Đây là lần đầu mang thai của chị T. quê Tiền Giang. Mẹ chị bị tiểu đường nên khi có bầu chị rất lo lắng. Thai 12 tuần, chị T. khám ở một bệnh viện phụ sản tại TP HCM, kết quả thử đường huyết bình thường.
Khám thai lúc 23-24 tuần tại Phòng khám Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, kết quả xét nghiệm máu của chị cho thấy đường huyết lúc đói bình thường.
Thực hiện thêm nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường, kết quả chị bị bệnh tiểu đường.
Đừng chủ quan với bệnh tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)
Đây là nghiệm pháp mới, cho kết quả chính xác hơn phương pháp xét nghiệm máu truyền thống.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản cảnh báo chị T. về mối nguy hiểm của bệnh tiểu đường thai kỳ và đề nghị tham vấn bác sĩ nội tiết để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tuy vậy, bệnh nhân chủ quan không điều trị.
Chị T. tái khám khi thai khoảng 34-35 tuần tuổi thì phát hiện bị đa ối, thai to. Bác sĩ chỉ định tiêm insulin ngay để điều chỉnh lượng đường trong máu người mẹ nhưng không kịp.
Ngay hôm đó, thai không máy nữa. Kết quả siêu âm cho thấy thai vừa chết lưu, kích thước khá to, cân nặng đến 3,5 kg.
Theo tiêu chuẩn quốc tế thai nhi 34-35 tuần chỉ nặng từ 2,2 đến 2,3 kg.
Bác sĩ Kiều Dung cho biết hiện nay có rất nhiều thai phụ mắc các bệnh lý kết hợp, trong đó bệnh tiểu đường thai kỳ thường gặp nhất.
Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO) năm 2015, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% tổng số phụ nữ mang thai.
Bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả 2 mẹ con nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh tiểu đường là hội chứng liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Nguyên nhân là tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ insulin, hoặc do tăng các chất đề kháng với insulin, làm giảm tác dụng sinh học của insulin lên tế bào đích. Hiện nay, bệnh tiểu đường gia tăng nhanh chóng do lối sống ít vận động và tiêu thụ nhiều thức ăn giàu năng lượng như đường, tinh bột, chất béo.
Bệnh bệnh tiểu đường trong thai kỳ thường do thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ dẫn đến tăng đề kháng với insulin, làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu.
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng nên bệnh nhân thường chủ quan.
Bác sĩ Dung từng điều trị cho một thai phụ 35 tuổi mang thai lần thứ hai. Thai phụ chưa có bất thường song ba của chị bị tiểu đường.
Ban đầu, thai phụ kiểm tra đường huyết cho kết quả bình thường. Thai kỳ diễn tiến ổn định, tăng cân trung bình 1,5 kg mỗi 4 tuần; từ tuần 20 đến tuần 24 tăng cân nhanh, 4 kg mỗi 4 tuần.
Khi thai được 24 tuần, thai phụ được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường. Kết quả cả 3 chỉ số đường huyết lúc đói, sau uống đường một giờ và sau uống đường 2 giờ đều cao bất thường, xác định bệnh tiểu đường thai kỳ.
Rất may, chỉ sau một tuần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, đường huyết của thai phụ đã trở về bình thường mà không cần tiêm insulin. Những tuần lễ tiếp theo, chị vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng và được theo dõi đường huyết mỗi tuần, cân nặng không tăng quá nhiều, trung bình từ một đến 1,5 kg mỗi 4 tuần.
Đến tuần 39, người bệnh sinh thường một bé trai khỏe mạnh, cân nặng 3,3 kg.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi