Mẹ căng thẳng thần kinh khi mang thai, con dễ bị vạ lây thậm chí tự kỷ

Mẹ căng thẳng thần kinh khi mang thai, con dễ bị vạ lây thậm chí tự kỷ
Thời kỳ bầu bí đem đến một loạt những thay đổi về tâm sinh lý với các mẹ bầu. Để bé yêu ra đời khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý, các bà mẹ cần hết sức tránh bị căng thẳng thần kinh khi mang thai vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, khiến bé có nguy cơ bị tự kỷ.

Bên cạnh niềm hạnh phúc vì được lên chức, rất nhiền mẹ bầu phải đối mặt với những căng thẳng tâm lý do lo lắng cho sự phát triển của con, do mệt mỏi, ốm nghén, đau nhức cơ thể và những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. 

Căng thẳng thần kinh rõ ràng là không hề tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó nặng nề như thế nào thì không phải bà mẹ nào cũng nắm rõ. Dưới đây là tác hại và phương pháp hạn chế căng thẳng thần kinh khi mang thai. Các mẹ ghi nhớ nhé! 

Ảnh 1.

Ảnh: Internet

1. Tác hại của căng thẳng thần kinh khi mang thai

1.1. Gây thiếu oxy máu

Người mẹ khi mang thai bị stress dễ gây ra thiếu oxy máu của thai nhi, ảnh hưởng tới các thành tố hóa học của máu và dinh dưỡng cho thai nhi, có thể gây ra các dị tật ở thai nhi.

1.2. Ảnh hưởng tâm lý thai nhi

Khi người mẹ mang thai bị stress sẽ dễ có tâm lý tức giận, oán ghét cái thai, từ đó dẫn đến tình cảm mẹ con đã có những rạn nứt. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng quan hệ tình cảm mẹ con thời kỳ đầu sẽ ảnh hưởng tới cá tính và hành vi cũng như sự hoàn chỉnh tâm lý của đứa trẻ.

1.3. Bé có nguy cơ tăng động

Đánh giá hành vi của những trẻ được sinh ra từ các bà mẹ có mức độ căng thẳng thần kinh liên tục, người ta phát hiện ra rằng các trẻ này tăng động quá mức, gần giống với chứng tăng động giảm chú ý. Người ta cho rằng khi người mẹ căng thẳng, lượng hormone cortisol và dolpamine trong máu sẽ gia tăng. Các chất này đi qua nhau thai làm nồng độ cortisol và dopamine ở những trẻ này tăng cao hơn so với những trẻ bình thường khác.

Ảnh 2.

Ảnh: Internet

1.4. Bé có nguy cơ tự kỷ

Nếu thai phụ bị rối loạn tâm lý ở tuần thứ 32 thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao gấp 2 lần, kéo dài đến khi 4-5 tuổi. Với thai phụ rối loạn tâm lý ở tuần thứ 38-40, tỉ lệ nguy cơ rối loạn hành vi của đứa trẻ cũng cao gấp 2 lần nhưng kéo dài đến 7-8 tuổi. Với người mẹ bị trầm cảm, các hormone tâm lý của mẹ tác động vào hệ thống tuyến nội tiết của con, từ đó hệ thống này bị giảm chức năng nên dẫn đến thiếu hụt một số hormone, khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.

1.5. Chậm nói

Nghiên cứu trên những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, các nhà khoa học thấy có một mối liên quan với người mẹ thời kỳ mang thai. Ước tính có khoảng 15% trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do người mẹ bị rối loạn tâm trạng trong thai kỳ. Người ta cho rằng, sự trầm cảm, lo âu của mẹ làm giảm các hoạt động như ăn uống, nghỉ ngơi. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho sự phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé chậm nói.

1.6. Giảm khả năng học tập

Một nghiên cứu về khả năng học tập và trí nhớ của 112 trẻ 6 tuổi cho thấy, những bà mẹ có rối loạn lo âu trong thời kỳ đầu của thai kỳ sẽ gây ảnh hưởng tới chỉ số tập trung, chú ý ở trẻ. Khi đo vùng hồi hải mã trên não của các bé, người ta thấy kích thước vùng này nhỏ hơn so với các bé có mẹ tâm lý bình thường. Vùng hồi hải mã giúp khả năng ghi nhớ và học tập tốt. Nếu kích thước vùng này giảm, khả năng tập trung trí nhớ cũng giảm.

Ảnh 3.

