Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe

Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe
Quả mắc kham đang vào mùa chín, loại quả đặc trưng của núi rừng Tây Bắc này còn được gọi là me rừng, chùm ruột núi, quả lý gai. Quả mắc kham đặc trưng với vị chua ngọt, hơi đắng khi ăn và để lại vị ngọt đầu lưỡi đang được các chị em "săn lùng" thời gian gần đây.

Quả mắc kham có tên khoa học là Phyllanthus Emblica (hay Emblica officinalis), tiếng anh gọi là quả Amla (hoặc Indian Gooseberry). Đây là một loại thực vật có quả ăn được thuộc họ Diệp Hạ Châu. Quả mắc kham có hình tròn, vỏ mọng, có hạt, có màu xanh, khi chín hơi vàng nhạt. Quả có vị hơi chua và đắng nhẹ. Theo Y học cổ truyền Ấn Độ thì toàn bộ cây - bao gồm quả, lá và hạt mắc kham đều có giá trị chữa bệnh.

1. Công dụng của quả mắc kham đối với sức khỏe

Sự hiện diện của vitamin C, alkaloid, ellagitannin, axit gallic, emblicanin A và emblicanin B, flavonoid (đặc biệt là rutin và quercetin), và nhiều loại phân tử sinh học, làm cho quả mắc kham có nhiều công dụng đối với sức khỏe và được đánh giá cao trong việc lựa chọn nghiên cứu thuốc với ít tác dụng phụ.

Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe - Ảnh 1.

Quả mắc kham hay còn gọi là quả me rừng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Vị thuốc từ loại gia vị nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc

10 lợi ích bất ngờ của loại gia vị quen thuộc trong món phở gà

Dưới đây là một số công dụng của quả mắc kham mà bạn có thể tham khảo:

- Ợ nóng

Theo Healthline, một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 68 người mắc trào ngược dạ dày thực quản với chứng ợ chua đặc trưng xảy ra thường xuyên cho thấy, với liều 1.000 mg viên quả mắc kham mỗi ngày đã giúp giảm tần suất và mứcđộ nghiêm trọng của chứng ợ nóng và nôn mửa nhiều hơn so với nhóm dùng giả dược.

- Chống lão hóa

Do hàm lượng vitamin C cao lý tưởng nên quả mắc kham có nhiều lợi ích chống lão hóa đầy hứa hẹn. Vitamin C là một chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương tế bào và giúp làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Chúng bao gồm:

+ Da: Ngăn ngừ a phân hủy collagen giúp da có độ đàn hồi và săn chắc

+ Tóc: Một số bằng chứng cho thấy chiết xuất quả mắc kham có thể thúc đẩy sự phát triển tóc và ức chế một loại enzyme gây rụng tóc

+ Thị lực: Nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng, chiết xuất quả mắc kham có thể giúp bảo vệ và chống lại bệnh thoái hóa điểm vàng có liên quan tới tuổi tác bằng cách cải thiện sức khỏe ty thể của tế bào mắt.

- Ung thư

Theo Healthline, trong các nghiên cứu ống nghiệm và trên động vật thì chiết xuất từ quả mắc kham cho thấy có thể hỗ trợ tiêu diệt một số loại tế bào ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồn trứng và ung thư phổi. Bên cạnh đó chiết xuất này còn có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư hiệu quả nhờ tác dụng chống oxy hóa cao của phytochemical chẳng hạn như tannin và flavonoid cùng hàm lượng vitamin C.

Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe - Ảnh 2.

Quả mắc kham có nhiều cách chế biến khác nhau (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, chưa có nghiên cứu được thực hiện trên người liên quan tới tác dụng chống ung thư của quả mắc kham nên người bị ung thư cần thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Sức khỏe tim mạch

Một trong những công dụng phổ biến nhất của quả mắc kham là tăng cường sức khỏe tim mạch bao gồm:

+ Tác dụng chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tổn thương oxy hóa liên quan tới tim mạch, theo một số nghiên cứu trên động vật

+ Tác dụng điều chỉnh chức năng nội mô ở người mắc tiểu đường type 2 khi dùng 1.000mg quả mắc kham mỗi ngày tương tự như thuốc atovastatin

+ Chống viêm, giảm đáng kể tình trạng viêm nhiễm - được cho là có liên quan đáng kể tới sự phát triển của bệnh tim

