Mô lưỡi của chúng ta có màu hồng nhạt, nhưng trên thực tế khi tự quan sát trước gương ta thường thấy lưỡi được phủ bởi một lớp màu trắng. Lớp màu trắng che phủ lưỡi này thường là sản phẩm do sự nhiễm trùng, cặn thức ăn, mất nước,... gây nên.
Lưỡi trắng có thể xuất hiện giới hạn tại một khu vực nhất định tạo thành các đốm trắng trên bề mặt lưỡi nhưng cũng có thể che phủ toàn bộ bề mặt lưỡi.
Có khá nhiều các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến lưỡi trắng hình thành và phát triển. Hay gặp nhất trên thực tế là các nguyên nhân như:
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém do lười đánh răng, đánh răng không kỹ, sử dụng niềng răng,... được cho là một trong các nguyên nhân phổ biến hàng đầu khiến lưỡi trắng xảy ra. Khi vệ sinh răng miệng kém, các nhú lưỡi bắt đầu tăng sinh một cách khó kiểm soát khiến chúng nhô cao hơn. Điều này khiến xác vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn,... dễ dàng lắng đọng vào khoảng không gian giữa các nhú lưỡi và tạo nên màu trắng.
- Nhiễm trùng miệng: Một số bệnh lý nhiễm trùng miệng (thường gặp nhất là nấm miệng) cũng là nguyên nhân gây ra lưỡi trắng. Trong các loại nấm gây lưỡi trắng, nấm men Candida là loại nguyên nhân phổ biến hàng đầu. Lưỡi trắng do loại nấm men này gây nên thường được gọi với tên gọi tưa miệng. Tình trạng nhiễm trùng gây nên lưỡi trắng thường dễ gặp hơn ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm do ung thư hoặc nhiễm HIV/AIDS,...
- Bạch cầu: Bạch cầu tập trung trên bề mặt lưỡi cũng có thể gây nên lưỡi trắng. Tình trạng này thường là hậu quả của việc sử dụng thuốc lá và rượu, nhưng nó cũng có thể gây ra do viêm hoặc kích ứng với các thành phần nhân tạo trong khoang miệng chẳng hạn như răng giả.
Bình thường những trường hợp bạch cầu gây ra lưỡi trắng hầu hết đều vô hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp thì nó có thể cảnh báo một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí là ung thư. Do đó, đối với các trường hợp này người bệnh cần được kiểm tra rất kỹ.
- Các tình trạng viêm: Một tình trạng viêm bất kỳ xảy ra trong khoang miệng cũng có thể khiến lưỡi trắng xuất hiện. Trong trường hợp này, lưỡi trắng thường sẽ không xuất hiện một cách đơn độc mà thường xuất hiện kèm theo cùng với các triệu chứng khác như đau, các vết loét,...
- Bệnh giang mai: Bệnh giang mai là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Xoắn khuẩn giang mai khi cư trú tại khoang miệng cũng có thể gây nên triệu chứng lưỡi trắng.
Bên cạnh các nguyên nhân thường thấy như đã kể trên, lưỡi trắng còn có thể gây nên bởi một số nguyên nhân ít gặp hơn như bệnh tiểu đường, ung thư lưỡi, thở bằng miệng, ăn các loại thức ăn quá mịn,...
Nhìn chung, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên lưỡi trắng là gì mà nó sẽ có các đặc điểm biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện đặc trưng của lưỡi trắng theo từng nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như:
- Do nguyên nhân bệnh bạch cầu:
Lưỡi trắng gây nên do bệnh bạch cầu có đặc điểm các mảng trắng xuất hiện ở trong miệng thành từng mảng riêng biệt. Các mảng này không thể mất đi khi cạo. Ngoài xuất hiện trên bề mặt lưỡi, các mảng tránh còn có thể xuất hiện tại các vị trí khác trong khoag miệng như má, môi dưới và lợi,...
- Do nhiễm nấm Candida:
Khi bị lưỡi trắng do nhiễm nấm candida (tưa miệng), thì bệnh nhân có thể biểu hiện bằng các mảng lưỡi trắng có thể lau sạch, cảm giác vị giác ở lưỡi bị giảm do sự che phủ của nấm, người bệnh có cảm giác khó chịu trong miệng,...
- Do viêm:
Thông thường các trường hợp lưỡi trắng do viêm trong miệng có biểu hiện phụ thuộc vào mức độ viêm. Nếu bệnh nhân chỉ bị viêm nhẹ thì ít có biểu hiện khác ngoài lưỡi trắng. Nhưng nếu bệnh nhân bị viêm nặng thì lưỡi trắng thường sẽ xuất hiện cùng với cảm giác đau, nóng, rát trong miệng. Tình trạng này tăng lên khi bệnh nhân cử động miệng hoặc ăn uống.
- Do giang mai: Lưỡi trắng thường xuất hiện sau khoảng từ 10 ngày đến 3 tháng kể từ khi quan hệ tình dục bằng miệng. Ngoài biểu hiện lưỡi trắng, người bệnh còn có thể biểu hiện đau đầu, đau khớp, đau hạch,...
Để chẩn đoán lưỡi trắng, bác sĩ sẽ căn cứ vào sự tổng hợp của nhiều yếu tố bao gồm các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.
