Lưu ý cách sử dụng 4 dạng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19

Lưu ý cách sử dụng 4 dạng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19
Sốt là phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine Covid-19, trong trường hợp sốt cao thường được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, cần lưu ý một số dạng thuốc hạ sốt và cách dùng, liều lượng riêng biệt cho từng loại và từng thể trạng khác nhau

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp cơ bản để ngăn chặn và đẩy lùi COVID-19 dù không phải là lá chắn tuyệt đối; Bên cạnh hiệu quả miễn dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19 còn là biện pháp giúp hạn chế tình trạng chuyển biến nặng.

Theo Ths.BS. Nguyễn Hồng Hà - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng: “Đối với những người bị sốt sau tiêm vaccine Covid-19 thường là sốt nhẹ và không cần dùng thuốc hạ sốt. Nếu sốt cao trên 38,5 độ thì có thể dùng thuốc hạ sốt, còn sốt liên tục trên 39 độ mà không đáp ứng thuốc thì cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế”.

Tuy nhiên, theo BS Hà, người tiêm vaccine cần thận trọng trước khi uống thuốc hạ sốt, nhiều người chủ quan nhưng không cần tìm hiểu hoặc xin tư vấn bác sĩ. Ngoài ra, người tiêm vaccine không được dùng thuốc chứa corticosteroid (vì làm giảm tác dụng sinh miễn dịch của vaccine trừ trường hợp bị phản vệ nặng).

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Lưu ý trong sử dụng các dạng thuốc hạ sốt dùng sau tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh: Internet

Đọc thêm: 

Lan truyền cách tự chữa Covid-19 trên mạng: GĐ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cảnh báo ngộ độc thuốc hạ sốt   

Tại sao sau khi tiêm vắc xin COVID-19 lần đầu tiên sức khoẻ tinh thần được cải thiện?

Hơn nữa, sau khi tiêm vaccine COVID-19, nếu bạn có dấu hiệu sốt, việc bổ sung nước cho cơ thể là rất quan trọng, Khi uống nước, nên uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống. 

Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp thêm vitamin C, A cần thiết cho cơ thể. 

1. Các dạng thuốc hạ sốt dùng sau tiêm vaccine Covid-19 và lưu ý cách sử dụng

- Thuốc hạ sốt dạng viên nén

Đây là loại thuốc hạ sốt phổ biến tại các quầy thuốc hiện nay, dạng viên nén có độ cứng cao. Người mua không nên tùy tiện bẻ, nghiền hoặc nhai thuốc ở dạng này trừ khi có hướng dẫn chỉ định từ bác sĩ kê đơn, một số loại thuốc có một lớp bao phủ đặc biệt bên ngoài và phải được nuốt toàn bộ. 

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 2.

Thuốc hạ sốt dạng viên nén - Ảnh: Internet

- Thuốc hạ sốt dạng viên sủi

Thuốc hạ sốt dạng viên sủi thường được pha vào nước và có hiệu ứng sủi bọt. Trong thuốc này thường có một loại axit hữu cơ và muối natri bicacbonat để cho viên thuốc phân hủy và hòa tan vào nước. Mỗi viên thường pha với 200ml nước uống và không được nuốt trực tiếp viên thuốc với nước. 

Những loại thuốc dạng sủi này sẽ hấp thụ paracetamol nhanh hơn so với thuốc hạ sốt dạng viên nén hiện nay. 

- Thuốc hạ sốt dạng lỏng

Được bào chế dưới dạng như siro, nước thường dùng cho trẻ em và có thêm hương vị thơm để dễ uống. Mỗi lần lấy ra khỏi chai thường phải đong đếm bằng 1 dụng cụ như thìa, muỗng có đơn vị ml để lấy được liều lượng thuốc dễ dàng. 

- Thuốc hạ sốt dạng hình viên đạn

Thuốc hạ sốt hình viên đạn có tác dụng hạ sốt nhưng không phải sử dụng bằng đường uống, mà được đặt trực tiếp vào phần hậu môn, thường được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, cần cẩn trọng khi sử dụng loại thuốc hạ sốt dạng này. 

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 3.

Thuốc hạ sốt dạng đặt trực tiếp vào phần hậu môn - Ảnh: Internet

Thuốc này có tác dụng hấp thụ nhanh chất paracetamol trực tiếp vào máu, thích hợp cho những người không thể uống thuốc bằng đường miệng hoặc người có vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn…

Lưu ý: thuốc hạ sốt cũng có thể được tìm thấy trong nhiều sản phẩm trị ho, cảm lạnh và cúm. Người bệnh cần đọc nhãn thuốc trước khi sử dụng để tránh trùng lặp điều trị hoặc có thể dùng thuốc quá liều. Nói chung, thuốc hạ sốt cần từ 30 đến 60 phút sau khi dùng để giảm nhiệt độ và cảm giác khó chịu.

2. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Nguyên giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM) lưu ý, thuốc hạ sốt chứa paracetamol có khả năng gây hại cho gan nếu sử dụng quá liều. BS Đức đã từng ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. 

Ngoài ra, aspirin cũng là một loại giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ như tổn hại niêm mạc dạ dày tá tràng, nguy cơ xuất huyết trong rất cao nếu dùng quá liều cho phép. 

Đối với trường hợp phụ nữ mang thai tuy nhiên người suy chức năng gan và thận nặng cần được tư vấn của bác sĩ tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 4.

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc hạ sốt sau tiêm vaccine Covid-19 như mệt mỏi, đi tiểu nhiều, rối loạn tiêu hóa... - Ảnh: Internet

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, khi nhiệt độ cơ thể tăng, mọi người nên uống nhiều nước, các sản phẩm bù điện giải như oresol, cởi bớt quần áo, chườm mát, đồng thời nếu cơ thể có phản ứng bất thường, cần thông báo cho bác sĩ và đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.

3. Những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc hạ sốt hoặc sau khi tiêm vaccine covid-19

Nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu dưới đây sau tiêm vaccine Covid-19, bạn nên liên hệ ngay với đội cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp:  

- Không đáp ứng với thuốc hạ sốt

- Xung quanh vòm miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.

- Bề mặt da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

- Phần cổ họng hoặc yết hầu có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

- Có dấu hiệu khác lạ về thần kinh như triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

- Hệ tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.


Tác giả: Minh Ngọc