Trong buổi họp báo hôm thứ hai (16/3), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đây là một bệnh nghiêm trọng. Mặc dù các chứng cứ chúng tôi có được cho thấy những người trên 60 tuổi phải đối mặt với nguy cơ cao hơn, nhưng người trẻ, bao gồm cả trẻ em cũng đã tử vong".
Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Mỹ, việc cơ thể phải trải qua những thay đổi trong quá trình mang thai có thể khiến người phụ nữ gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Hướng dẫn của WHO lưu ý, "chưa có chứng cứ về việc phụ nữ mang thai có dấu hiệu hoặc triệu chứng hay có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy lây nhiễm từ mẹ sang con ở giai đoạn thứ ba [của thai kỳ]".
Tuy nhiên, hướng dẫn cũng kêu gọi các bà mẹ đang mang thai từng có liên hệ với người nhiễm bệnh, cần phải được giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, "phụ nữ mang thai có nghi ngờ, khả năng hoặc được xác định nhiễm COVID-19, bao gồm phụ nữ cần phải cách li, nên được tiếp cận với sự chăm sóc phù hợp" và "tất cả các phụ nữ mang thai gần đây bị COVID-19 hoặc mới phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 nên được cung cấp thông tin và tư vấn về việc cho con bú an toàn" cũng như ngăn ngừa lây nhiễm virus.
Ở một động thái khác, theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y học Pediatrics cũng trong ngày 16/3, trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc có ít triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người lớn.
Nghiên cứu theo dõi 731 trường hợp dương tính và 1.412 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở trẻ em và nhận thấy, trong tổng số 2.143 trường hợp, chỉ có 1 bé trai 14 tuổi bị tử vong và gần 6% trong số này ở tình trạng nghiêm trọng - so sánh với tỷ lệ 18,5% ở người lớn.
Các tác giả tìm ra, trẻ em ít tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất dễ bị lây COVID-19. Khoảng 13% bệnh nhân trẻ em từng bị xác định dương tính với COVID-19 nhưng lại không thể hiện triệu chứng bị ốm.
Hiện giới khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho vấn đề tại sao trẻ em nhiễm COVID-19 lại không rơi vào tình trạng nghiêm trọng như người lớn.