Căn bệnh đái tháo đường type 2 đang trở nên khá phổ biến ở trẻ em. Yếu tố đứng sau nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em chính là bệnh béo phì. Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra trên toàn thế giới song song với sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em.
Vào đầu những năm 1990, bệnh đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 3% bệnh đái tháo đường ở Mỹ. Đến năm 2003, đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 20% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.
Trong điều trị đái tháo đường type 2 ở trẻ em, việc điều chỉnh lối sống bao gồm chế độ ăn, hoạt động thể chất đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết trẻ em mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường thừa cân, béo phì, do vậy trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em, giảm cân đóng vai trò quan trọng, giúp kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn.
Thay đổi lối sống để giảm trọng lượng cơ thể nên được bắt đầu ở tất cả các trẻ em bị đái tháo đường type 2.
Cá thể hóa liệu pháp dinh dưỡng có thể có hiệu quả trong việc cải thiện kiểm soát đường huyết. Những mục tiêu cho liệu pháp dinh dưỡng theo hướng dẫn của viện dinh dưỡng và hội đái tháo đường Hoa Kỳ gồm có:
Cải thiện kiểm soát đường huyết bằng cách cân bằng lượng thức ăn đưa vào với hoạt động thể chất. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các bữa ăn nhỏ để tránh nồng độ đường huyết tăng cao sau bữa ăn. Thực hiện một chế độ ăn uống giảm lượng calo nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nhu cầu các dinh dưỡng cho sức khỏe và tăng trưởng bình thường.
Tốt hơn là bố mẹ và trẻ em bị đái tháo đường nên được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng nhi khoa đái tháo đường.
Chuyên viên dinh dưỡng sẽ tư vấn về cách điều chỉnh thói quen và hành vi ăn uống hằng ngày như thế nào để đảm bảo vẫn cung cấp dinh dưỡng đầy đủ trong khi giảm lượng calo ăn vào.
Tham vấn với chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân không đạt được kiểm soát đường huyết tốt trong giai đoạn điều trị ban đầu và đòi hỏi phải điều trị tích cực.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh đái tháo đường type 2 thì mục tiêu tối ưu là giảm từ 7 đến 10% trọng lượng cơ thể theo độ tuổi và giới tính.
Thừa cân, béo phì sẽ gây ra kháng insulin ngoại vi và làm giảm sự hấp thụ glucose qua tác dụng của insulin, do đó, để kiểm soát được đường huyết, cơ thể đòi hỏi tế bào beta vốn đã tăng hoạt động trước đó bài tiết nhiều insulin hơn nữa.
Ở người trưởng thành bị đái tháo đường type 2, giảm cân làm giảm sức đề kháng insulin và cải thiện bài tiết insulin.
Lợi ích tương tự của việc giảm cân cũng được nhìn thấy trong nhóm tuổi trẻ em. Ở trẻ béo phì không mắc đái tháo đường type 2, giảm chỉ số BMI từ 0,5 kg/m2 trở lên dẫn đến những cải thiện về độ nhạy insulin.
Hơn nữa, một nghiên cứu ở trẻ em mắc đái tháo đường type 2 được điều trị với chế độ ăn ít calo trong vòng từ một đến bốn tháng, chỉ số BMI giảm từ 43,5 xuống còn 39,3 kg/m2, hemoglobin A1C (A1C) giảm từ 8,8 xuống 7,4% và các loại thuốc uống không cần phải sử dụng trong 19/20 trường hợp.
Ở trẻ em, quyết định giảm cân hay duy trì cân nặng hiện có cần được đánh giá cẩn thận, phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân ( ví dụ: sự tăng trưởng của người bệnh trong tương lai), mức độ béo phì và bệnh lý kèm theo.
Ở những bệnh nhân vẫn còn đang phát triển, việc duy trì trọng lượng cơ thể sẽ dẫn đến giảm chỉ số BMI. Tuy nhiên, đối với hầu hết thanh thiếu niên mắc đái tháo đường type 2, giảm cân hơn là duy trì cân nặng được chỉ định.
Điều này là do hầu hết thanh thiếu niên mắc bệnh đái tháo đường type 2 đều => 12 tuổi và béo phì nặng, và bệnh lý đái tháo đường type 2 cần điều trị tích cực với giảm cân.