- Quan sát: Bác sĩ sẽ quan sát các tính chất của lưỡi trắng bao gồm các tính chất vị trí lưỡi trắng, kích thước lưỡi trắng, có lau sạch được hay không, dày hay mỏng, có đi kèm với các biểu hiện khác hay không,...
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để tìm ra nguyên nhân gây lưỡi trắng. Người ta có thể xác định được kháng thể của cơ thể đối kháng với nguyên nhân gây bệnh (bệnh giang mai), hay các yếu tố thúc đẩy nguy cơ lưỡi trắng xuất hiện như hàm lượng đường trong máu, tình trạng nhiễm HIV/AIDS.
- Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm: Mẫu bệnh phẩm lấy được từ khu vực lưỡi trắng trong khoang miệng của bệnh nhân có thể được soi trên kính hiển vi để tìm được các tác nhân gây lưỡi trắng.
Sự can thiệp để cải thiện tình trạng lưỡi trắng phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên lưỡi trắng là gì. Nếu lưỡi trắng gây nên bởi bệnh bạch cầu hay sự tích tụ vi khuẩn, xác tế bào, mảnh vụn thức ăn,... thì bệnh nhân chỉ cần tăng cường vệ sinh răng miệng đúng cách, ngừng hút thuốc, ngừng sử dụng rượu,... để cải thiện tình trạng này mà không cần sử dụng các phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần thường xuyên thực hiện các kiểm tra đánh giá cần thiết tình trạng lưỡi trắng của bản thân để kiểm soát tốt các nguy cơ bệnh lý, đặc biệt là ung thư.
Đối với các nguyên nhân đặc biệt khác:
- Do bệnh giang mai: Nếu bệnh nhân bị lưỡi trắng do bệnh giang mai thì sẽ được cho sử dụng penicillin một liều duy nhất để tiêu diệt xoắn khuẩn giang mai.
- Do nhiễm nấm miệng candida: Thuốc kháng nấm có thể được sử dụng nếu bệnh nhân bị lưỡi trắng do nhiễm nấm candida. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng viên uống, dạng gel,... Việc điều trị cho bệnh nhân lưỡi trắng do nhiễm nấm có thể kéo dài đến khoảng 2 tuần.
Ngoài việc điều trị lưỡi trắng theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân còn có thể sử dụng một số loại thực phẩm khác nhau để hỗ trợ cho quá trình điều trị hiệu quả hơn.
- Uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước sẽ giúp cuốn trôi các mảnh vụn thức ăn, các mảng bám vi khuẩn,... Điều này cũng sẽ phần nào hạn chế bớt tình trạng hôi miệng ở người bệnh.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ giòn: Những thực phẩm này sẽ khi ăn sẽ ma sát với lưỡi và đóng vai trò như một bàn chải răng từ tự nhiên để giúp làm sạch lưỡi. Táo, ổi, cần tây,... là những loại rau củ mà bạn nên sử dụng nhiều hơn.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm cay.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường.
- Ngưng uống rượu, hút thuốc: Uống rượu và hút thuốc lá có thể khiến tình trạng viêm ở bề mặt lưỡi trở nên nặng hơn và gây nặng hơn tình trạng lưỡi trắng.
Một số biện pháp phòng chống lưỡi trắng mà bạn có thể áp dụng hằng ngày:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng tránh lưỡi trắng. Hãy thực hiện vệ sinh răng miệng bằng các loại bàn chải lông mềm, chải răng đúng kỹ thuật, sử dụng các loại nước súc miệng,... để phòng chống lưỡi trắng hiệu quả hơn.
- Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm tốt: Các loại thực phẩm như rau, củ, hoa quả, nước không chỉ có tác dụng tốt cho bệnh nhân lưỡi trắng mà chúng cũng có hiệu quả giúp phòng tránh lưỡi trắng xảy ra.
- Kiểm tra định kỳ: Dù có vấn đề bất thường nào mà bạn đang cảm thấy hay không thì bạn cũng nên thực hiện kiểm tra định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu sớm nhất đối với tình trạng bệnh của bạn. Ít nhất hãy đảm bảo bản thân được kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
Tuy rằng những biện pháp trên có thể giúp bạn phòng chống phần nào nguy cơ xảy ra lưỡi trắng, nhưng không phải chúng sẽ đảm bảo hoàn toàn bạn không bị lưỡi trắng. Kể cả khi bạn đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống thì lưỡi trắng vẫn có nguy cơ xảy ra. Vì vậy đừng hoang mang và hãy kiên trì thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.
- Lưỡi trắng có nguy hiểm không?
Thông thường, lưỡi trắng không phải là một tình trạng gần như vô hại và không ảnh hưởng lớn đối với người mắc. Nhưng đôi khi nó cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang diễn ra, thậm chí là ung thư lưỡi. Vì vậy khi phát hiện bản thân mắc lưỡi trắng, bệnh nhân không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán sớm nhất vấn đề đang xảy ra.
- Lưỡi trắng có chữa được không?
Lưỡi trắng hoàn toàn có thể được điều trị khỏi nếu xác định được chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này là gì. Phụ thuộc vào các nguyên nhân gây lưỡi trắng khác nhau mà bác sĩ có thể đưa ra các chỉ định khác nhau để điều trị cho người bệnh như sử dụng thuốc kháng nấm, thuốc kháng sinh,...