Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, các loại thuốc điều trị tay chân miệng được sử dụng vẫn là các thuốc điều trị triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào cho đúng và an toàn trong điều trị tay chân miệng lại là điều mà rất nhiều bậc cha mẹ còn chưa thực sự hiểu rõ. Điều này đôi khi khiến việc dùng thuốc điều trị tay chân miệng trở nên kém hiệu quả và có thể gây nên các tác động không mong muốn tới sức khỏe của trẻ.
Các lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng:
Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ thường có sốt và có thể sốt rất cao. Vì thế việc sử dụng thuốc hạ sốt trong điều trị bệnh tay chân miệng diễn ra rất thường xuyên.
Thuốc hạ sốt được sử dụng chủ yếu cho bệnh nhân bị tay chân miệng là paracetamol. Thông thường, nếu sử dụng đúng liều điều trị thì paracetamol rất an toàn cho bệnh nhân. Nhưng nếu sử dụng quá liều nó sẽ có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là có thể gây nên tình trạng tổn thương gan, hoại tử tế bào gan.
Do đó, khi dùng paracetamol làm thuốc điều trị tay chân miệng cho trẻ thì chỉ nên dùng liều 10mg/kg/lần, các lần uống cách nhau 6h và chỉ nên sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5oC trở lên. Đối với các trường hợp trẻ sốt nhẹ dưới 38,5oC thì cha mẹ không nên lạm dụng paracetamol, thay vào đó có thể sử dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như chườm mát, lau mát, mở bớt quần áo,.. để hạ sốt cho trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý trong trường hợp sử dụng paracetamol làm thuốc điều trị tay chân miệng nhưng trẻ không đáp ứng thì có thể sử dụng ibuprofen để hạ sốt cho trẻ, liều sử dụng là 5-10 mg/kg/lần. Việc sử dụng ibuprofen để hạ sốt cho trẻ cần phải thận trọng, tránh lạm dụng thuốc bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng phụ lên đường tiêu hóa và gan.
Tuyệt đối không sử dụng aspirin để làm thuốc điều trị tay chân miệng cho trẻ với mục đích hạ sốt, bởi dễ gây nên nguy cơ bị hội chứng Reye rất nguy hiểm cho trẻ.
Dung dịch nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) là dung dịch thường được sử dụng để vệ sinh cho trẻ khi bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, khi sử dụng nước muối để vệ sinh cho trẻ cần phải lưu ý pha chế đúng nồng độ. Bởi nước muối với nồng độ quá thấp sẽ không đem lại tác dụng diệt khuẩn mong muốn, nhưng nếu nồng độ quá cao lại sẽ gây đau đớn cho trẻ khi vệ sinh.
Do đó, nếu không thể pha chế đúng nồng độ nước muối sinh lý để vệ sinh cho trẻ thì cha mẹ có thể sử dụng các dung dịch nước muối sinh lý y tế để đảm bảo chất lượng và nồng độ chính xác nhất.
Mẹ có thể tham khảo thêm Cách vệ sinh nốt phỏng nước ở trẻ bị tay chân miệng.
Như đã nói, bệnh tay chân miệng gây nên bởi nguyên nhân virus (hay gặp nhất là do hai chủng Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71)). Trong khi đó, thuốc kháng sinh lại là nhóm thuốc chỉ có hiệu quả trên tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh làm thuốc điều trị tay chân miệng hoàn toàn không mang lại tác dụng tiêu diệt nguyên nhân gây bệnh, mà chỉ làm gia tăng nguy cơ về các tác dụng phụ của thuốc. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh làm thuốc điều trị tay chân miệng theo chỉ định của bác sĩ khi có các biểu hiện của tình trạng bội nhiễm xảy ra.
Khi trẻ có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh với các nốt phỏng nước xuất hiện trên da, cha mẹ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho trẻ như dung dịch sát khuẩn xanh methylen, các thuốc chống dị ứng kháng histamin,...
Việc tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da làm thuốc điều trị tay chân miệng trước khi cho trẻ đi thăm khám tại cơ sở y tế có thể làm cho các triệu chứng của trẻ bị che lấp bởi tác dụng của thuốc, màu sắc của thuốc,... vì thế gây khó khăn cho bác sĩ khi chẩn đoán bệnh.
Một lưu ý khác cực kỳ quan trọng khi sử dụng các thuốc điều trị tay chân miệng chính là cha mẹ cần tuân thủ thật tốt các chỉ định của bác sĩ. Bởi chúng ta cần nhớ rằng, trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, việc sử dụng thuốc cho trẻ ở các lứa tuổi khác nhau có sự thay đổi rất lớn về liều lượng cũng như chủng loại và các chống chỉ định.
Do đó, cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng cho trẻ để phát huy tối đa hiệu quả điều trị của thuốc và giảm đến mức tối thiểu các tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình của trẻ khi sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng để phát hiện sớm nhất các tác dụng phụ của thuốc nếu chúng xảy ra để có thể xử lý kịp thời.
Qua đây có thể thấy rằng, việc sử dụng các thuốc điều trị tay chân miệng làm sao cho đúng và hiệu quả nhất là điều không hề dễ dàng. Do đó, người bệnh cần tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc sau khi đã thực hiện đầy đủ các thăm khám và chẩn đoán bệnh để được tư vấn đầy đủ nhất.