Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm và thường được biết đến với tên gọi kẻ giết người thầm lặng. Do đó, khi bị tăng huyết áp thì vấn đề điều trị tăng huyết áp phải được đặt ra sớm và tiến hành tích cực. Trog các phương pháp điều trị thường dùng thì phương pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc là một nội dung bắt buộc phải thực hiện để điều trị cho người bệnh.
Các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc (hay còn gọi là các biện pháp thay đổi lối sống) mặc dù có thể chỉ là các thay đổi rất đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân nhưng nó lại có những ý nghĩa hết sức quan trọng.
- Dự phòng sự xuất hiện của tăng huyết áp: Cách tốt nhất để ngăn chặn sự nguy hiểm của tăng huyết áp chính là không để cho tăng huyết áp xảy ra. Một lối sống lành mạnh có thể giúp dự phòng và làm chậm sự xuất hiện của tăng huyết áp, vai trò này đặc biệt quan trọng đối với nhóm bệnh nhân tiền tăng huyết áp (huyết áp ở mức 130-139/85/89mmHg).
- Làm chậm sự tiến triển của tăng huyết áp: Khi tăng huyết áp đã xảy ra, các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc có thể giúp hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh một cách đáng kể, từ đó ngăn chặn nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp.
- Giảm sử dụng thuốc ở bệnh nhân tăng huyết áp: Nếu được sử dụng đúng cách và nghiêm ngặt, các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc có thể giúp hạ huyết áp lên đến hơn 10mmHg, đây là mức tương đương với hiệu quả của việc sử dụng một loại thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Giảm thiểu nguy cơ tim mạch: Chế độ sống an toàn tác động đến nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch khác nhau, hầu hết chúng đều có mối liên hệ nhất định với tăng huyết áp. Điều này khiến nguy cơ tim mạch tổng thể ở bệnh nhân giảm xuống đáng kể.
Hơn nữa không giống như việc sử dụng thuốc, các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc có độ an toàn cao hơn rất nhiều và hoàn toàn không hề gây nên bất kỳ tác dụng phụ nào cho bệnh nhân.
Sử dụng quá nhiều muối trong khẩu phần có thể tác động lên thận, tạo thành một chuỗi các đáp ứng liên tiếp mà hậu quả cuối cùng là sự gia tăng huyết áp. Do đó, người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo nên giảm bớt số lượng muối sử dụng trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Người ta nhận thấy rằng, với chế độ ăn dưới 6g muối/ ngày có thể giúp chỉ số huyết áp của bệnh nhân giảm đến 7mmHg và giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ não ở người bệnh.
Để giảm sử dụng muối trong khẩu phần ăn, bệnh nhân có thể thực hiện theo một số hướng dẫn sau đây:
- Hạn chế nêm nước mắm, muối ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng thực phẩm do trong thực phẩm đã có chứa sẵn một lượng muối nhất định.
- Nếu có sử dụng nước chấm, hãy pha loãng trước khi sử dụng để hạn chế bớt lượng muối sẽ được đưa vào cơ thể trong bữa ăn.
- Các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn ở ngoài hàng quán thường có chứa nhiều muối để tạo cảm giác đậm đà. Do đó, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn này.
- Dùng một số gia vị khác để kích thích vị giác như cay, chua,... để thay thế cho vai trò của muối trong món ăn.
Các vi chất như kali, magie được khuyến khích sử dụng bởi có thể có hiệu quả giúp hạ huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp đồng thời làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở người bệnh. Vì vậy, tăng cường bổ sung các vi chất này trong bữa ăn hàng ngày cũng được xem là một biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc hiệu quả.
Người bệnh có thể bổ sung kali thông qua việc ăn nhiều hơn các loại rau củ và bổ sung magie thông qua các loại hạt, đậu đỗ, rau,... Tuy nhiên, nên tránh việc sử dụng thuốc để bổ sung kali, magie cho cơ thể với mục đích điều trị tăng huyết áp. Việc tự ý sử dụng các chế phẩm bổ sung những vi chất này dễ gây rối loạn điện giải, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
Carbonhydrat được xem là có mối liên hệ mật thiết đối với tình trạng béo phì và các yếu tố nguy cơ tim mạch tổng thể. Vì thế, kiểm soát lượng carbonhydrat mà bệnh nhân sử dụng cũng là một biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc.
Một số các nghiên cứu y khoa đã được thực hiện và cho thấy rằng, việc hạn chế sử dụng carbonhydrat ở bệnh nhân tăng huyết áp giúp giảm tình trạng béo phì và giúp hạ huyết áp đáng kể. Một chế độ ăn ít sử dụng đường có thể giúp giảm 4,5mmHg đối với huyết áp tâm trương và đến 5,9mmHg đối với huyết áp tâm thu.
Đối với một bệnh nhân tăng huyết áp, béo phì và thừa cân thực sự là một vấn đề nghiêm trọng mà bệnh nhân cần giải quyết. Chúng có thể khiến bệnh nhân đáp ứng kém hơn với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp và làm gia tăng nguy cơ tim mạch tổng thể.
Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải có một chế độ giảm cân tích cực để đảm bảo cân nặng của cơ thể được duy trì ở mức hợp lý. Việc giảm cân có hiệu quả có thể giúp chỉ số huyết áp của bệnh nhân giảm đi 3,2mmHg đối với huyết áp tâm trương và đến 4,5mmHg đối với huyết áp tâm thu.
Bệnh nhân nên duy trì cân nặng hợp lý để đạt được chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức nhỏ hơn 23, có thể tính đơn giản bằng cách BMI= Cân nặng (kg) : (chiều chao (m)x chiều cao (m)). Và nên giữ vòng bụng ở mức dưới 90 cm đối với nam và dưới 80 cm đối với nữ, tránh tình trạng béo trung tâm xảy ra.
Một trong các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc khác mà bệnh nhân cần lưu ý thực hiện đó chính là hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu, bia,... Người ta thấy rằng, Sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ đột quỵ não và làm giảm hiệu quả của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
Vì vậy, nếu bệnh nhân tăng huyết áp nếu có sử dụng rượu, bia hoặc các loại đồ uống có cồn thì nên giảm lượng sử dụng mà cơ thể có thể tiếp nhận được mà không làm ảnh hưởng đến huyết áp.
Lượng rượu bia được khuyến cáo cho bệnh nhân tăng huyết áp nếu có sử dụng là dưới 2 đơn vị chuẩn/ngày đối với nam và dưới 1 đơn vị chuẩn/ngày đối với nữ (một đơn vị chuẩn được quy ước bằng 354 ml bia, 150ml rượu vang, hoặc 44ml rượu mạnh). Và tổng lượng rượu sử dụng mỗi tuần không quá 14 đơn vị đối với nam và không quá 8 đơn vị đối với nữ. Và lưu ý rằng, không nên tập trung lượng rượu, bia quá nhiều trong cùng một lần sử dụng, nên chia nhỏ thành nhiều lần dùng.
Chúng ta thường chỉ biết hút thuốc lá gây ảnh hưởng không tốt lên hệ hô hấp với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế thì khói thuốc lá cũng gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe tim mạch ở cả người hút thuốc và người hít phải khói thuốc.
Các chất trong khói thuốc lá có thể làm gia tăng nhịp tim, đồng thời với đó là sự xơ cứng các mạch máu, viêm thành mạch làm mạch máu thu hẹp,... Tất cả những điều này làm cho huyết áp của bệnh nhân bị tăng lên.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần bỏ sử dụng thuốc lá hoàn toàn, bao gồm cả việc không sử dụng các dạng thay thế thuốc lá khác như thuốc lá điện tử, dạng nhai chứa nicotin,...
Không chỉ người hút thuốc lá mới gây hại, Hút thuốc lá thụ động là gì? Có nguy hiểm không và cách để giảm tác hại của khói thuốc lá khi hít phải. Do đó người bệnh cao huyết áp không nên hút thuốc lá.
Hoạt động thể lực là một trong các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc quan trọng hàng đầu mà bệnh nhân cần áp dụng. Khi hoạt động thể lực ở mức hợp lý, nó có thể giúp đem lại nhiều hiệu quả, bao gồm giúp bệnh nhân hạ huyết áp, kiểm soát cân nặng, giảm lipid máu, giảm đường máu, giảm nguy cơ tim mạch tổng thể,...
Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc tập luyện và hoạt động thể dục tích cực có thể giúp hạ huyết áp từ 3,9-4,5mmHg. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải có chế độ hoạt động thể lực thường xuyên và thích hợp trong quá trình điều trị tăng huyết áp.
Thời gian hoạt động thể lực ở bệnh nhân tăng huyết áp nên đảm bảo diễn ra ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 150 phút mỗi tuần. Khi bắt đầu, nên chia nhỏ khoảng thời gian luyện tập để có thể có thể thích nghi với cường độ luyện tập, sau đó bệnh nhân có thể dần dần chuyển sang luyện tập trong một thời gian dài liên tục.
Để bệnh nhân có thể kiên trì hơn trong luyện tập thể lực, các môn được chọn nên là những môn thể thao mà bệnh nhân ưa thích, có điều kiện tập luyện dễ dàng, đồng thời các thành viên trong gia đình nên cùng luyện tập với bệnh nhân,...
Yếu tố tinh thần của bệnh nhân cũng góp phần rất quan trọng đối với việc kiểm soát, điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc. Tình trạng stress, căng thẳng, lo âu của bệnh nhân có thể khiến cho huyết áp của bệnh nhân tăng cao.
Vì thế, khi điều trị tăng huyết áp thì người bệnh cần giữ cho tâm lý thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng xảy ra.
Qua đây có thể thấy rằng, không chỉ có sử dụng thuốc mà các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị tăng huyết áp. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp cần áp dụng tích cực các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc để kiểm soát huyết áp tốt hơn và an toàn hơn.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/lower-it-fast#6.-Stop-smoking