Với số ca tử vong và lây nhiễm không ngừng tăng trên toàn cầu, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã chứng tỏ nó là một 'kẻ thù' ghê gớm và khiến nhiều người lo lắng. Trong bối cảnh các quốc gia đã xiết chặt việc tự cách ly tại nhà, tại Việt Nam, các hoạt động vui chơi giải trí đã được hạn chế nhằm tránh sự lây lan virus ra cộng đồng.
Khi nói đến chuyện ăn uống giữa thời dịch bệnh, đặc biệt là tại các hàng quán, nhiều người cảm thấy ái ngại và lo lắng. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải ăn ngoài trong một số trường hợp, bạn cần nắm được các phương pháp an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và thể hiện ý thức với cộng đồng.
Không nên thử nghiệm các nhà hàng hay quán ăn mới vì đây là thời điểm nhạy cảm. Bạn không biết chính xác liệu nhà hàng hay quán ăn đó có thực sự sạch sẽ hay không. Hãy đến những quán quen và những nơi áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh.
Tại các nơi công sở, nếu không chuẩn bị cơm mang theo, bạn hãy chọn căng tin hoặc các quán cơm văn phòng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhiều người lo lắng không ăn ngoài và cho rằng phương pháp an toàn nhất là gọi đồ ăn. Tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng.
Hãy thận trọng khi sử đụng các dịch vụ giao hàng tận nơi vì bạn không thể biết được người giao hàng có tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh hay không. Đồng thời cũng rất khó để kiểm chứng quy trình vệ sinh của người bán hàng.
Ngoài ra, theo The Health site, hoạt động giao hàng thường diễn ra tại nhiều địa điểm. Người giao hàng là người tiếp xúc với nhiều người trong một ngày, do vậy rất khó để biết người này có nguy cơ nhiễm bệnh hay không.
Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan qua việc ăn thịt gà, thịt cừu hoặc hải sản. Do vậy việc ăn ít thịt trong mùa dịch không phải là phương pháp an toàn. Việc ăn thiếu chất còn khiến sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện cho virus thâm nhập tốt hơn.
Ngoài các buổi ăn uống tụ tập quy mô nhỏ như gia đình, bạn bè..thì trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt chú ý đến việc tránh tham dự (hoặc có thể không tham dự) các buổi buffet mở.
Virus thâm nhập cơ thể thông qua các giọt bắn trong quá trình ăn uống, nói chuyện. Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, giọt bắn chưa virus có thể bay xa trong không khi 4-5m và tồn tại khoảng 30 phút. Như vậy, ăn buffet hoặc tụ tập ăn uống đông người làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Người mang mầm bệnh có thể lây virus từ đồ ăn, bát đũa, và mức độ phát tán sẽ rất rộng nếu như trong không gian đông người.
Mặc dù ăn uống đông người và ăn tại các quán ăn có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc cấm mọi hoạt động ăn uống bên ngoài. Để hạn chế nguy cơ mắc virus, bạn có thể ăn uống cùng nhau nhưng với các nhóm nhỏ và phải chắc chắn rằng đó là những người quen của bạn- không thuộc diện nhóm mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc covid-19. Ăn cùng với những người xa lạ sẽ khiến bạn khó kiểm soát yếu tố dịch tễ của họ.
Tại Việt Nam: 34 ca nhiễm Covid-19 , 113 ca nghi nhiễm và 24.782 người được cách ly theo dõi sức khoẻ
Theo Bộ Y tế, tính đến 17h ngày 10/3, Việt Nam đã ghi nhận 34 trường hợp nhiễm Covid-19 và 113 ca nghi nhiễm (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) đang được cách ly, tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra, cả nước cũng có 24.782 người đang được theo dõi y tế do tiếp xúc gần hoặc nhập cảnh từ vùng dịch.