Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị sốt và những lưu ý không được bỏ qua!

Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị sốt và những lưu ý không được bỏ qua!
Thời tiết thay đổi, trẻ dễ mắc nhiều bệnh hô hấp, dị ứng,... trong đó việc cha mẹ nắm vững cách chăm sóc trẻ bị sốt là vô cùng cần thiết.

Việc tuân theo một số nguyên tắc đơn giản khi chăm sóc trẻ bị sốt sẽ giúp con bạn cảm thấy thoải mái và an toàn hơn.

Đầu tiên, cha mẹ cần hiểu khi bị nhiễm trùng do virus, vi khuẩn thì sốt là cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ miễn dịch ở trẻ đang chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp, sốt là vô hại và sẽ tự biến mất sau 3 ngày.

Ngoài ra, sốt cũng có thể do các nguyên nhân khác như trẻ bị mắc các bệnh lý ác tính, sốt do tiêm chủng vaccine, sốt do mọc răng hay sốt không rõ nguyên nhân. Cha mẹ nên đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để can thiệp kịp thời.

Nên làm gì khi chăm sóc trẻ bị sốt?

1. Kiểm tra thân nhiệt của trẻ

Việc kiểm tra thân nhiệt của trẻ giúp đánh giá tình trạng sốt của con bạn. Thông thường, nhiệt độ cơ thể trẻ thường không ổn định và có sự dao động nhẹ trong ngày, khi trẻ vui chơi, vận động nhiều,...

Thân nhiệt của trẻ được coi là sốt khi nhiệt độ đo ở hậu môn, miệng là trên 38oC hoặc ở nách là trên 37,5oC. Trẻ sốt từ 39oC trở lên được coi là sốt cao và có nguy cơ bị co giật khi thân nhiệt trẻ trên 41oC.

Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị sốt và những lưu ý không được bỏ qua! - Ảnh 1.

Việc kiểm tra thân nhiệt của trẻ giúp đánh giá tình trạng sốt của con bạn (Ảnh: Internet)

Ngoài yếu tố thân nhiệt gia tăng thì việc cha mẹ kiểm tra thường xuyên còn giúp phát hiện trẻ có bị hạ thân nhiệt hay không, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh - dấu hiệu tiềm ẩn bệnh nguy hiểm.

2. Hạ sốt

- Sử dụng thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt được sử dụng khi trẻ sốt trên 38,5oC hoặc trên 38oC đối với trẻ có tiền sử sốt cao co giật.

Thuốc được khuyến cáo dùng khi trẻ bị sốt là Paracetamol trong trường hợp chưa loại trừ được nguyên nhân sốt có phải do trẻ bị sốt xuất huyết Dengue hay không. Nếu trẻ đã loại trừ nguyên nhân này, Ibuprofen có thể được chỉ định bởi bác sĩ.

Đọc thêm:

Mẹ cho con bú có uống được paracetamol không? Lưu ý gì khi dùng thuốc? 

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ mà phụ huynh tuyệt đối không nên bỏ qua

Đối với miếng dán hạ sốt, bác sĩ cho biết miếng dán không có tác dụng hạ sốt mà chỉ có tác dụng giúp trẻ cảm thấy mát hơn tại vị trí dán.

- Lau mát

Lau mát là một trong những biện pháp hạ sốt hiệu quả nếu lau mát đúng cách. Đầu tiên, phụ huynh cần chuẩn bị 5 chiếc khăn mềm, thấm nước ấm. Sau đó vắt nhẹ và để vào 2 hõm nách, 2 bẹn và 1 khăn dùng để lau toàn thân.

Lưu ý, nước lau mát nhưng phải dùng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh và lau mát cho trẻ ở môi trường lạnh dễ dẫn tới tình trạng co mạch máu khiến nhiệt không toát ra được.

Bên cạnh đó, sau khi lau mát từ 15 - 30 phút, bạn nên kiểm tra lại thân nhiệt của trẻ và dừng lau mát khi thân nhiệt trẻ xuống dưới 37,5oC.

3. Bổ sung đủ nước

Một nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt chính là bổ sung đủ nước. Sốt khiến trẻ dễ bị mất nước, nếu không được bù kịp thời có thể gây ra mất nước.

Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị sốt và những lưu ý không được bỏ qua! - Ảnh 2.

Một nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt chính là bổ sung đủ nước (Ảnh: Healthwise)

Ngoài ra, bổ sung đầy đủ nước khi trẻ sốt còn giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ hơn. Với trẻ đang bú mẹ, hãy tích cực cho bú nhiều hơn. Với trẻ lớn, bù nước bằng các loại nước ép, trà thảo mộc hoặc điện giải kết hợp với thức ăn mềm, loãng.

4. Mặc quần áo thoải mái

Với trẻ bị sốt mẹ nên mặc quần áo thoải mái cho trẻ, có chất liệu giúp thấm hút mồ hôi tốt hỗ trợ việc hạ sốt được tốt hơn.

Không nên làm gì khi trẻ bị sốt?

- Không cho trẻ mặc quần áo dày, quấn kín, ở phòng bí, nóng

- Không sử dụng aspirin do thuốc có thể gây ra hội chứng Reye

- Nếu trẻ bị cảm và bạn cần phải dùng thuốc, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống bởi theo FDA, trẻ dưới 2 tuổi không được sử dụng bất kì một loại thuốc cảm hay thuốc ho nào có chứa histamine hay hoạt chất thông mũi. Với trẻ trên 2 tuổi, FDA khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng.

- Không xoa cồn lên da trẻ hoặc tắm nước lạnh bởi điều này có thể khiến cơn sốt tăng lên.

Khi nào cần cho trẻ tới cơ sở y tế?

Thông thường thì không nhưng đôi khi sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng, hãy cho trẻ tới cơ sở y tế nếu:

- Trẻ bỏ chơi, bỏ bú, mê sảng, ngủ ly bì, khó đánh thức

- Co giật

- Thở nhanh, thở gấp, thở bất thường

- Tiêu chảy kèm phân nhầy có máu

- Sốt cao (trên 39oC) khó hạ kéo dài trên 2 ngày

- Cơn sốt dày chưa đủ thời gian dùng lại thuốc hạ sốt

- Sốt trên 3 ngày

- Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi,...

Ngoài ra, khi trẻ sốt, phụ huynh cần dự phòng trường hợp trẻ bị co giật. Nếu trẻ bị co giật cần bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng trên bề mặt phẳng đã loại bỏ các vật dụng sắc nhọn đảm bảo trẻ không bị rơi, lăn. Bắt đầu tính thời gian trẻ bị co giật. Đồng thời nới lỏng quần áo, tuyệt đối không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ, ôm hay động vào người trẻ.

Cơn co giật do sốt thường sẽ tự hết trong vòng vài phút, độ tuổi thường gặp là trẻ từ 6 tháng tới 5 tuổi nhất là trẻ từ 12 tháng - 18 tháng tuổi. Co giật thường xảy ra trong ngày đầu tiên bị bệnh với thân nhiệt trên 39oC.


https://suckhoehangngay.vn/mach-me-cach-cham-soc-tre-bi-sot-va-nhung-luu-y-khong-duoc-bo-qua-20220519153900662.htm
Tác giả: Allen