. Nếu áp dụng phương pháp này trong thời gian dài, sau này con có thể ăn thô sớm hơn các bạn cùng trang lứa.
- Nhược điểm của kiểu ăn dặm này: Mẹ sẽ mất công chế biến nhiều loại món ăn một lúc, và phải thay đổi đồ ăn liên tục, phải tránh những loại thực phẩm quá cứng để tránh ảnh hưởng đến dạ dày của con.
Cách ăn dặm BLW khá giống với ăn dặm kiểu Nhật là mẹ cũng nấu rồi để các món riêng rẽ trên khay nhưng lại không đút cho con ăn. Khi ăn, con sẽ tự bốc ăn bất kì loại thực phẩm nào mà con cảm thấy hứng thú nhất.
- Ưu điểm: Tương tự với ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp này hạn chế lượng gia vị không cần thiết đưa vào người bé. Con bạn được tự ý lựa chọn đồ ăn, và quyết định sẽ ăn món nào phù hợp khẩu vị, và không ăn món nào mà vị giác của bé không ưng (cảm nhận về mùi vị của đồ ăn tốt, kích thích vị giác)
- Nhược điểm: Trong khoảng thời gian đầu, con có thể sẽ thiên vị một số loại đồ ăn ưa thích mà không đụng đến một hay vài món khác. Nếu mẹ không để ý và thay thế các loại thực phẩm khác tương đương với món mà bé không đụng đến, thì theo thời gian, con bạn sẽ bị thiếu chất.
Thêm nữa, khi áp dụng phương pháp này, em bé cần được vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn. Và bạn phải xác định sẽ dọn rửa... sau bữa ăn của con rất vất vả nhé! Có thể bé sẽ ném đồ ăn lung tung nữa đấy!
Có quá nhiều lựa chọn cũng là vấn đề khiến các mẹ băn khoăn không biết phương án nào là phù hợp và tốt nhất với con mình.
Trong quãng thời gian đầu mới bắt đầu cho con làm quen với đồ ăn, bố mẹ chỉ nên dùng một phương pháp ăn dặm cho con và kiên trì trong khoảng 1 vài ngày. Hãy chọn phương pháp nào mà bạn cảm thấy dễ dàng và thuận tiện khi bắt tay vào thực hiện nhất.
Trường hợp bé nhà bạn chưa thực sự thích phương pháp nào, thì hãy thử đan xen các cách cho con ăn dặm trên. Còn nếu như con hợp tác ngay từ đầu, thì xin chúc mừng: bạn đã may mắn có được cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên phù hợp ngay từ lần đầu.