Lồng ruột là gì? 8 điều cần ghi nhớ về bệnh lồng ruột

Lồng ruột là gì? 8 điều cần ghi nhớ về bệnh lồng ruột
Trong các cấp cứu ngoại khoa phổ biến, bệnh lồng ruột có tỷ lệ mắc phải khá cao, nhất là ở đối tượng trẻ em. Bệnh gây nên bởi một quai ruột này chui vào và lồng vào một quai ruột khác, sự lồng vào nhau của các quai ruột khiến cho các mạch máu cũng bị cản trở lưu thông

Trong các cấp cứu ngoại khoa tại ổ bụng, bệnh lồng ruột là bệnh có tỷ lệ mắc phải khá cao.

Bệnh gây nên bởi một quai ruột này chui vào và lồng vào một quai ruột khác, sự lồng vào nhau của các quai ruột khiến cho các mạch máu cũng bị cản trở lưu thông và thức ăn trong lòng ruột bị ách tắc do vậy làm ruột bị tổn thương và gây tắc ruột.

1. Nguyên nhân gây bệnh lồng ruột là gì?

Có khá nhiều yếu tố khác nhau được cho có thể là nguyên nhân gây lồng ruột, tuy nhiên việc xác định nguyên nhân gây lồng ruột trên lâm sàng là khá khó khăn và phần lớn số ca bệnh lồng ruột không thể xác định được nguyên nhân.

Những nguyên nhân có thể gây nên lồng ruột kể đến như:

- Sự co bóp bất thường ỏ ruột do nhiều nguyên nhân khác nhau như thay đổi chế độ ăn (trẻ bắt dầu ăn dặm, ăn sau khi nhịn đói trong khoảng thời gian dài), rối loạn nhu động ruột và co bóp ruột,...

- Các khối bất thường ở ruột như khối u, túi thừa Merkel, polyp ở ruột,...

long_ruot

Hình ảnh đoạn lồng ruột (Ảnh: Internet)

- Bệnh lý viêm ở đường ruột.

- Sẹo dính ở ổ bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn do chấn thương, phẫu thuật,...

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh lồng ruột?

Trên lý thuyết, bệnh lồng ruột có khả năng xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi và đối tượng khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, có một số nhóm đối tượng được ghi nhận có nguy cơ mắc phải bệnh lồng ruột cao hơn nhiều so với những người khác, bao gồm:

- Trẻ em, nhất là lứa tuổi từ 3-6 tháng.

- Trẻ hoặc người có thể trạng mập, thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người có thể trạng gầy.

- Dị dạng bẩm sinh tại ruột.

- Có tiền sử mắc lồng ruột.

- Người từng phẫu thuật hoặc chấn thương (nhất là chấn thương xuyên thấu) tại ổ bụng.

- Có người thân trực hệ (cha mẹ, anh em ruột).

3. Phân loại bệnh lồng ruột như thế nào?

Để tiện lợi hơn cho chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng và điều trị bệnh lồng ruột,... đã có rất nhiều cách phân loại lồng ruột được đưa ra. Nhưng được sử dụng nhiều nhất để phân loại lồng ruột trên lâm sàng vẫn là phân loại lồng ruột theo vị trí đoạn ruột lồng.

- Lồng ruột non vào ruột non đơn thuần.

- Lồng ruột già vào ruột già đơn thuần.

- Lồng ruột non vào ruột già ở vị trí hồi-manh tràng nhưng không ruột thừa không bị chui vào khối lồng.

- Lồng ruột ở vị trí hồi manh tràng và ruột thừa bị chui vào khối lồng.

- Lồng ruột phức tạp là sự phối hợp của nhiều thể lồng ruột khác nhau.

4. Triệu chứng bệnh lồng ruột là gì?

Chẩn đoán bệnh lồng ruột chính xác nhất và sớm nhất là điều kiện quan trọng để có thể điều trị bệnh kịp thời và tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

4.1. Triệu chứng lâm sàng

4.1.1. Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng cơ năng của bệnh (triệu chứng mà người bệnh cảm nhận được) của bệnh lồng ruột hầu hết đều thể hiện rầm rộ, nhanh chóng. Những triệu chứng cơ năng chính hay gặp bao gồm:

- Đau bụng: Tình trạng đau bụng trên bệnh nhân lồng ruột xuất hiện rất đột ngột, bệnh nhân đau quặn từng cơn theo nhu động của ruột. Giai đoạn đầu, ruột còn hoạt động tốt và khả năng đẩy thức ăn xuống mạnh làm áp suất trong ruột tăng cao nên tăng rất nhiều. Nhưng nếu lồng ruột quá lâu các quai ruột sẽ bị giãn do hơi, dịch,... nên đau có thể giảm ở giai đoạn muộn của bệnh.

