Bệnh thoát vị đĩa đệm là tình trạng lớp bao xơ bên ngoài của đĩa đệm khi lão hóa hoặc thoái hóa sẽ rách ra, khối nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh gây ra những cơn đau dữ dội. Tùy vị trí cột sống bị thoát vị mà tên gọi của bệnh cũng khác nhau, thông thường có hai dạng chính là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và lưng.
Hầu hết các bệnh nhân bị thoát vị thường bắt đầu với những cơn đau ngắt quãng, thường mức đau sẽ tăng lên khi đứng hoặc ngồi quá lâu.
Tuy nhiên khi nghỉ thì cơn đau lại hết nên bệnh nhân rất hay chủ quan cho rằng đau là do co cơ nên vẫn duy trì thói quen sinh hoạt cũ: hay ngồi lâu, thích chơi môn thể thao vận động mạnh như tennis, bóng đá, cử tạ... làm bệnh càng trầm trọng.
Nhiều trường hợp điều trị thoát vị đĩa đệm với thái độ "chủ quan", không kiên trì chữa dứt điểm, không nắm rõ thoát vị đĩa đệm ăn gì tốt. Ngoài việc luôn duy trì những sinh hoạt không hợp lý cùng với dùng thuốc ngắt quãng gây nên tình trạng "nhờn thuốc" xảy ra phổ biến hơn, các đĩa đệm đã bị thoái hóa thì ngày càng trở nên xơ cứng, giòn đứt, thậm chí vỡ đĩa đệm mất khả năng phục hồi.
Trên thực tế, người ta dùng corticoid điều trị thoát vị đĩa đệm bằng đường uống hoặc tiêm vào ống tủy sống (ngoài màng cứng) hoặc cạnh một dây thần kinh để điều trị các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Việc sử dụng corticoid sẽ giúp làm giảm sưng và viêm ở khu vực quanh đĩa đệm thoát vị, giảm áp lực đè nén lên các rễ thần kinh.
Tiêm corticoid vào khoang ngoài màng cứng hay cạnh dây thần kinh có thể được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng viêm, chèn ép rễ và những bệnh nhân mà các triệu chứng không cải thiện sau vài tuần điều trị bảo tồn. Đôi khi tiêm corticoid còn được chỉ định sớm hơn cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm cấp có các triệu chứng nặng.
Corticoid có thể được sử dụng để trì hoãn hoặc thậm chí thay thế một cuộc phẫu thuật ở những người có triệu chứng nặng do thoát vị đĩa đệm.
Khi sử dụng corticoid điều trị thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ như đau đầu (đôi khi đau nặng nhưng thường hết sau 1-2 ngày), buồn nôn, đau tăng ở lưng và chân.
Ngoài ra, có thể gặp các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm như viêm nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn ở dây thần kinh hoặc tổ chức khác, thoái hóa hoặc tổn thương tổ chức phần mềm do tiêm nhiều lần, tổn thương rễ thần kinh.
Trước khi thực hiện tiêm corticoid điều trị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc điện cơ để tìm vị trí chính xác của đĩa đệm thoát vị và các rễ thần kinh bên cạnh. Một số bác sĩ có thể chỉ định tiêm ngoài màng cứng 2-3 lần, đôi khi chỉ tiêm 1 lần và có thể tiêm nhắc lại nếu xuất hiện mới triệu chứng hoặc nếu mũi tiêm đầu tiên có hiệu quả.
Cần thận trọng khi dùng corticoid đường tiêm hay uống nhắc lại, bởi thuốc có thể gây nên các tác dụng phụ nghiêm trọng. Lưu ý, hiện nay việc tiêm corticoid thường được chỉ định để điều trị các triệu chứng thoát vị đĩa đệm mà không đáp ứng với một vài tuần điều trị bằng các phương pháp khác.
Thoát vị đĩa đệm không phải bệnh nan y, nhưng các biến chứng của nó khá nguy hiểm như mất kiểm soát tiểu tiện, cản trở di chuyển, teo cơ hoặc thậm chí là liệt hoàn toàn, thực sự khiến nhiều người ám ảnh.
Việc sử dụng thuốc đúng, kịp thời sẽ giúp người bệnh giảm cơn đau và có thể sinh hoạt bình thường. Người bệnh cần đi khám và tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không nên tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo mách bảo; kịp thời phát hiện những bất thường (nếu xảy ra) khi dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.