Khi bệnh nhân ung thư xương bước vào giai đoạn cuối, để kéo dài cuộc sống và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, bên cạnh việc thực hiện tích cực các phương pháp điều trị phù hợp việc chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối, người nhà nên lưu ý một số điều sau đây:
Bệnh ung thư xương có tỉ lệ di căn cao và tốc độ di căn nhanh, trong đó phổi là cơ quan thường bị ung thư xương di căn đến nhất. Ung thư xương di căn phổi tạo nên các khối u gây chèn ép khiến bệnh nhân thấy khó thở. Đồng thời, các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị,... khiến sức đề kháng của bệnh nhân giảm sút, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp khiến bệnh nhân khó thở.
Khi bệnh nhân đến giai đoạn cuối, số lượng khối u di căn ngày càng nhiều, sử dụng hóa và xạ trị với tần suất cũng lớn hơn nên khó thở cũng hay xảy ra hơn.
Vì thế, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối người nhà cần lưu ý giúp đỡ bệnh nhân giảm bớt triệu chứng khó thở. Người nhà có thể hướng dẫn và cùng thực hiện các bài tập thở với bệnh nhân, tránh để bệnh nhân hoạt động thể lực nhiều, nhất là những vận động mạnh khiến bệnh nhân có nhu cầu oxi cao hơn khi bệnh nhân đang khó thở, tránh cho bệnh nhân ăn quá no.
Giống với các loại ung thư khác, ung thư xương giai đoạn cuối cũng gây nên những cơn đau cho bệnh nhân, thậm chí những cơn đau do ung thư xương gây nên được đánh giá là dữ dội, khủng khiếp và có thể không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Đau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do sự kích thích thần kinh, sự phá hủy xương, xâm lấn màng xương,...
Vì thế, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương, người nhà cần quan tâm hơn đến các cơn đau của bệnh nhân. Hãy báo cho các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia điều trị khi bệnh nhân quá đau để có các biện pháp xử lí kịp thời.
Chế độ ăn uống cũng là một trong những lưu ý quan trọng đối với người nhà khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối. Bởi những bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối thường không có cảm giác ngon miệng do nhiều nguyên nhân như đau vì khối u, tâm lý lo lắng, tác dụng phụ của điều trị (teo niêm mạc, giảm tiết nước bọt, teo dạ dày, giảm vị giác,...)
Vì thế khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương người nhà cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng cho bệnh nhân và phải kích thích vị giác của bệnh nhân để bệnh nhân có cảm giác muốn ăn uống. Chỉ khi bệnh nhân được dinh dưỡng đầy đủ mới có khả năng thừa nhận các phương pháp trị liệu.
Do đau đớn, mệt mỏi và nhiều nguyên nhân khác nhau nên bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối thường phải nằm nhiều một chỗ. Tuy nhiên, nằm liên tục tại một chỗ lại gây hại rất nhiều do cơ thể bệnh nhân, trong đó hai hậu quả hay gặp nhất là loét do tì đè tại vị trí tiếp xúc với giường và bội nhiễm hệ hô hấp.
Vì thế, người nhà chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối cần lưu ý giúp bệnh nhân xoay trở mình thường xuyên, có thể đỡ bệnh nhân ngồi dậy, xoa bóp vùng lưng cho bệnh nhân, chọn các loại nệm chống loét để bệnh nhân nằm, vỗ rung lưng cho bệnh nhân ở tư thế ngồi,... đều là những phương pháp hiệu quả để giảm tình trạng loét tì đè và bội nhiễm hô hấp cho bệnh nhân.
Trên đây là những điều mà người nhà cần lưu ý để có thể chăm sóc bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối tốt hơn giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống cao hơn.