Bài viết là phân tích của Lương y Nguyễn Minh Phúc - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu.
Theo Lương y, bất cứ một bài thuốc nào cũng có công năng, liều lượng, khuyến cáo riêng cho từng nhóm đối tượng. Không nên vì nhìn vào những công dụng mà lạm dụng, sử dụng bừa bãi, không đúng gây ra những hệ lụy khó lường cho sức khỏe. Việc sử dụng nước chanh để uống cũng là một ví dụ cho việc đúng người, đúng liều lượng, đúng thể trạng.
Theo nhiều tài liệu cho rằng, vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả như cam, chanh, bưởi, ổi... có thể giúp tăng cường sức đề kháng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Quan điểm này tương đối đúng và có căn cứ khoa học, tuy nhiên, nhiều bài thuốc được truyền tai nhau như: Chanh 2 quả, sả 3 cây, gừng 1 củ, thêm đường hoặc mật ong uống...có thể gây ra những tác động xấu nếu người sử dụng không đúng cách, đặc biệt là với những F0 đang điều trị tại nhà.
Đọc thêm:
- Không phải chanh, đây mới là 4 loại trái cây giàu vitamin C nên có trong gia đình mùa dịch Covid-19
- 3 công thức làm đẹp bằng chanh cho làn da tươi trẻ
Theo Đông y, chanh có tính mát, vị rất chua bởi có chứa hàm lượng vitamin C dồi dào. Chanh có tác dụng tiêu thực, thanh nhiệt, chống viêm, dùng tốt cho những người bị nóng trong, miệng khô, chóng mặt, khó ngủ, tăng huyết áp. Dùng chanh cũng được chỉ định cho những trường hợp bị sốt, đau đầu, cảm cúm, viêm nhiễm.
Theo sách Tuệ Tĩnh có ghi: "Chanh vị chua, tính hàn, không độc, thông kết, tiêu đàm, bớt nôn, giảm khô khát, trừ phong, dạ dày co thắt, trị mụn lở, bướu cổ…". Thậm chí hạt của chanh cũng có tác dụng làm ấm dạ dày, ích can, tiêu thức ăn, tiêu đàm, giảm ho, tăng cường sức đề kháng cho người có thể trạng yếu.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, chanh được biết đến như một loại quả rẻ tiền nhưng dồi dào vitamin C, giàu dưỡng chất, có công dụng tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Theo tính vị của dịch quả chanh vị rất chua, tính hàn, thanh nhiệt, dưỡng âm, dùng thích hợp với người vốn âm hư nội nhiệt hỏa thịnh, người bị COVID-19 biểu hiện nóng sốt, khô khát, ho nhiều dùng nước chanh cũng rất tốt. Nếu trong cơ thể bị viêm sưng, nóng trong, dùng canh cũng giúp ức chế vi khuẩn và virus gây bệnh.
Ngoài ra, theo Lương y, chanh không chỉ lấy nước mà vỏ và hạt chanh cũng thích hợp với những người bị ho nhiều, đầy bụng, chậm tiêu, tức thở, đờm nhiều, đờm loãng.
Chính nhờ những công dụng này mà trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nhiều bài thuốc "mẹo" từ chanh cũng được lan truyền trên mạng xã hội, ngoài việc uống nước chanh thì nhiều người còn khuyên nên nấu với sả để diệt và phòng trừ virus. Điều này một mặt có tác dụng trong việc tăng cường sức đề kháng, mặt khác nếu dùng sai hoặc lạm dụng, hậu quả đến sức khỏe là có.
Tuy nhiên, theo Lương y Nguyễn Minh Phúc, việc lạm dụng chanh để dùng với mục đích tăng cường sức đề kháng có thể gây hại cho người sử dụng. Bởi bất kỳ một vị thuốc nào nếu dùng sai cũng có thể gây ảnh hưởng xấu.
Theo phân tích của Lương y, ông cho rằng, người nên hạn chế dùng chanh là những người có tính hàn, được biểu hiện bằng việc tay chân lạnh, da tái, thở hụt hơi, hơi thở nông, sợ gió, sợ lạnh, người ho có đờm loãng... Những trường hợp này nếu dùng chanh càng khiến cho dương khí giảm, dễ bị hàn, hạ huyết áp, đi ngoài, tiêu chảy...
Những người bị sốt cao ra mồ hôi, chân tay lạnh, hạ huyết áp cũng tuyệt đối không nên dùng chanh, nếu uống nước chanh bệnh càng nặng hơn vì lúc này cần ôn ấm, hạn chế là thoát nhiệt.
Người hư nhược, già yếu xuất huyết nhiều cũng không nên dùng nước chanh. Ngoài ra, chanh cũng không phù hợp với những người bị viêm loét dạ dày, người có đường tiêu hóa kém hoặc người già, trẻ nhỏ. Liều lượng sử dụng chanh hợp lý, không nên dùng thay thế nước lọc. Cụ thể:
Chanh có hàm lượng vitamin C dồi dào, cho nên với người bị bệnh dạ dày dùng chanh có thể làm tăng acid trong dạ dày, nặng thêm tình trạng trào ngược. Chanh cũng là thực phẩm nhiều axit cho nên người bị viêm loét đường tiêu hóa nên tránh sử dụng.
Nếu tiêu chảy do vi khuẩn có thể uống nước chanh vì đặc tính kháng khuẩn trong chanh rất tốt cho việc tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên nếu do hội chứng ruột kích thích, tốt nhất không nên sử dụng chanh, tránh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Người đang đói bụng tuyệt đối không nên ăn hoặc uống đồ chua, có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày. Bụng đói, dạ dày rỗng, lượng acid trong chanh có thể làm ăn mòn dạ dày, gây ra viêm, loét hoặc xuất huyết bao tử với trường hợp bị nặng. Không chỉ chanh mà tất cả những loại hoa quả chua đều nên sử dụng sau bữa ăn khoảng 30 phút.