Mách bạn cách nhận diện muỗi thường và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Mách bạn cách nhận diện muỗi thường và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Chúng ta đều biết rằng muỗi vằn mang virus dengue là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra và lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận diện được loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết này và phân biệt nó với các loài muỗi thông thường khác.

Muỗi vằn sốt xuất huyết có nguồn gốc từ Châu Phi nhưng hiện tại nó phân bố rất phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Quá trình di cư, nhập cư trên toàn thế giới, sự gia tăng đi lại, buôn bán, giao lưu giữa các khu vực đã đóng góp đáng kể vào sự lan truyền và phổ biến của muỗi vằn gây sốt xuất huyết sang các châu lục khác trên toàn thế giới. 

Tại Việt Nam, muỗi vằn xuất hiện ở hầu hết các khu vực, bao gồm miền Nam, miền Trung và ít hơn ở miền Bắc trong đó mùa mưa là mùa sinh trưởng mạnh nhất và cũng là mùa dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

>>> Tìm hiểu thêm:  Bệnh sốt xuất huyết là gì?

1. Cách nhận diện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường được gọi tắt là muỗi vằn, có tên khoa học là muỗi Aedes. Muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết dengue có 2 loại là Aedes aegyti và Aedes albobictus. Sở dĩ người ta quen gọi là muỗi vằn sốt xuất huyết vì trên thân và bụng muỗi có những vạch trắng - đen xen kẽ nhau tương tự như ở loài ngựa vằn. 

Hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết rõ những đặc điểm sinh sống, hoạt động của loài muỗi này có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết như thế nào, nên chưa tích cực phòng chống hoặc phòng chống chưa tốt. Từ đó bệnh sốt xuất huyết hằng năm vẫn cứ "đến hẹn lại lên".

Đặc điểm nhận biết muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:

- Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết dengue có phần đầu và chân màu đen, trên thân và bụng có những vằn trắng đen xen kẽ với nhau.

- Chỉ có muỗi vằn giống cái mới có khả năng đốt và hút máu người

- Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu hoạt động vào sáng sớm và chiều tối.

- Nơi cư trú chủ yếu là những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng

- Muỗi vằn sốt xuất huyết thường đốt vào các vị trí như cẳng chân, mắt cá chân, cổ tay, chúng bay khá nhanh và khó đuổi bắt cũng như khó phát hiện khi đang cắn vì không gây đau nhiều.

- Muỗi aedes là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nhưng không phải là nguyên nhân sốt xuất huyết nếu nó không đốt người bệnh và nhiễm virus dengue.

2. Đặc điểm sinh sản và cơ chế truyền bệnh của muỗi vằn sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn cả khi điều kiện thời tiết đạt nhiệt độ 20 độ C trở lên và đang trong mùa mưa, độ ẩm không khí cao. Chúng thường sinh sống ở nơi đông dân cư, chủ yếu là đô thị đông đúc. 

Loài muỗi này ưa thích đẻ trứng vào những dụng cụ, vật dụng chứa nước trong nhà và xung quanh khu vực nhà ở như: ao, hồ, giếng, bể, lu, chai lọ, chén bát đọng nước lâu ngày… Ngay khi tiếp xúc với mặt nước, trứng muỗi sẽ nở ra và sống được trong nhiều tháng liền.

Vòng đời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết khá dài, từ 2 - 4 tuần. Trong vòng đời của mỗi cá thể muỗi, chúng có thể truyền bệnh sốt xuất huyết dengue cho nhiều người với cơ chế lây truyền như sau:

- Muỗi vằn sốt xuất huyết đốt, hút máu người bệnh và nhiễm virus dengue.

- Ngay sau khi nhiễm virus dengue, muỗi vằn có thể truyền bệnh cho người tiếp theo bị đốt và hút máu do virus có trong tuyến nước bọt của chúng.

- Virus dengue có thể được nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tùy từng cơ địa và hệ miễn dịch của mỗi người bệnh mà trong khoảng 3 - 7 ngày bị muỗi aedes đốt sẽ phát bệnh sốt xuất huyết. 

Ngoài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, có rất nhiều loại muỗi khác có khả năng truyền bệnh cho con người và lây lan thành dịch bệnh khó kiểm soát. Vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân là thực hiện thật tốt các biện pháp phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh sạch sẽ nơi cư trú, hạn chế nơi sinh trưởng, phát triển của muỗi nói chung.


Tác giả: Hoangtrang