+ Bình thường hóa lượng mỡ trong máu dựa trên kết quả nghiên cứu quan sát trên người cho thấy lượng mỡ trong máu được cải thiện đáng kể, bao gồm chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và cholesterol xấu cũng như tăng cholesterol tốt

+ Quả mắc kham có tác dụng giảm huyết áp dựa trên cơ chế hoạt động tương tự như thuốc giãn mạch có tác dụng mở rộng mạch máu, từ đó tăng cường lưu thông máu và giảm huyết áp

+ Ngăn ngừa hình thành cục máu đông - nguyên nhân gây đau tim, đột quỵ nếu các cục máu đông này gây tắc nghẽn động mạch.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người vẫn còn hạn chế và cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi kết luận quả mắc kham có thể trở thành chất bổ sung hiệu quả cho sức khỏe tim mạch.

- Cải thiện lượng đường trong máu

Theo một số nghiên cứu trên động vật cho thấy quả mắc kham có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói và sau ăn. Tác dụng này cũng được ghi nhận trong một nghiên cứu năm 2011 đăng tải trên NCBI có quy mô 32 người tham gia sử dụng 1 - 3 gam bột quả mắc kham trong 21 ngày liên tục.

- Chống lại tổn thương gan

Theo Healthline, trong các nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất quả mắc kham có thể bảo vệ chống lại các tổn thương gan do chế độ ăn nhiều chất béo hoặc N-nitrosodiethylamine - một chất gây độc cho gan nhờ tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và sự hiện diện của chất ức chế cytochrom P450 2E1 (CYP2E1) và khả năng ổn định màng của loại quả này. Tuy nhiên, tác dụng này vẫn chưa được nghiên cứu trên người.

- Tăng cường sức khỏe miễn dịch

Quả mắc kham giàu vitamin C chiếm 600 - 800% giá trị vitamin C cần hàng ngày (DV) đem đến nhiều tác dụng đối với hệ miễn dịch như giảm tổn thương tế bào và viêm nhiễm, đặc biệt tình trạng viêm mãn tính có liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim hay các rối loạn tự miễn dịch.

Ngoài ra, vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách thúc đẩy tăng sinh thực bào - là những tế bào miễn dịch chuyên biệt giúp "nuốt chửng" những tác nhân xâm nhập gây hại cho cơ thể.

Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe - Ảnh 3.

Quả mắc kham giàu vitamin C (Ảnh: Internet)

- Kháng khuẩn

Theo ScienceDirect, cả chiết xuất nước và hữu cơ của quả mắc kham đều cho thấy hoạt tính kháng khuẩn mạnh chống lại các khuẩn như Bacillus cereus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa và Serratia marcescens, Klebsiella ozaenae, Proteus mirabilis, Salmonella paratyphi A và B , và Klebsiella pneumonia, Pasteurella multocida và Candida albicans.

- Hạ sốt và giảm đau

Hàm lượng polyphenolic (carbohydrate, axit amin, alkaloid và tannin) có trong chiết xuất quả mắc kham có tác dụng giảm đau và hạ sốt đáng kể trong thử nghiệm trên chuột. Điều này mở ra lợi ích tiềm năng của chiết xuất quả mắc kham trong ứng dụng thần kinh và sau phẫu thuật.

2. Rủi ro tiềm ẩn của quả mắc kham

Quả mắc kham có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với sức khỏe nếu không ăn quả mắc kham đúng cách hay lạm dụng các chất bổ sung quả này.

Chẳng hạn do đặc tính ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông nên quả mắc kham có thể làm loãng máu và ngăn ngừa đông máu bình thường. Nhưng nếu bạn bị các rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ để tránh nhân tác dụng lên và gây hại cho cơ thể. Điều này cũng được khuyến cáo không nên dùng quả mắc kham trước khi phẫu thuật do nguy cơ chảy máu cao.

Bạn cũng nên thận trọng khi ăn quả mắc kham nếu đang uống thuốc điều trị tiểu đường type 1 và type 2 do tác dụng giảm lượng đường trong máu của loại quả này.

Ngoài ra, do thiếu bằng chứng liên quan tới độ an toàn cho phụ nữ mang thai hay đang cho con bú hoặc đang cố gắng mang thai nên nếu bạn thuộc nhóm người này cũng không nên ăn quả mắc kham.