Nếu ở trẻ nhỏ, trẻ còn bú thì trẻ sẽ có biểu hiện khóc thét từng cơn, vặn xoắn người, ưỡn người, đạp chân lung tung, bỏ chơi, bỏ bú,... Nếu ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn thì có thể hỏi được tính chất của cơn đau như vị trí đau, thời gian đau, chu kỳ đau,... Thông thường các cơn đau bụng do lồng ruột sẽ kéo dài khoảng 5-15 phút.

- Nôn mửa: Nôn mửa cũng là một triệu chứng thường gặp khi bị lồng ruột, thường là nôn rất nhiều. Tính chất dịch nôn phụ thuộc nhiều vào vị trí lồng ruột và thời gian kéo dài của lồng ruột. Nếu lồng ruột ở vị trí cao thì dịch thường sẽ không có mùi, và thường có màu của thức ăn, nhưng lồng ruột ở vị trí thấp thì dịch nôn có thể có mùi thối như phân.

Dịch nôn của bệnh nhân khi mới bắt đầu khởi phát bệnh sẽ có lẫn thức ăn trong dịch nôn, nhưng khi ở giai đoạn muộn, thì dịch nôn hầu như không có gì khác ngoài dịch như nước. Bệnh nhân bị lồng ruột càng cao thì sẽ nôn càng nhiều và càng dễ nôn hơn, tắc ruột già thường không nôn.

- Chướng bụng: Lồng ruột khiến cho quai ruột bị tắc, tạo điều kiện cho các vi sinh vật trong ruột phát triển thúc đẩy phản ứng lên men và tạo khí trong lòng ruột nên thường làm cho bụng bệnh nhân bị chướng.

- Đại tiện có chứa nhầy, máu: Khi lồng ruột sảy ra quá lâu khiến quá trình tuần hoàn cho ruột bị cản trở thời gian dài nên tổ chức thành ruột bị tổn thương và bong tróc. Vì vậy ở giai đoạn muộn của bệnh, bệnh nhân có thể biểu hiện bằng triệu chứng đại tiện có lẫn nhầy, máu. Đây là tình trạng tiên lượng cho mức độ nặng của bệnh.

- Bí trung đại tiện: Tình trạng tắc ruột do lồng ruột ở bệnh nhân khiến nhu động không thể hoạt động bình thường gây nên tình trạng bí trung đại tiện ở người bệnh. Nhưng nếu, lồng ruột chỉ ở mức độ nhẹ và gây tắc ruột bán phần (tắc ruột không hoàn toàn) thì tình trạng bí trung đại tiện có thể không biểu hiện quá rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn đối với các bệnh lý khác..

4.1.2. Triệu chứng thực thể

- Có khối lồng ruột: Có thể sờ thấy khối bất thường ở bụng, thường nằm ngang, khi ấn vào bệnh nhân sẽ thấy đau, nếu thành bụng của bệnh nhân mỏng, khối lồng ruột có thể in hằn lên thành bụng của bệnh nhân và quan sát thấy được bằng mắt thường.

- Dấu hiệu rắn bò: Nhu động ở trên vị trí lồng ruột có thể tạo nên dấu hiện rắn bò trên thành bụng của bệnh nhân.

- Thăm khám thấy nhầy, máu theo găng: Thăm khám trực tràng cho bệnh nhân lồng ruột ở giai đoạn muộn có thể thấy máu, nhầy theo găng người khác.

- Ở giai đoạn đầu thường ít thấy các biến đổi toàn thân ở bệnh nhân, nhưng nếu bệnh đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể biểu hiện bằng rối loạn nước- điện giải, sốt, các biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc.

Lồng ruột là gì? 8 điều cần ghi nhớ về bệnh lồng ruột - Ảnh 3.

Người bệnh có biểu hiện rối loạn điện giải, nhiễm độc (Ảnh: Internet)

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Để chẩn đoán chính xác lồng ruột thì ngoài dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh, bác sĩ còn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán cho người bệnh. Những xét nghiệm thường dùng trong lồng ruột bao gồm:

- X-quang: Hình ảnh Xquang là một hình ảnh có giá trị trong chẩn đoán lồng ruột. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp Xquang không chuẩn bị, chụp Xquang có bơm thuốc cản quang vào đại tràng, hoặc chụp Xquang có bơm hơi vào đại tràng.

Tùy thuộc kỹ thuật chụp Xquang lồng ruột là gì mà sẽ cho các hình ảnh gợi ý khác nhau như hình ảnh liềm hơi, mức nước hơi, hình đáy chén, càng cua,...

