Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, trong một vài năm trở lại đây, trong tổng số những bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý tim mạch thì có tới 50% là các bệnh nhân bị van tim do thấp, trong đó hơn 90% là các bệnh tim mắc phải và chủ yếu là bệnh van hai lá. Vậy làm sao để điều trị bệnh van hai lá do thấp hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ đề cập về vấn đề này.
Bệnh van hai lá do thấp xảy ra do thấp tim không được điều trị triệt để sẽ dẫn tới van tim bị tổn thương và khiến các lá van dày lên, hoặc có thể do canxi bị lắng độn khiến lá van cứng lại và hạn chế di động. Có 3 loại tổn thương chính gồm hẹp van do các mép van dính lại với nhau, hở van do các dây chằng dính thành một khối và loại kết hợp vừa hở vừa hẹp van.
Hình ảnh trái tim khi van hai lá bị hở do các dây chằng dính lại thành một khối (Nguồn: internet).
Dấu hiệu phổ biến của bệnh này là khó thở. Ban đầu, người bệnh sẽ thấy khó thở khi làm việc nặng hoặc gắng sức lên cầu thang. Sau đó, mức độ khó thở sẽ tăng dần, dù chỉ làm những công việc nhẹ cũng khiến người bệnh cảm thấy khó thở, nhưng tình trạng này sẽ đỡ hơn khi nghỉ ngơi. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng khó thở sẽ ngày một tăng lên khiến người bệnh khó thở ngay cả khi không làm gì cả, thậm chí, ban đêm cũng thường xuyên phải ngồi dậy để thở.
Khó thở là dấu hiệu đầu tiên của bệnh van hai lá do thấp tim (Nguồn: internet).
Bên cạnh khó thở, ho ra máu cũng là dấu hiệu cần được lưu tâm. Bởi dấu hiệu này dễ gây hiểu nhầm với các bệnh lý về đường hô hấp hoặc phổi nên chỉ khi nào kiểm tra về tim mạch thì mới có thể phát hiện.
Đa phần các bệnh nhân đều xuất hiện những dấu hiệu trên, nhưng do điều kiện hoặc suy nghĩ chủ quan nên phần đông bệnh nhân phát hiện ra bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn chuyển nặng.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ khám và kiểm tra tim, nếu nghe những tiếng thổi bất thường ở vùng tim thì có thể phần nào xác định bệnh nhân bị hẹp hay hở van. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác thì người bệnh sẽ cần làm thêm một vài xét nghiệm khác như chụp X-quang, điện tim đồ hay siêu âm tim. Thậm chí siêu âm tim có thể giúp bác sĩ đánh giá chính xác mức độ hẹp hay hở van, cũng như biết được hình thái tổn thương, mức độ dày, vôi hóa và tình trạng dây chằng của van hai lá.
Sau khi đánh giá tình trạng thương tổn của van hai lá và các thương tổn phối hợp, chức năng tim, mức độ suy tim, các bác sĩ sẽ có những phương pháp can thiệp phù hợp kết hợp điều trị bằng thuốc. Điều trị chống suy tim chủ yếu là về chế độ ăn hạn chế muối, nghỉ ngơi và dùng các loại thuốc chống suy tim, lợi tiểu.
Nếu hai van lá chỉ bị hẹp thì có thể mổ nong van bằng dụng cụ hoặc mổ mở nhĩ trái và mở rộng van hai lá. Với phương pháp này kết quả điều trị thường hiệu quả nhưng chi phí phẫu thuật rất cao.
Một phương pháp điều trị van hai lá do thấp là nong van bằng can thiệp mạch qua da. Khi đó bác sĩ chuyên khoa sẽ dùng một ống thông luồn vào lòng mạch máu từ tĩnh mạch đùi ở bẹn, ống thông đi theo tĩnh mạch về tâm nhĩ phải rồi chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái, sau đó đưa qua van hai lá xuống thất trái. Đầu ống thông có quả bóng, khi bóng được bơm căng sẽ nong rộng lỗ van. Với phương pháp này, bệnh nhân không cần phẫu thuật và chỉ phải ở bệnh viện thời gian ngắn nhưng nó chỉ được áp dụng khi tình trạng van tim còn tương đối tốt, chỉ hẹp đơn thuần hoặc kết hợp hở nhẹ.
Trong trường hợp tổn thương hở van hai lá hoặc kết hợp vừa hở vừa hẹp thì chỉ có một phương pháp duy nhất là phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng cần phụ thuộc vào mức độ tổn thương của van, yếu tố độ tuổi, kinh tế của gia đình bệnh nhân, kinh nghiệm của bác sĩ,.... Trong trường hơn, lá van dày, bị vôi hóa nặng, dây chằng co rút nặng thì phải thay van nhân tạo, còn nếu nhẹ hơn thì có thể sửa van.