Mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng cách chưa?

Mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng cách chưa?
Sự an toàn sau khi tiêm của bé không chỉ phụ thuộc vào vacxin, vào đội ngũ nhân viên y tế mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, đặc biệt là quá trình theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà.

Vacxin được coi là một bước đột phá của y học hiện đại vì cho đến hiện nay, đây là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa rất nhiều bệnh nguy hiểm, không chỉ với sức khỏe trẻ nhỏ mà còn đồng hành cùng con trên một hành trình dài.

Tuy nhiên, tiêm chủng không phải lúc nào cũng an toàn tuyệt đối. Sau khi tiêm, hầu hết các bé sẽ có những phản ứng như sốt nhẹ, quấy khóc, sưng đau vết tiêm khiến những bậc làm cha mẹ rất lo lắng.

Thế nhưng, sự an toàn sau khi tiêm của bé không chỉ phụ thuộc vào vacxin, vào đội ngũ nhân viên y tế mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, đặc biệt là quá trình theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà.

Ảnh 2.

Để an toàn cho trẻ, quá trình theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm là hết sức quan trọng (Ảnh: Internet)

Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bố mẹ những kiến thức và lưu ý cần thiết về chăm sóc trẻ sau tiêm chủng để có thể đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con và phòng tránh những rủi ro không mong muốn.

1. Đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng

Khi đưa con đến cơ sở y tế để tiêm phòng, mẹ cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con, sức khỏe của bé đang hoàn toàn bình thường hay bé đang ốm, ho, sốt cũng như các triệu chứng sau khi tiêm ở những lần tiêm trước. 

Điều này hết sức quan trọng vì có thể khi tình trạng sức khỏe của bé không ổn định, có một số loại vacxin không thể đưa vào cơ thể được.

Sau khi tiêm, bố mẹ bắt buộc phải để con được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút, nếu không có gì bất thường thì bé có thể được về, nhưng cần được theo dõi liên tục trong 24h tại nhà. Bố mẹ nên tham khảo trước hướng dẫn của bác sĩ về thuốc hạ sốt để xử trí trong trường hợp bé sốt nhẹ sau tiêm.

Một lưu ý khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng là tuyệt đối không chườm, đắp các loại thuốc bôi, lá hay mẹo dân gian lên vết tiêm của trẻ. Khi các dấu hiệu sau tiêm như sốt, quấy khóc của trẻ kéo dài, bé bỏ ăn, thậm chí là co giật, cần đưa đến ngay cơ sở y tế.

2. Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng khi bé bị sốt

Hầu hết trẻ nhỏ sau khi tiêm phòng đều bị sốt, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào từng bé. Dưới đây là cách xử trí dành cho bố mẹ khi bé bị sốt:

- Liên tục theo dõi thân nhiệt của bé. Đặt bé nằm ở chỗ thoáng mát, mặc quần áo thoải mái, có thể chườm khăn cho con nhưng chườm khăn ấm, không được chườm đá.

Ảnh 3.

Khi trẻ sốt, nên chườm cho trẻ bằng khăn ấm (Ảnh: Internet)

- Nếu thân nhiệt của bé tăng dần, có thể bé sẽ bị mất cân bằng điện giải. Lúc này, bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho bé uống oresol để bù chất điện giải nhé.

- Dinh dưỡng cho bé khi bị sốt vẫn cần đảm bảo như bình thường, nhưng nên khuấy cháo lỏng, nấu bằng các thực phẩm dễ tiêu, không nêm mặn.

- Duy trì vệ sinh thân thể cho bé bằng nước ấm, trong phòng kín gió. Không được vì bé sốt mà không làm vệ sinh, điều này có thể khiến bé thấy nóng bức, khó chịu.

Ảnh 4.

Cần vệ sinh cho bé kể cả khi bé sốt (Ảnh: Internet)

Nếu với những biện pháp xử trí trên mà bé vẫn sốt kéo dài trên 1 ngày, thân nhiệt tăng cao trên 38.5 độ, bố mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Tiêm phòng là hoạt động thường xuyên và quan trọng đối với trẻ nhỏ. Mỗi bậc làm cha mẹ hãy trang bị những kiến thức về chăm sóc trẻ sau tiêm chủng để xử trí kịp thời và đảm bảo an toàn cho con nhé!

Tác giả: Trương Thị Mỹ Duyên