Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn để chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng và hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch. Theo đó, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ nước bọt, các nốt phỏng nước, phân của bệnh nhân. Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Ở nước ta, dịch tay chân miệng thường bùng phát vào 2 thời điểm là từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hằng năm.
Hướng dẫn của Bộ Y tế trong chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Bệnh thường có triệu chứng lâm sàn khác nhau tại 4 giai đoạn của bệnh.
- Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 3-7 ngày với ít biểu hiện đặc biệt để chẩn đoán.
- Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như: xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt và phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
Các triệu chứng này thường tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Đồng thời, giai đoạn này bệnh gây sốt nhẹ, nôn.
DIễn biến nhanh của bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Trong giai đoạn này, nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, rối loạn vận động, ngủ li bì, thường xuyên giật mình, hoảng hốt, chới với,... thì có nguy cơ xảy ra biến chứng.
- Giai đoạn lui bệnh thường kéo dài từ 3-5 ngày sau đó trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng bệnh tay chân miệng xảy ra.
Khi có biểu hiện của bệnh, trẻ cần được đưa tới các cơ sở y tế để khám. Sau khi tiến hành các kiểm tra và xét nghiệm, nếu không có gì bất thường, trẻ thường được chỉ định điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà. Khi tiến hành cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà, cần lưu ý những điều dưới đây:
- Trẻ cần được nghỉ ngơi, cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, cơ thể bệnh nhân cũng cần được vệ sinh sạch sẽ ít nhất 1 lần/ngày, vệ sinh răng miệng thường xuyên, tăng cường bổ sung dinh dưỡng bằng các món ăn được nấu ở dạng lỏng, tươi ngon, phù hợp khẩu vị của trẻ.
Điều trị bệnh tay chân miệng độ 1 tại nhà (Ảnh: Internet)
- Trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà, trẻ cần thường xuyên được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi tình trạng sức khỏe (ít nhất 2 ngày/lần). Để hạ sốt, cha mẹ có thể sử dụng paracetamol theo liều lượng phù hợp với cân nặng và lứa tuổi của trẻ, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 giờ. Khi trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để kiểm tra, đề phòng biến chứng.
Cần đưa trẻ nhập viện khi có các biểu hiện bất thường (Ảnh: Internet)
Nếu bệnh trở nặng, trẻ phải được nhập viện để điều trị bệnh tay chân miệng. Để xử lí tình trạng sốt cao liên tục, có thể sử dụng Ibuprofen xen kẽ với Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc Phenobarbital để chống co giật, an thần, gây buồn ngủ.