Lạm dụng hay không dùng thuốc đúng cách là nguyên nhân phổ biến dẫn đến kết quả điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kém đi. Trung bình khoảng 40-60% bệnh nhân COPD tuân thủ chế độ điều trị và chỉ 1/10 bệnh nhân thực hiện đúng các thao tác cũng như định lượng thuốc hít.
Việc tuân thủ liều lượng do bác sĩ đề ra là yếu tố quan trọng trong phác đồ điều trị COPD. Vậy nên bác sĩ cần trao đổi các lưu ý khi dùng thuốc điều trị COPD cho bệnh nhân ngay từ khi bắt đầu sử dụng. Ngoài ra, bệnh nhân cần hiểu rõ tác dụng từng loại thuốc để biết rõ được nên dùng loại thuốc nào vào các trường hợp khác nhau của bệnh.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ thường xuyên gặp tình trạng viêm niêm mạc đường thở, gây phù nề và tăng tiết dịch ở đường thở. Các tình trạng này gây khó thở cho người bệnh. Do đó, bác sĩ thường xuyên kê thuốc giãn phế quản và corticoid cho bệnh nhân COPD.
Khi được chẩn đoán mắc COPD và được bác sĩ kê toa thuốc, bệnh nhân cần hỏi rõ các lưu ý khi dùng thuốc điều trị COPD cũng như ghi lại tác dụng cụ thể của từng loại thuốc dưới đây:
Thuốc giãn phế quản: Loại thuốc này thường xuyên được kê cho bệnh nhân COPD, bởi thuốc có tác dụng làm giãn phế quản giúp không khí lưu thông dễ dàng hơn, dùng để hỗ trợ hô hấp khi bệnh nhân khó thở. Thuốc giãn phế quản gồm 2 loại nhóm cường beta 2 và thuốc kháng cholinergic.
Nhóm cường beta 2 có tác dụng nhanh và ngắn, được chỉ định dùng trong các trường hợp khẩn cấp; bao gồm: terbutaline, Salbutamol… Các thuốc bambuterol, indacaterol, salmeterol cũng thuộc nhóm cường beta 2 nhưng có tác dụng chậm và kéo dài dùng trong điều trị COPD ổn định.
Thuốc methylxanthine chủ yếu có dạng uống và tiêm qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được kê chung các nhóm cường beta 2 hoặc kháng cholinergic trong điều trị phối hợp.
Corticoid là các loại thuốc chống viêm, có tác dụng giúp người bệnh hạn chế được tình trạng viêm ở đường hô hấp. Thuốc thường được kê khi bệnh nhân mắc các đợt cấp COPD chứ không khuyến khích dùng thường xuyên. Sau khi tình trạng COPD bùng phát được kiểm soát, nhóm thuốc corticoid thường được chỉ định dừng sử dụng.
Việc hiểu rõ tác dụng của các loại thuốc sẽ giúp bệnh nhân nhận định rõ ràng loại thuốc cần sử dụng khi cần thiết, nhất là đối với người điều trị tại nhà. Tránh các tình trạng sử dụng gấp đôi thuốc khi người bệnh có 2 biệt dược khác nhau cùng tác dụng.
Vấn đề tuân thủ chỉ định của bác sĩ là phần quan trọng nhất trong các lưu ý khi dùng thuốc điều trị COPD.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 210 triệu người mắc COPD và 3 triệu người chết vì COPD vào năm 2005. WHO dự đoán COPD sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên toàn thế giới vào năm 2030. Tổng số ca tử vong do COPD dự kiến sẽ tăng hơn 30% trong 10 năm tới trừ khi các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp được áp dụng.
Mặc dù COPD không thể chữa khỏi, nhưng có nhiều biện pháp trong điều trị giúp kiểm soát triệu chứng và làm giảm sự tiến triển của bệnh. Việc kiểm soát COPD trở nên kém hiệu quả khi các bác sĩ không chỉ định các liệu pháp điều trị thích hợp; hoặc bệnh nhân không tuân thủ các phác đồ điều trị đã chỉ định.
Tuân thủ ở đây được định nghĩa là việc dùng thuốc và tuân theo chế độ ăn kiêng hoặc thực hiện thay đổi lối sống đúng với lời khuyên của chuyên gia y tế. Tuân thủ các thuốc dạng hít là điều tối quan trọng trong việc quản lý bệnh nhân COPD ở cả cơ sở lâm sàng và cấp cứu.
Có 2 kiểu không tuân thủ trị liệu thường gặp ở bệnh nhân COPD là lạm dụng và sử dụng không đúng cách. Việc sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng không đúng liều lượng sẽ gây thiếu hoặc thừa thuốc; cuối cùng dẫn đến không kiểm soát được bệnh hoặc gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Loại không tuân thủ phổ biến nhất ở bệnh nhân COPD là lạm dụng thuốc, dùng nhiều hơn khuyến nghị của chuyên gia y tế. Ngược lại, sử dụng không đúng cách thường xuyên mắc phải ở bệnh nhân trên 65 tuổi khi được chỉ định dùng trên 2 loại thuốc.
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng tránh tình trạng thiếu hoặc thừa thuốc gây nguy hiểm. Nên tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Theo dõi các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc. Nên báo cáo ngay với bác sĩ khi gặp các tác dụng phụ lớn để có phương án điều chỉnh sớm.
- Nên nắm vững kỹ thuật dùng thuốc dạng hít và sử dụng đúng. Việc tuân thủ về liều lượng cần kết hợp với việc dùng đúng kỹ thuật để đưa đủ lượng thuốc cần thiết đến phổi.
- Thường xuyên vệ sinh miệng và họng sau khi dùng các loại thuốc dạng hít để tránh thuốc dư thừa còn đọng lại.
- Nên có nhãn dán đánh dấu công dụng và liều lượng trên các loại thuốc để tránh sự nhầm lẫn.
- Khi đã lỡ sử dụng sai cách hoặc quá liều, nên gọi ngay đến bác sĩ để nhận được tư vấn khắc phục.