Hệ miễn dịch là một mạng lưới bao gồm các tế bào, các mô và các cơ quan phối hợp hoạt động với nhau để bảo vệ cơ thể.
Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch là khi cơ thể phát hiện vi trùng, hoặc các chất lạ gây ra đáp ứng miễn dịch, nó có thể kích hoạt việc tạo ra các kháng thể. Từ đó, các kháng thể ghi nhớ các loại mầm bệnh này và ngăn không cho những kháng nguyên tương tự lặp lại cuộc tấn công vào những lần tiếp theo.
Hệ miễn dịch là một mạng lưới các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể (Ảnh: Internet)
Đối với hầu hết người bình thường, hệ miễn dịch thích ứng với những thay đổi bằng cách đáp ứng với những mầm bệnh mới (như vi khuẩn và virus) mỗi ngày. Việc tiếp xúc liên tục với mầm bệnh mới cho phép hệ miễn dịch của con người học hỏi và hình thành tính miễn dịch từ ngày này qua ngày khác.
Như vậy, việc cải thiện hệ miễn dịch là cần thiết để giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại mầm bệnh, bảo vệ sức khoẻ. Tin vui là, chúng ta có thể dễ dàng cải thiện hệ miễn dịch bằng một lối sống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh, hợp lý.
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng quản lý Sức khỏe, Thể dục Thể thao và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (PCFSN) tháng 6/2001, 60 - 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất (chuyên nghiệp và nghiệp dư) ít bị cảm lạnh hơn so với những người không rèn luyện thể chất.
Như vậy, một chế độ luyện tập thể dục thể thao phù hợp chính là một phương pháp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là với người cao tuổi. Theo thời gian, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ dần yếu đi do sự tác động của sự lão hoá. Tuy nhiên, rèn luyện thế chất lại có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá này, đồng thời giúp giải toả căng thẳng (một trong các yếu tố làm suy giảm hệ miễn dịch).
Tập luyện thể dục thể thao có khả năng cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể (Ảnh: Internet)
Trong một nghiên cứu khác đến từ Trung tâm Y Tế của Đại học Nebraska và Viện Điều trị Ung thư thuộc Đại học Northern Colorado năm 2012, các nhà khoa học đã phát hiện số lượng tế bào lympho T (có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch) tăng mạnh trong cơ thể của một bệnh nhân ung thư sau khi tập luyện thể dục thể thao đều đặn trong 12 tuần.
Theo phân tích của các nhà khoa học, trong quá trình rèn luyện thể chất, các tế bào lympho T không còn hoạt động trong cơ thể sẽ bị đào thải để thay thế bằng các tế bào T mới, giúp tăng cường hệ miễn dịch và kiểm soát bệnh ung thư một cách hiệu quả.
Mặc dù tập luyện thể dục thể thao có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên thực hiện liên tục các hoạt động thể chất với cường độ cao quá 90 phút trong mỗi lần tập.
Tập luyện thể dục thể thao quá sức có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ (Ảnh: Internet)
Theo thời gian, việc luyện tập thể dục thể thao quá sức và không khoa học có thể khiến cho các tế bào của hệ miễn dịch bị mất cân bằng, ví dụ như thay đổi về mặt số lượng hoặc chức năng của bạch cầu, kháng thể, và những chất sinh hóa như cytokine.
Cụ thể, sau mỗi 3-72 giờ luyện tập, cơ thể chúng ta rơi vào trạng thái như "ngôi nhà không có cửa", là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn xâm nhập và gây ra các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh ở đường hô hấp trên.
Để cải thiện hệ miễn dịch, cần kết hợp chế độ rèn luyện thể lực phù hợp và một thói quen sinh hoạt lành mạnh (Ảnh: Internet)
Như vậy, việc tập luyện thể dục thể thao để cải thiện hệ miễn dịch chỉ thực sự có tác dụng khi được thực hiện với cường độ và tần suất phù hợp. Cần lưu ý tới trạng thái của cơ thể trong và sau khi luyện tập, đảm bảo không kéo giãn sức chịu đựng và làm tinh thần trở nên căng thẳng hơn.
Ngoài ra, để việc cải thiện hệ miễn dịch được thực hiện hiệu quả, cần kết hợp với một thói quen sinh hoạt lành mạnh như: không lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá; duy trì cân nặng và vóc dáng cân đối; chế độ ăn khoa học, hợp lí; ngủ đủ giấc; thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ;...