Lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa ẩm trong năm, cao điểm của dịch rơi vào khoảng tháng 7 - tháng 11 hàng năm. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần tỉ mỉ và cẩn trọng, lưu ý tới những dấu hiệu chuyển biến sức khỏe của người bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

1. Cần hiểu rõ về bệnh sốt xuất huyết khi chăm sóc bệnh nhân

Để chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cho tốt, trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về căn bệnh này. Bệnh sốt xuất huyết dengue được xếp vào loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, có khả năng lan rộng vào bùng phát thành dịch vào mùa mưa ẩm hàng năm (tháng 7 - tháng 11). Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua tác nhân trung gian là muỗi aedes - muỗi vằn hút máu người bệnh và mang virus dengue.

Vì vậy, trong quá trình chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết cũng cần đề phòng bị muỗi vằn cắn để hạn chế khả năng lây bệnh. Bệnh sốt xuất huyết dengue có tất cả 4 loại tương ứng với 4 chủng virus DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Giữa các chủng virus dengue lại không tạo được miễn dịch chéo nên mỗi người chúng ta có nguy cơ mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời.

Sau khi bị muỗi vằn đốt/hút máu khoảng 2 - 3 ngày bạn sẽ bị sốt xuất huyết với biểu hiện đầu tiên là sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C (tùy từng bệnh nhân). Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết lúc này cần tập trung vào việc hạ sốt và giúp bệnh nhân nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Bên cạnh triệu chứng sốt cao liên tục, người bệnh còn có các triệu chứng như: xuất huyết dạng ban đỏ ở chân, tay; cơ thể mệt mỏi, đau nhức; đau bụng âm ỉ, chướng bụng, buồn nôn nhiều.

Theo các chuyên gia y tế, khoảng 2 - 3 ngày đầu có thể chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà. Thực hiện đúng cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu tại nhà có thể giúp khỏi bệnh tới 90% mà không cần nhập viện. Cần đặc biệt chú ý theo dõi diễn biến sức khỏe khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà bởi trẻ nhỏ mắc bệnh có nguy cơ bị biến chứng cao hơn người lớn.

Ảnh 3.

2. Lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết dengue hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị (mới trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm). Người bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có khả năng bị biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Vì vậy, trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, cần thực hiện đúng phác đồ theo hướng dẫn cụ thể của Bộ y tế và cần lưu ý những điều quan trọng sau đây:

- Về thuốc hạ sốt: bệnh nhân bắt đầu bị sốt cao cần được dùng thuốc hạ sốt để kiểm soát tình trạng tăng thân nhiệt liên tục. Chỉ được dùng thuốc hạ sốt đơn chất paracetamol, tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt có chứa aspirin hoặc ibuprofen. Cần cho người bệnh dùng đúng liều lượng thuốc hạ sốt cho phép, không được tự ý tăng liều hoặc giảm thời gian chờ giữa 2 lần dùng thuốc. Đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà.

- Về việc bù dịch cho bệnh nhân: khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, không ít người có tâm lý muốn truyền nước cho người bệnh để nhanh chóng bù lại lượng nước cơ thể mất đi do quá trình sốt cao liên tục.

Tuy nhiên, việc tự ý truyền nước, truyền dịch tại nhà không qua ý kiến, chỉ định của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm. Cách tốt nhất để bù nước cho cơ thể người bệnh là uống nhiều nước, nước hoa quả, sữa, nước cơm. Chỉ được truyền dịch cho bệnh nhân khi đã thăm khám và có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

- Về việc dùng kháng sinh: bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra và thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus (chỉ tiêu diệt được vi khuẩn). Vì vậy, dùng kháng sinh đối với bệnh nhân sốt xuất huyết không chỉ vô hiệu mà còn có thể làm ảnh hưởng xấu tới chức năng gan, thận.

- Khi nhận thấy bệnh nhân sốt cao có biểu hiện co giật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ cần đưa tới bệnh viện ngay. Bên cạnh đó, khi phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết nặng (từ ngày thứ 3 bị bệnh) như chảy máu chân răng, rong kinh (đối với nữ), nôn ra máu, tiểu máu, đi ngoài phân đen… cũng cần cho bệnh nhân nhập viện ngay.


Tác giả: hoangtrang