3. Bài thuốc từ cây mắc kham

Bộ phận dùng làm thuốc của mắc kham là cả quả, lá, vỏ cây và rễ. Quả mắc kham thu hái vào mùa đông, dùng tươi hay phơi khô để dành sử dụng dần. Lá mắc kham thu hái vào mùa hè thu, vỏ và rễ thu hoạch quanh năm, sử dụng tươi hay sấy khô dùng dần.

Theo Đông Y, quả mắc kham vị chua ngọt, hơi chát, tính mát có công năng sinh tân, chỉ khát, lợi tiểu, hạ nhiệt, tiêu viêm, nhuận phế hóa đờm... Lá mắc kham có vị cay, tính bình có tác dụng lợi tiểu. Rễ cây mắc kham có vị đắng chát, tính bình có tác dụng thu liễm, hạ huyết áp. Vỏ cây mắc kham cũng có tác dụng thu liễm và hoa mắc kham có tác dụng làm mát cơ thể, hạ nhiệt và nhuận tràng.

Mắc kham là quả gì? Quả mắc kham có tác dụng gì đối với sức khỏe - Ảnh 4.

Quả mắc kham đang được nhiều chị em săn lùng (Ảnh: FaceBook)

Mắc kham có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Các bài thuốc từ cây mắc kham có thể tham khảo như:

- Chữa cảm mạo phát sốt: Quả mắc kham 10 - 30g, sắc lấy nước uống trong ngày, chia làm nhiều lần.

- Chữa tăng huyết áp: Rễ cây mắc kham 15 - 30g, sắc lấy nước uống trong ngày.

Làm lợi tiểu: Lấy 10 - 20g vỏ thân cây mắc kham sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lấy 10 - 20g lá mắc kham sắc lấy nước uống. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

- Trị tiểu đường: Quả mắc kham 15 - 20g, ướp với muối ăn và uống hằng ngày. Hoặc có thể nấu nước uống hàng ngày.

- Trị nước ăn chân: Lấy quả mắc kham giã lấy nước bôi vào chỗ chân bị nước ăn.

- Chữa rắn cắn (chỉ sử dụng khi điều kiện không có y tế hoặc hỗ trợ khi đã được y tế cấp cứu): Lấy vỏ cây mắc kham giã nát pha chút nước rồi ép lấy nước cốt uống còn ba đắp nơi rắn cắn.

- Chữa phù thũng: Quả mắc kham 10 - 30g. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa ho, viêm họng, nôn mửa: Quả mắc kham ướp muối, rồi phơi khô làm ô mai ngậm

Ở Ấn Độ, nước lên men của quả mắc kham có thể được dùng như thuốc trị vàng da, khó tiêu hay trị ho. Ở Thái Lan, chiết xuất quả mắc kham cũng được lấy để sản xuất thuốc long đờm, thuốc lợi niệu, tiêu chảy,...

4. Quả mắc kham ngâm rượu được không?

Quả mắc kham ngâm rượu có tác dụng kích thích tiêu hóa, bồi bổ khí huyết và tăng cường sinh lý. Cách ngâm rượu quả mắc kham như sau:

- Chuẩn bị 2 lít rượu trắng và 1kg quả mắc kham

- Đem mắc kham đi rửa sạch, để thật ráo nước rối xếp vào bình ngâm rượu

- Đổ rượu ngập quả rồi đem ngâm rượu mắc kham trong 1 tháng là uống được.

Mỗi lần uống 1 chén nhỏ rượu quả mắc kham, uống 2 - 3 lần trong ngày. Không nên uống nhiều hơn có thể gây tác dụng phụ tiêu cực. Bạn cũng có thể ngâm rượu mắc kham bằng cách làm siro quả mắc kham rồi chắt nước siro ra rồi đổ rượu vào ngâm.

Nhìn chung, quả mắc kham có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng không nên lạm dụng để chữa bệnh khi chưa có tham khảo và tư vấn từ bác sĩ.

Nguồn dịch:

1. Indian Gooseberry: Benefits, Uses, and Side Effects

2. Phyllanthus emblica: A comprehensive review of its therapeutic benefits


Tác giả: Allen