Tiếp xúc với thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tới tim, bao gồm cả những cơn đau tim. Điều này là do các mạch máu phản ứng với nhiệt độ thấp bằng cách co lại hay còn gọi là co mạch làm tăng huyết áp và giảm lưu thông máu từ đó gây ra căng thẳng cho tim.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi có một "thứ gì đó" gây tắc nghẽn trong mạch máu thường là cục máu đông khiến máu chảy đến tim bị gián đoạn đột ngột, tim thiếu oxy và có thể gây ra đột tử. Hay nói cách khác, nhồi máu cơ tim là một tình trạng lâm sàng do thiếu máu cục bộ tại cơ tim.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Na Uy (1) cho thấy, nhiệt độ cứ giảm 10 độ C thì nguy cơ tử v.ong do bệnh tim mạch tăng lên 19% với người trưởng thành độ tuổi từ 49 - 71 bao gồm có và không có bệnh tim sẵn có.
Một nghiên cứu năm 2017 tại Thụy Điển về mối liên hệ giữa các điều kiện thời tiết khác nhau với cơn đau tim cho thấy, nhiệt độ thấp gây căng thẳng lên tim do nó tác động trực tiếp tới chức năng tim và tuần hoàn. Những người có sẵn các yếu tố nguy cơ tim mạch như đau tim cần đặc biệt cẩn trọng - và đây cũng là lý do khiến nhiều trường hợp bệnh tim nghiêm trọng xảy ra vào các đợt lạnh, bao gồm:
- Nhịp tim tăng nhanh
- Tăng huyết áp
- Nhu cầu oxy cao hơn
- Nguy cơ đông máu.
Những người mắc bệnh tim mạch có thể gặp nhiều tác động xấu tới sức khỏe hơn do nhiệt độ lạnh bao gồm huyết áp cao và cứng động mạch (arterial stiffness). Tất cả những yếu tố này làm tim trở nên căng thẳng hơn và tăng nguy cơ đau tim.
Ngoài ra, nhiễm trùng đường hô hấp cũng phổ biến và dễ lây lan hơn trong những tháng thời tiết lạnh, điều này cũng dễ kích hoạt cơn đau tim.
Đọc thêm:
+ 15 phương pháp tự nhiên giúp làm giảm huyết áp cao hiệu quả
+ Thời tiết vừa lạnh vừa khô cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Ngược lại, nhiệt độ quá cao lại gây ra giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu. Khi điều này xảy ra có thể dẫn tới tụt huyết áp hoặc đông máu. Nhưng trong hai biến chứng do thời tiết này thì co mạch do lạnh có thể gây hại "ngay lập tức" cao hơn - Nicole Weinberg, bác sĩ Tim mạch tại Trung tâm Y tế Providence Saint John (Santa Monica, California) nhấn mạnh.
Bà cho biết, khi lưu lượng máu tới các cơ quan giảm đi có lẽ gây hại sâu sắc hơn do sự co thắt gây chế.t mô hoặc đau tim.
Trước khi một cơn đau tim xuất hiện thường có các dấu hiệu cảnh báo vì thế điều quan trọng là nhận ra các dấu hiệu của cơn đau tim này - bởi càng sớm thì càng có nhiều cơ hội phục hồi cao. Mức độ nghiêm trọng của các cơn đau tim có thể khác nhau giữa mọi người bởi một số thì bị đau đớn dữ dội nhưng có người chỉ là cơn khó chịu nhẹ thoáng qua.
Các triệu chứng chính của cơn đau tim là:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực. Hầu hết các cơn đau tim liên quan tới cảm giác khó chịu vùng trung tâm hoặc bên trái của ngực kéo dài tới hơn vài phút sau đó biến mất rồi lại quay trở lại. Cảm giác này được mô tả như bị đè, tì, nén chặt hoặc đau đớn căng cứng
- Cảm thấy yếu, choáng váng hoặc ngất xỉu kèm theo đổ mồ hôi lạnh
- Đau hoặc khó chịu vùng hàm, cổ hoặc lưng
- Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai
- Khó thở kèm theo khó chịu ở ngực, nhưng cảm giác này cũng có thể xảy ra trước khi sự khó chịu ở ngực xuất hiện.
Ngoài ra, các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm mệt mỏi bất thường không rõ nguyên nhân và buồn nôn hoặc nôn - phụ nữ là nhóm thường có các dấu hiệu này hơn.
Nguy cơ bị đau tim cao hơn khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và khi gắng sức đột ngột - do đó mà với người có các yếu tố rủi ro dưới đây không nên tập thể dục vào lúc sáng sớm hay các hoạt động cần sử dụng sức mạnh:
- Huyết áp cao
- Cholesterol trong máu cao
- Người hút thuốc, nghiện thuốc lá
- Tuổi tác
- Tiền sử gia đình
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Không tập thể dục hoặc tập không thường xuyên
- Uống nhiều rượu
- Có chế độ ăn kém lành mạnh, nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans và cholesterol.
Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng lớn hơn tới tác động của thời tiết đối với tình trạng của tim hơn so với các yếu tố khác. Chẳng hạn như theo một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, thói quen hút thuốc và uống rượu thường xuyên dễ gây ra cơn đau tim nhất khi kết hợp với nhiệt độ xuống thấp - điều này là do thuốc lá và rượu bia có ảnh hưởng trực tiếp tới sự co mạch dẫn tới tăng huyết áp.
Có những cách để từng bước giảm nguy cơ đau tim trong các đợt lạnh. Đầu tiên chính là giảm thiểu tác động của nhiệt độ thấp tới tim mạch bằng cách giảm thời gian tiếp xúc với không khí lạnh. Chẳng hạn như mặc quần áo ấm, giữ ấm tay, chân, đầu, ngực và bụng; tránh những nơi ẩm ướt, gió lớn; hạn chế uống rượu bia trong điều kiện lạnh; nghỉ ngơi thường xuyên khi mệt mỏi và tránh gắng sức;...
Các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố vận động thể chất thường xuyên giúp trì hoãn và ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch tiến triển. Tuy nhiên cường độ các bài tập cần phụ thuộc vào thể trạng của bạn và nên được thông qua tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
Những biện pháp phòng ngừa khác có liên quan tới giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trong mùa đông. Tiêm chủng các loại vaccine như phế cầu và cúm là lựa chọn nên được ưu tiên hàng đầu cho nhóm có nguy cơ cao nhờ việc giảm nguy cơ phát triển các biến chứng tim mạch.
Nguồn dịch:
1. What is the link between cold weather and heart attacks?
2. Here's Why Cold Weather Is Making Heart Disease Worse