Mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ngồi như thế nào cho đúng?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ngồi như thế nào cho đúng?
Sai lầm trong tư thế ngồi, nằm hoặc thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể là nguyên nhân gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống. Do vậy, cùng với việc tích cực tập luyện các bài tập tốt cho xương khớp, đĩa đệm, chúng ta cũng cần chú ý ngồi sao cho đúng tư thế.

1. Ngồi sai tư thế là nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm

Ngồi sai tư thế trong thời gian dài là một trong số những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm hàng đầu. Tư thế ngồi sai sẽ làm gia tăng áp lực lên cột sống, hệ thống đĩa đệm. Ban đầu, có thể những áp lực này không gây ra ảnh hưởng gì nhưng về lâu dài, sự căng thẳng của chuyển động hàng ngày cùng với những chấn thương nhỏ cộng dồn lại sẽ làm cho vòng bao bên ngoài của đĩa đệm bị vỡ, lõi mềm đĩa đệm thoát ra ngoài xuyên qua các vết nứt vỡ và được gọi là hiện tượng thoát vị.

Ngồi gù lưng, bắt chéo chân, ngồi trượt dài trên ghế, nửa nằm nửa ngồi… là những tư thế ngồi sai phổ biến đa số dân văn phòng gặp phải hiện nay. Thời gian duy trì tư thế ngồi sai quá dài, liên tục từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày khiến phần đĩa đệm giữa 2 đốt sống bị chèn ép liên tục, không hấp thụ đủ dinh dưỡng nên vừa bị thoát vị, vừa thoái hóa. Những người làm việc văn phòng có thói quen xấu này rất dễ bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

Bên cạnh đó, khi ngồi sai tư thế trong thời gian dài liên tục, cơ thể bạn có xu hướng buông thõng vai, dây chằng cột sống kéo căng quá mức cũng gây ảnh hưởng tới đĩa đệm. 

Do vậy, ngoài nguyên nhân thoái hóa do tuổi tác thì tư thế ngồi sai cũng là một trong những con đường ngắn nhất dẫn tới bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống.

2. Hướng dẫn tư thế ngồi đúng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm

Tập ngồi đúng sẽ mang lại lợi ích lớn về sức khỏe cho những người bị bệnh thoát vị đĩa đệm, giúp cột sống không chịu thêm áp lực và tổn thương, mang lại cơ hội phục hồi chức năng tốt hơn. Hơn nữa, thực hiện đúng tư thế ngồi cho người thoát vị đĩa đệm còn giúp giảm đau mỏi hiệu quả, nhất là phần thắt lưng.

Hướng dẫn tư thế ngồi đúng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm như sau:

- Giữ lưng thẳng khi ngồi để giảm thiểu tối đa sức ép không mong muốn lên cột sống. Không cúi lâu, mắt nhìn thẳng để bảo vệ đốt sống cổ.

- Nên chọn ghế tựa, xoay được, có thể đặt 1 chiếc gối nhỏ sau lưng, phần cong của cột sống để khi ngồi thẳng không bị mỏi.

- Khi ngồi nên kê chân vừa phải sao cho phần đầu gối cao hơn hông, hai bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt phẳng kê chân.

- Nếu ngồi ghế với bàn trước mặt thì cần điều chỉnh độ cao của ghế phù hợp với vóc dáng và bàn làm việc sao cho khuỷu tay vuông góc với cánh tay khi làm việc.

- Nếu làm việc văn phòng có sử dụng máy tính, cần giữ khoảng cách phù hợp với màn hình máy tính sao cho đường thẳng từ mắt tới màn hình máy tính vuông góc với nhau. Tư thế này sẽ giúp bạn không phải ngẩng đầu cao hoặc cúi cổ, uốn cong người ảnh hưởng tới đốt sống cổ và đốt sống lưng.

Với những người bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống đang làm công việc có tính chất ngồi nhiều, ngồi lâu thì cần cải thiện bằng cách tăng cường vận động giải lao. Mỗi 45' - 1h, người bệnh cần đứng lên đi lại nhẹ nhàng hoặc thực hiện một số động tác thư giãn gân cốt tại chỗ để làm giảm áp lực lên cột sống. Tuy nhiên cần tránh thực hiện động tác vặn mình khi ngồi vì càng làm tăng thêm áp lực lên phần sụn và đĩa đệm đốt sống lưng, dễ tổn hại cho vùng xương khớp.


Tác giả: Hoàng Trang