Ảnh: Internet

1.7. Nguy cơ mắc bệnh tim

Con của những người phụ nữ đã trải qua mức độ cực kỳ căng thẳng khi mang thai sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những đứa trẻ khác. Đồng thời, chúng cũng có khả năng đối phó với căng thẳng trong cuộc sống kém hơn, sức khỏe cũng yếu hơn so với những đứa trẻ khác.

1.8. Con bị đồng tính

Giáo sư Dick Swaab thuộc trường Đại học Amsterdam cho rằng: "Phụ nữ mang thai bị căng thẳng thần kinh cũng có nhiều khả năng có con bị đồng tính. Vì khi căng thẳng, cơ thể chúng ta tiết ra các hormone cortisol ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone giới tính cho thai nhi."

2. Cách hạn chế căng thẳng thần kinh khi mang thai

Căng thẳng thần kinh khi mang thai gây ra nhiều hệ lụy cho bé như thế nào các mẹ đã thấy rõ, vậy làm thế nào để mẹ bầu có tâm trạng vui vẻ, thoải mái thời kỳ mang thai? Các mẹ hãy tham khảo những gợi ý của chúng tôi nhé.

2.1. Ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, chất xơ

Chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học sẽ giúp mẹ bầu giảm thiểu được tối đa những căng thẳng trong thai kỳ. Bạn hãy cố gắng bổ sung cho mình nhiều thực phẩm giàu chất sắt như rau lá xanh, các loại thịt đỏ, trứng, cá mòi và đậu. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc sắt cho bạn. Khi uống thuốc sắt, bạn hãy uống thêm nước cam hoặc nước hoa quả, chúng chứa nhiều vitamin C giúp bạn hấp thụ sắt dễ dàng hơn.

Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Bạn cũng nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nâu và gạo. Những thực phẩm này cung cấp cho bạn một lượng calo hợp lý và khiến bạn dồi dào năng lượng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, chúng còn giúp bạn đánh bại chứng táo bón khó chịu trong suốt thai kỳ.

2.2. Không làm việc quá sức

Chìa khóa để có một cơ thể khỏe mạnh đó là biết yêu bản thân mình, biết và hiểu lúc nào cơ thể cần được nghỉ ngơi. Trong giai đoạn thai kỳ, ai cũng sẽ thông cảm với bạn, hãy từ chối nếu khối lượng công việc quá sức với bạn. Bạn nên hạn chế mang việc về nhà, không nên tham công tiếc việc hay tình nguyện làm thêm giờ, cố gắng không đi công tác xa.

2.3. Ngủ đủ giấc

Bà bầu nên luyện cho mình thói quen lành mạnh này trước khi đi ngủ: uống nước hoặc một ly sữa ấm, nghe nhạc nhẹ nhàng. Hãy biến phòng ngủ của bạn thành một khu vực chỉ để ngủ. Bạn cần chuyển máy tính và tivi, điện thoại đến khu vực khác. Khoa học đã chứng minh rằng khi ngủ trong không gian hẹp chứa những đồ điện tử như vậy dễ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bạn.

Ảnh 5.

Ảnh: Internet

Ngoài ra, bạn cần sắp xếp đồ đạc gọn gàng, phòng thoáng khí, chăn nệm được vệ sinh thường xuyên. Nếu bạn vẫn thấy lo lắng, khó ngủ, trằn trọc vào ban đêm, hãy nói chuyện, chia sẻ với chồng hoặc người thân, biết đâu họ sẽ giúp tháo gỡ được vướng mắc cho bạn.

2.4. Bổ sung sinh tố

Khi mệt mỏi, bạn hãy bổ sung ngay cho mình một cốc sinh tố trái cây, đây là cách tuyệt vời giúp tăng năng lượng nhanh và chất lượng. Trái cây tươi trộn sữa và mật ong rất ngon và giàu dinh dưỡng đối với mẹ bầu. Cũng như sinh tố, bạn đừng quên uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là 1,5 lít nước một ngày tương đương với 10 ly nhỏ.

Rau chân vịt cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu vì chúng chứa rất nhiều axit folic, uống nhiều sinh tố này rất có lợi cho sức khoẻ thai nhi.

2.5. Tập thể dục nhẹ nhàng

Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho bản thân những bộ môn tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hay tập yoga. Yoga rất tốt cho tinh thần, giúp bạn thư giãn, tăng sức mạnh, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức và tăng tính linh hoạt, dẻo dai của cơ thể.

Nếu có thể, bạn hãy tham gia một lớp học tiền sản. Một công đôi việc, tại đây bạn sẽ được gặp gỡ, trao đổi, tâm sự với những bà mẹ tương lai.

Tác giả: Diệu Anh