Lưu ý cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong mùa dịch COVID-19 tái bùng phát

Lưu ý cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong mùa dịch COVID-19 tái bùng phát
Tính đến ngày 12/8, Việt Nam đã ghi nhận 17 trường hợp mắc covid-19 tử vong. Ngoài mắc COVID-19 thì đa phần những bệnh nhân này đều có tiền sử bệnh nền như suy thận mạn tính, đang chạy thận nhân tạo, đái tháo đường và có thời gian điều trị dài ở Bệnh viện trước khi phát hiện mắc covid-19

Một trường hợp gần đây nhất là Bệnh nhân nam, N.H.L, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 (ngày 27/7/2020).


Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần biết gì trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân lọc máu tại Bệnh viện TWQĐ 108

Trước đó, ngày 23/6/2020, bệnh nhân khó thở được chuyển vào viện Khoa nội - tiết niệu với chẩn đoán suy bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kì 7 năm, tăng huyết áp, gout, rung nhĩ, suy tim, phù phổi cấp.

Bản thân bệnh nhân suy thận phải lọc máu chu kỳ sức đề kháng rất kém, điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch yếu và rất dễ bị tổn thương. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường đi kèm với nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, xơ gan... rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Và trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, đây là nhóm đặc biệt nhạy cảm và tiên lượng xấu nếu như không may nhiễm virus.

Đặc thù của bệnh nhân suy thận là cần đến bệnh viện lọc máu 2-3 lần mỗi tuần. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc đến bệnh viện cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm nếu như bệnh nhân không chủ động bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh.

Bệnh viện là nơi dễ xảy ra lây nhiễm chéo, và thực tế cho thấy đa phần các ổ dịch covid-19 ở Việt Nam hiện đang là các bệnh viện lớn (trước đó là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Thận Hà Nội...)

Mặt khác, trong phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, phòng thường kín và ít lưu thông không khí, do đó, người bệnh rất cần chú ý đảm bảo vệ sinh. Để làm được điều đó bệnh nhân lọc máu chu kỳ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sau:

1. Cần sử dụng xe riêng (xe máy, ô tô riêng của gia đình) khi đến bệnh viện, không nên đi các phương tiện công cộng. Khi ngồi trên xe ô tô phải mở kính xe để không khí thông thoáng.

2. Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại Bệnh viện.

3. Tuyệt đối phải đeo khẩu trang liên tục, nhất là khi vào viện, tiếp xúc với nhiều người trong viện. Bạn không thể biết ai đang mang covid-19 trong cơ thể, tốt nhất là hạn chế nói chuyện, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang liên tục.

Lưu ý cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong mùa dịch COVID-19 tái bùng phát  - Ảnh 2.

4. Cần khai báo y tế và tải ứng dụng Bluezone theo yêu cầu của Chính phủ. Khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, cần báo ngay với cơ sở y tế để được xử lý và cách ly kịp thời.

5. Không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận.

6. Bệnh nhân lọc máu xong về nhà ngay, tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.

7. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lọc máu, tránh uống nước quá nhiều, tránh ăn trái cây có nhiều Kali…

8. Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa; Rửa tay thường xuyên.

9. Giữ liên lạc với nhân viên y tế và các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bạn. Trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn uống và cách phòng bệnh

10. Hạn chế tối đa khám và nhập viện nội trú trong giai đoạn dịch bệnh.

11. Giữ tâm lý thoải mái, nên vận động thể dục thể thao hợp lý. Trong giai đoạn này, người bệnh không nên gặp gỡ nhiều người, tránh lây bệnh từ các nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng.


Tác giả: Anh Dũng