Lý giải hiện tượng buồn nôn khi tập thể dục

Lý giải hiện tượng buồn nôn khi tập thể dục
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn nôn khi tập thể dục. Đôi khi do cơ địa không phù hợp với bài tập hoặc do bạn đang có bệnh lý.

Chúng ta đều biết đến lợi ích của việc tập luyện. Tập thể dục, chơi thể thao, tập gym, tập yoga...đều giúp bạn nâng cao thể trạng, mang lại một cơ thể cường tráng, mạnh mẽ, tăng cường sự dẻo dai của cơ bắp. Tuy nhiên, mỗi người đều có một cơ địa và tình hình sức khỏe riêng nên việc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp sẽ giúp bạn tránh khỏi những nguy cơ chấn thương hoặc mệt mỏi khi tập luyện.

Có rất nhiều đi tập thể hình nhưng không được hướng dẫn sử dụng các thiết bị máy móc, khiến tập sai kỹ thuật, dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khỏe. Nếu có huấn luyện viên hướng dẫn thì người tập lại phải bỏ ra một số kinh phí không nhỏ, nên phần lớn người tập chỉ tập theo lối người này chỉ người kia. Hoặc có nơi có huấn luyện viên nhưng chỉ dạy rất qua loa, không chuyên sâu vào sức khỏe, cường độ tập, bài tập cho từng người... nên trong quá trình tập cũng dễ xảy ra những vấn đề sức khỏe.

Ngoài việc đau cơ khi tập luyện, thì người tập thể dục, thể hình đôi khi còn gặp phải hiện tượng buồn nôn. Buồn nôn khi tập luyện có thể xảy ra trong và sau quá trình tập, có thể do tập luyện quá sức, mang tính tạm thời. Tuy nhiên đây cũng là hiện tượng nguy hiểm cảnh báo bạn đang có bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

1. Nguyên nhân gây hiện tượng buồn nôn khi tập luyện

- Do chế độ ăn: Mức độ nghiêm trọng của việc buồn nôn sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn. Nếu trước đó bạn ăn những món ăn không tiêu có thể gây kích thích đường tiêu hóa, ăn quá no hoặc quá đói cũng dễ gây ra cảm giác buồn nôn.

- Hydrat hóa: Quá trình hydrat hóa quá ít hoặc quá nhiều đều làm tăng cảm giác buồn nôn trong hoặc sau khi tập gym. Thông thường, cơ thể sản sinh ra mồ hôi khi tập thể dục thể thao, đó là cách giúp làm mát nhiệt độ cơ thể. Theo đó, các chất điện giải như natri và kali cũng được bài tiết cùng chất lỏng ra khỏi cơ thể. Sự tụt giảm chất lỏng và chất điện giải có thể dẫn tới cảm giác buồn nôn sau khi tập thể dục. Bên cạnh đó, nếu quá trình hydrat hóa diễn ra quá nhiều cũng có thể khiến người luyện tập cảm thấy bồn chồn, khó chịu.

- Hạ đường huyết: Hạ đường huyết thường gặp ở những người ăn uống thiếu chất, để bụng đói khi đi tập luyện, tập luyện gắng sức, mất nhiều mồ hôi và năng lượng cũng gây ra hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, tim đập mạnh.

- Gắng sức như nâng vật nặng, thực hiện các bài tập khi cơ thể chưa quen, đặc biệt khi đang bệnh hoặc vừa phẫu thuật... Hãy tập luyện từ từ, nâng dần độ khó thay vì cố gắng quá sức để tránh cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi.

2. Hướng dẫn phòng tránh các vấn đề sức khỏe khi tập luyện

Để phòng tránh những sự cố sức khỏe khi tập luyện, mỗi người trước khi bước vào một hình thức tập luyện nào đó cần tham khảo, tìm hiểu những thông tin về bài tập, hoặc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để tìm bài tập phù hợp với mình.

Trong quá trình tập luyện, cần chú ý tuân thủ những lưu ý sau:

- Cân sức khi luyện tập: Bạn là người biết rõ nhất thể trạng của mình. Khi luyện tập cần cân đối bài tập với sức chịu đựng của bản thân, tuổi tác, giới tính để biết nên tập, nên tránh những môn thể thao nào.

Đặc biệt chú ý đến các động tác co giãn cột sống. Đối với trường hợp người có tiền sử thoái hóa đốt sống cổ hay đau lưng thì không nên tập các bài tạ đẩy, tạ đứng, tạ vớt. Bởi đây là các bài tập cơ, cần huy động sức của toàn cơ thể trong đó chiếm phần lớn là tay, chân, ngực. Khi tập gây lực ép lên cột sống quá nhiều tạo nên sự chèn ép các mạch máu, dây thần kinh.

Nếu bạn có bệnh lý cột sống, cần tập các bài như treo xà, hoặc đi bộ nhẹ nhàng, khuyến khích nhất là đi bơi bởi khi xuống nước, cơ thể được thả lỏng, lực nước sẽ sắp xếp lại cột sống, giảm những chèn ép xung quanh khu vực bị đau.

- Tránh tập với cường độ mạnh: máu đáng lẽ được phân bổ khắp cơ thể thì khi tập mạnh lại được dồn để nuôi các cơ (cấp máu nhiều cho các cơ). Từ đó dẫn đến hiện tượng máu lên não ít hơn. Điều này dẫn đến triệu chứng của bệnh tiền đình như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhìn kém...

Tốt hơn hết, người tập nên tham khảo những chương trình luyện tập khoa học từ huấn luyện viên hoặc những bài nghiên cứu đã được xác nhận để chọn được một chế độ luyện tập phù hợp cho mình.

3. Vấn đề dinh dưỡng khi tập thể dục, thể hình

Như bên trên đã giải thích, hiện tượng buồn nôn khi luyện tập đôi khi đến từ chế độ ăn. Ăn quá no hoặc quá đói đều sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Do vậy cần chú ý những nguyên tắc ăn uống sau:

- Tránh ăn nhiều: Đây là sai lầm thường gặp ở những người có thể trạng gầy, muốn tập luyện để tăng cân.

Lý giải hiện tượng buồn nôn khi tập thể dục  - Ảnh 2.

- Ăn ít: Ăn ít quá cũng có hại như ăn nhiều. Bạn không thể xây dựng cơ bắp nếu chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng. Bí quyết chính là sự cân bằng, đủ lượng thực phẩm chất lượng cao để phát triển cơ bắp.

Nguyên tắc quan trọng nhất là cân bằng lượng protein: Chất đạm rất quan trọng để tái tạo và xây dựng cơ bắp. Người ăn ít đạm thường kém săn chắc và thời gian tập luyện cũng sẽ lâu có kết quả hơn. Ngoài việc bổ sung bằng ăn uống thông thường, bạn cũng có thể tìm hiểu những cách bổ sung khác được khuyến cáo như uống sữa....

- Không ăn quá nhiều chất béo và đường: Chất béo và đường là hai kẻ thù của dinh dưỡng. Chất béo nhiều calori nhất trong tất cả các chất dinh dưỡng. Chất béo khó tiêu hóa nhưng lại dễ lưu trữ trong cơ thể. Lượng đường thừa có thể dễ dàng chuyển đổi thành chất béo. Đây là điều mà người tập luyện cần đặc biệt lưu ý.


Tác giả: Minh Ngọc