- Siêu âm: Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể thấy được nhiều phản ánh khác nhau về tình trạng lồng ruột của bệnh nhân. Những hình ảnh về hình ảnh khối lồng và vị trí khối lồng được sử dụng để chẩn đoán và hướng dẫn phẫu thuật điều trị cho người bệnh.

- Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng để cho thấy các tính chất rõ ràng hơn của lồng ruột trên người bệnh. Trên phim CT, sẽ có hình ảnh phình ruột trên vị trí lồng và xẹp đoạn ruột ở dưới vị trí lồng.

5. Điều trị lồng ruột như thế nào?

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa, điều trị càng sớm sẽ càng hạn chế các nguy cơ biến chứng xảy ra. Những phương pháp thường được dùng để điều trị lồng ruột ở nước ta hiện nay bao gồm:

- Tháo lồng ruột bằng hơi: Người bệnh sẽ được bơm hơi vào đại tràng để tháo lồng cho bệnh nhân. Tỷ lệ tháo lồng thành công cho bệnh nhân bằng phương pháp bơm hơi đạt khoảng 90% số bệnh nhân. Đây là một phương pháp khá an toàn và được áp dụng rộng rãi hiện nay.

- Tháo lồng ruột bằng nước: Tháo lồng ruột bằng nước được áp dụng không quá phổ biến như tháo lồng bằng hơi. Nước được đưa vào đại tràng để tháo lồng dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

- Phẫu thuật: Đây thường là lựa chọn được sử dụng khi lồng ruột đã tiến triển đến giai đoạn nặng (xảy ra hoại tử), hoặc khi đã điều trị bằng bơm hơi hay bơm nước thất bại. Nhưng việc chăm sóc sau khi cắt đoạn ruột bị lồng khá phức tạp và chăm sóc sau phẫu thuật cũng khó khăn nhiều, dễ gây suy kiệt cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi phẫu thuật lồng ruột, bác sĩ có thể lựa chọn cắt luôn ruột thừa của bệnh nhân (kể cả không có viêm) và khâu manh tràng vào thành bụng đê tránh tắc ruột tái phát.

175291-chung-long-ruot

Lồng ruột trước và sau khi phẫu thuật (Ảnh: Internet)

6. Bệnh lồng ruột có thể gây biến chứng gì?

Lồng ruột nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Những biến chứng thường gặp do lồng ruột kể đến như:

- Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng toàn thân do lồng ruột là một biến chứng khi bệnh ở giai đoạn nặng, không được điều trị tốt, hoặc chăm sóc kém sau điều trị (đặc biệt là sau phẫu thuật).

- Hoại tử ruột: Đây là một trong các biến chứng của bệnh lồng ruột, các tổ chức không được nuôi dưỡng đầy đủ dẫn đến mô bị hoại tử.

- Thủng ruột: Khi tình trạng hoại tử diễn ra nặng nề, toàn bộ các lớp của thành ruột bị hoại tử làm cho bệnh nhân bị thủng ruột. Các chất chứa trong ruột bị thoát vào ổ bụng nên có thể gây viêm phúc mạc.

7. Dinh dưỡng cho bệnh nhân lồng ruột như thế nào?

Không được ăn uống bằng đường miệng là nguyên tắc khi bị lồng ruột. Ăn uống bằng đường miệng có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh, dễ gây biến chứng và tăng nặng thêm các biểu hiện của bệnh.

Khi bệnh nhân được điều trị lồng ruột, trước khi nhu động ruột trở lại bình thường và ống tiêu hóa trở nên thông suốt, thể hiện bằng xì hơi thì bệnh nhân không được ăn uống gì.

Sự dinh dưỡng cho bệnh nhân trong những giai đoạn này được thực hiện thông qua đường tĩnh mạch.

Sau khi bệnh nhân đã có biểu hiện thông suốt đường tiêu hóa, thì có thể thực hiện dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng đường miệng. Những thức ăn sử dụng cần phải là thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng để giúp bệnh nhân bình phục nhanh hơn.

8. Dự phòng bệnh lồng ruột

Cho đến hiện tại, chưa có phương pháp nào được ghi nhận có thể dự phòng được bệnh lồng ruột xảy ra. Nhưng một số biện pháp nhất định được sử dụng để giúp phát hiện và xử lý kịp thời bệnh lồng ruột sẽ giúp phòng tránh các biến chứng của bệnh.

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ để đảm bảo theo dõi tốt sức khỏe.

- Tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ đã đề ra.

- Đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tác giả: QN