Mẹ bầu cần biết các giai đoạn chuyển dạ và những dấu hiệu cụ thể

Mẹ bầu cần biết các giai đoạn chuyển dạ và những dấu hiệu cụ thể
Theo dõi các giai đoạn chuyển dạ và từng dấu hiệu cụ thể giúp mẹ bầu chuẩn bị tâm lý tốt hơn, đồng thời biết cách áp dụng phương pháp giảm đau tự nhiên để sinh con thuận lợi.

Chuyển dạ là một quá trình sinh lý giúp thai nhi và các phần phụ của thai như nhau thai, màng ối và dây rốn được đưa ra ngoài theo đường sinh dục của người mẹ. Quá trình chuyển dạ là sự phối hợp giữa các chu kỳ cơn gò tử cung và xóa mở cổ tử cung để đưa thai nhi và nhau thai ra ngoài. Thời gian chuyển dạ sinh của mẹ bầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lực co bóp của cơn gò, ống sinh dục, tiểu khung chậu, ngôi thai và kích thước đầu thai.

Quá trình chuyển dạ thường diễn ra trong thời gian từ hơn một tiếng đến khoảng 24 giờ hoặc nhiều hơn. Thông thường, phụ nữ sinh con lần đầu sẽ có thời gian chuyển dạ kéo dài từ 12 - 24 tiếng. Đối với phụ nữ đã từng sinh con trước đó thời gian chuyển dạ thường kéo dài từ 4 - 6 tiếng tùy trường hợp. Dưới đây là các giai đoạn chuyển dạ sinh và những dấu hiệu cụ thể.

1. Các giai đoạn chuyển dạ

Một cuộc chuyển dạ thường được chia làm 3 giai đoạn. Dưới đây là chi tiết các giai đoạn chuyển dạ và dấu hiệu đặc trưng.

1.1. Chuyển dạ giai đoạn một

Giai đoạn đầu của một cuộc chuyển dạ còn được gọi là giai đoạn xóa mở cổ tử cung. Nó xảy ra khi cổ tử cung mở và bắt đầu mỏng đi để em bé có thể di chuyển vào ống dẫn sinh. Đây là thời kỳ kéo dài nhất trong các giai đoạn chuyển dạ. Chúng được chia thành hai giai đoạn riêng biệt là chuyển dạ sớm và các cơn đau, bao gồm hai kỳ là kỳ ban đầu và kỳ co thắt mạnh.

Với kỳ ban đầu, bạn có thể dự đoán được quãng thời gian của chúng. Đối với các bà mẹ sinh con lần đầu, thời gian trung bình cho giai đoạn đầu là từ 6 - 12 giờ. Đối với những lần sinh sau quãng thời gian chuyển dạ giai đoạn đầu sẽ ngắn lại.

Với kỳ co thắt mạnh, quãng thời gian có thể kéo dài đến tận hơn 8 tiếng. Một số trường hợp có thể kéo dài lâu hơn, nhất là ở những người lần đầu sinh con. Đối với các bà mẹ đã từng sinh con tự nhiên trước đó thì quãng thời gian có thể sẽ ngắn hơn.

Các giai đoạn chuyển dạ và từng dấu hiệu cụ thể - Ảnh 1.

Xoá mở tử cung là giai đoạn kéo dài nhất trong các giai đoạn chuyển dạ - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Tìm hiểu những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày mẹ bầu cần biết

Những dấu hiệu chuyển dạ cực kì chính xác dành cho mẹ bầu

1.2. Chuyển dạ giai đoạn hai

Chuyển dạ giai đoạn hai được gọi là giai đoạn sổ thai. Giai đoạn này được tính từ lúc cổ tử cung mở trọn đến khi em bé được sổ ra ngoài. Ở giai đoạn này áp suất trong buồng tử cung tăng lên qua mỗi cơn gò với động tác rặn sinh của người mẹ để em bé được hoàn toàn sinh ra.

Giai đoạn sổ thai có thể kéo dài từ vài phút cho tới vài giờ đồng hồ. Đối với các bà mẹ lần đầu sinh con sẽ phải trải qua quãng thời gian lâu hơn ở giai đoạn này. Ở một số trường hợp người mẹ được gây tê màng cứng khi sinh quãng thời gian này có thể lâu hơn nữa.

