Vào thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của các mẹ bầu suy giảm nên dễ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, khi nền nhiệt xuống thấp, các mẹ bầu cần chú trọng bảo vệ sức khoẻ hơn.
Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh khiến các mạch máu co lại, dẫn tới tình trạng tuần hoàn dinh dưỡng từ mẹ sang con giảm đi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, vào tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật.
Theo ước tính, cứ 25 người mang thai có 1 người bị tiền sản giật. Đây là biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Tiền sản giật là một tình trạng thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ khi huyết áp tăng đột ngột. Biến chứng thai kỳ này có thể dẫn đến các vấn đề về đông máu, ảnh hưởng đến các cơ quan, chẳng hạn như gan và thận.
Tiền sản giật có thể dẫn tới sản giật ở một số người, các triệu chứng như co giật, hôn mê. Nguy hiểm hơn, biến chứng thai kỳ này có thể đe dọa tới tính mạng của các mẹ bầu.
Các chuyên gia cũng không chắc nguyên nhân dẫn tới tiền sản giật. Hầu hết đều cho rằng có vấn đề với sự phát triển của nhau thai vì các mạch máu cung cấp cho nhau thai phản ứng khác với các tín hiệu nội tiết tố và hẹp hơn bình thường, hạn chế lưu lượng máu.
Những người có nguy cơ cao bị tiền sản giật như những trên 40 tuổi, tiền sử gia đình, đa thai, tiền sử đái tháo đường tăng huyết áp, bệnh thận, lupus hoặc các rối loạn tự miễn dịch khác và bệnh hồng cầu hình liềm.
Đọc thêm:
- Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết
- Tai biến sản khoa: Chuyên gia cho biết tai biến số 2 khiến cả sản phụ và bác sĩ đều lo ngại
Các dấu hiệu phổ biến của tiền sản giật mà các mẹ bầu nên lưu ý, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào cần tìm kiếm sự chăm sóc từ y tế ngay lập tức:
- Protein trong nước tiểu cao (protein niệu)
- Huyết áp cao, mờ mắt. Tuy nhiên, một số người có thể bị huyết áp cao khi mang thai, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị tiền sản giật. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
- Đau đầu, mệt mỏi
- Khó thở
- Đau ngay dưới xương sườn bên phải
- Phù nề do giữ nước, nhất là ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân và mặt. Các triệu chứng thường nhẹ hơn vào buổi sáng và tăng dần trong ngày. Phù thường trắng mềm và ấn lõm - khác so với phù bình thường vào 3 tháng cuối.
- Buồn nôn và nôn trong nửa sau của thai kỳ
- Đi tiểu ít hơn
- Số lượng tiểu cầu thấp
- Suy giảm chức năng gan
Để phát hiện sớm các triệu chứng của tiền sản giật, các mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ và tuân thủ những tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ mang thai có thể ngăn ngừa các biến chứng tiền sản giật khi phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không can thiệp sớm, tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Hội chứng tán huyết, tăng men gan, số lượng tiểu cầu thấp (HELLP) có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
- Lưu lượng máu đến nhau thai kém khiến em bé có thể không nhận được oxy và chất dinh dưỡng, điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, khó thở và sinh non.
- Nhau bong non, tức là nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung, điều này cũng nguy hiểm cho tính mạng của cả thai nhi hoặc sản phụ.
- Sản giật: Đây là sự kết hợp giữa tiền sản giật và co giật. Mẹ bầu có thể bị đau dưới xương sườn bên phải cơ thể, nhức đầu dữ dội, mờ mắt, lú lẫn và không tỉnh táo. Nếu không được điều trị, mẹ bầu có nguy cơ bị hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn và tử vong. Tình trạng này cũng đe dọa tính mạng của em bé.
Ngoài những biến chứng nguy hiểm trên, tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu cho thấy huyết áp cao ở người mang thai có thể ảnh hưởng đến kỹ năng nhận thức của em bé, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
Tiền sản giật không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bằng một số biện pháp sau, mọi người có thể ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp và tiền sản giật, đặc biệt khi trời trở lạnh:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học. Các mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, tránh thực phẩm chiên, nhiều muối, rượu, bia, ...
- Nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng. Đối với mẹ bầu, đi lại thường xuyên giúp tăng cường sức khoẻ, tinh thần thoải mái và giảm cảm giác trì trệ. Tuy nhiên, các mẹ bầu chỉ nên đi bộ ở những có bề mặt phẳng, dễ đi lại và không trơn trượt.
- Giữ ấm cơ thể, quàng khăn, đội mũ len, mặc đủ áo và đeo tất tay và chân.
- Khi sử dụng nước, nên dùng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hoặc quá nóng
Có thể nói, tiền sản giật là biến chứng trong thai kỳ ai cũng có thể gặp. Để tầm soát và bảo vệ sức khoẻ của cả mẹ và con, các mẹ bầu nên thăm khám định kỳ, khi có các dấu hiệu bất thường nên tuân thủ những chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. Everything you need to know about preeclampsia
2. Preeclampsia: Causes, Diagnosis, and Treatments