1.3. Chuyển dạ giai đoạn ba

Đây là giai đoạn sổ nhau thai, được tính từ lúc em bé ra đời cho đến khi phần phụ được sổ hoàn toàn ra khỏi cơ thể của người mẹ. Giai đoạn này bao gồm phần tróc nhau và phần tống xuất nhau thai.

Sau khi em bé được sinh ra, tử cung dẽ co lại ngay lập tức khiến nhau thai chùn lại và bong tróc. Sau đó, dưới tác động của các cơn gò tử cung, bánh nhau sẽ được tống xuất qua đường âm đạo và xổ ra ngoài.

2. Các dấu hiệu cho biết bạn đang chuyển dạ

Bung nhớt hồng, xuất hiện các cơn gò tử cung và chảy nước ối là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bước vào các giai đoạn chuyển dạ.

2.1. Âm đạo xuất hiện chất nhầy có màu hồng

Trong thời gian mang thai, âm đạo, thành tử cung, lớp màng ối, luôn có một nút nhầy vững chắc. Chúng được xem là hàng rào bảo vệ thai nhi, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và các tác nhân có hại từ bên ngoài.

Khi tử cung bắt đầu mở, nút nhầy sẽ bị bung khiến chất nhầy thoát ra ngoài. Lúc này cửa âm đạo sẽ có chất nhầy nhớt màu hồng. Đây là dấu hiệu cảnh báo các giai đoạn chuyển dạ chính thức bắt đầu.

Các giai đoạn chuyển dạ và từng dấu hiệu cụ thể - Ảnh 2.

Âm đạo xuất hiện chất nhầy có màu hồng là dấu hiệu mở đầu của các giai đoạn chuyển dạ - Ảnh: Internet

2.2. Các cơn gò tử cung xuất hiện

Bước vào tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu đôi khi sẽ cảm nhận được các cơn trằn ở bụng khi di chuyển hoặc vận động mạnh. Dấu hiệu này thường rất ngắn với tần suất thưa thớt và không có cảm giác đau đớn rõ ràng.

Bước sang tuần 38 - 40 của thai kỳ các cơn gò sẽ xuất hiện rõ ràng và dày đặc hơn cả về cường độ lẫn tần số. Mẹ bầu sẽ có cảm giác đau nhiều khắp vùng bụng và căng cứng. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang chuyển dạ và em bé sắp ra đời. Lúc này mẹ bầu cần thở và rặn sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để tống xuất thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn.

2.3. Vỡ màng ối và chảy nước ối

Ở tuần cuối thai kỳ các cơn gò tử cung xuất hiện liên tục với cường độ mạnh hơn, tạo áp lực bên trong buồng tử cung. Khi áp lực tăng lên đến đỉnh điểm, đầu thai di chuyển xuống tạo thành đầu ối. Tại vị trí tiếp giáp với vòng cổ tử cung đầu ối sẽ căng phồng lên, mảng ối mỏng dần và vỡ ra. Khi màng ối vỡ, một lượng nước ối trong buồng tử cung sẽ chảy ra ngoài.

Ngay khi vỡ ối, các cơn gò tử cung sẽ xuất hiện dày đặc và dồn dập hơn, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ tự nhiên. Với các trường hợp đến ngày dự sinh mà chưa xuất hiện các cơn gò, bác sĩ sẽ áp dụng thủ thuật bấm ối, chủ động làm với màng ối để kích thích khởi phát cơn gò chuyển dạ tự nhiên.

Các giai đoạn chuyển dạ và từng dấu hiệu cụ thể - Ảnh 3.

Vỡ màng ối và chảy nước ối là dấu hiệu cho biết em bé sắp chào đời - Ảnh: Internet

3. Thăm khám âm đạo trước khi sinh

Các giai đoạn chuyển dạ cũng được phát hiện thông qua động tác thăm khám bên trong âm đạo của bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh. Thông qua các đặc điểm về sự thay đổi ở cổ tử cung. Tình trạng cổ tử cung xóa và mở dần dưới tác động của các cơn gò. Đầu ối thai nhi hình thành, ngôi thai tiến triển sau mỗi cơn co tử cung.

Khi cơ thể xuất hiện tất cả các dấu hiệu trên, mẹ bầu sẽ được thông báo thời điểm thích hợp để rặn sinh theo chủ kỳ cơn gò, giúp sổ thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn.

Trên đây là kiến thức liên quan đến các giai đoạn chuyển dạ mẹ bầu cần lưu ý. Khi cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu cho thấy sắp chuyển dạ hãy đến ngay bệnh viện để chờ sinh nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.


Tác giả: HT