Mặc dù mục tiêu là giảm cân, nhưng cần thận trọng, một cách khôn ngoan là tiếp cận mục tiêu này theo kiểu bậc thang. Với nhiều bệnh nhân và gia đình, có thể mục tiêu ban đầu thích hợp là duy trì cân nặng. Sau khi đạt mục tiêu duy trì cân nặng thành công, sẽ tập trung vào can thiệp, điều chỉnh chế độ ăn uống để làm giảm cân nặng một cách từ từ, đạt được BMI mục tiêu.
Một tỷ lệ giảm 0,5-1 kg mỗi tháng là một mục tiêu hợp lý cho thanh thiếu niên đang phát triển. Thanh thiếu niên đã hoàn thành tuổi dậy thì nên có mục tiêu giảm cân khoảng 0,5-1 kg mỗi tuần, đó là mục tiêu giảm cân tương tự được khuyến cáo cho người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Mặc dù quy định chế độ ăn uống cho bệnh nhân đái tháo đường thường sử dụng bữa ăn theo khẩu phần ăn uống (ví dụ, bệnh nhân nhận được khuyến nghị về số lượng khẩu phần ăn từ các nhóm thực phẩm khác nhau).
Cách tiếp cận này thường làm cho người bệnh khó tuân thủ điều trị được lâu dài. Ngoài ra, bữa ăn theo khẩu phần thường tập trung quá nhiều vào đứa trẻ, đồng thời không kết hợp được với những thay đổi ăn uống hàng ngày trong gia đình.
Do đó để có một chế độ ăn thích hợp cho trẻ béo phì, có hoặc không có đái tháo đường type 2, cần tập trung vào thay đổi dần dần thói quen ăn uống của gia đình và cá nhân để đạt được mục tiêu dài hạn tốt hơn.
Trước khi gặp gỡ chuyên viên tư vấn dinh dưỡng người bệnh và gia đình cân cung câp một số thông tin quan trọng như sở thích về chế độ ăn uống của bệnh nhân và gia đình, các hoạt động thể chất, cũng như các hành vi ít vận động (thời gian sử dụng màn hình tivi, máy tính bảng, điện thoại…), thời gian gia đình và khó khăn tài chính, nền văn hóa và trình độ học vấn.
Sau khi thu thập đủ dữ liệu, các chuyên viên dinh dưỡng có thể bắt đầu đưa ra lời khuyên phù hợp nhất, cá thể hóa giúp trẻ chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Người bệnh sẽ tuân thủ chế độ ăn uống tốt hơn nếu chế độ ăn uống phù hợp với sở thích và thói quen của họ. Nhìn chung trẻ cần:
- Giảm khẩu phần ăn. Thay thế thức ăn giàu carbohydrate bằng trái cây hoặc rau xanh . Sử dụng bảng chỉ số đường huyết để có thể lựa chọn thực phẩm ăn uống có lợi cho kiểm soát đường huyết, duy trì hay giảm cân.
- Giảm hoặc loại bỏ đồ uống có hàm lượng calo cao (ví dụ: nước giải khát, nước trái cây) và thay thế bằng nước hoặc đồ uống không có calo. Giảm tần suất ăn uống bên ngoài và tăng bữa ăn gia đình tại nhà. Đặc biệt, trẻ cần tránh ăn thức ăn nhanh do nguồn thức ăn này có lượng calo cao làm tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Khi xa nhà trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần biết cách lựa chọn thức ăn uống phù hợp, số lượng bữa ăn ( cần có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng).
Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường type 2 và gia đình cần thường xuyên gặp gỡ các chuyên gia dinh dưỡng, thể dục, bác sĩ điều trị một cách định kỳ ít nhất bốn tuần 1 lần để được đánh giá và hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời và duy trì động lực, cũng như củng cố những thay đổi về hành vi ăn uống, tập luyện.
Trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên tham gia các hoạt động thể lực mức độ từ vừa phải đến mạnh mẽ với khoảng thời gian ít nhất một giờ mỗi ngày, với tập thể dục có đối kháng ít nhất ba lần mỗi tuần, và giảm dần các hoạt động không vận động, ví dụ như hạn chế thời gian sử dụng màn hình,trò chơi điện tử và máy tính) đến ít hơn hai giờ mỗi ngày .
Hoạt động thể chất làm giảm lượng đường trong máu. Nếu trẻ đang điều trị insulin, kiểm tra mức độ đường huyết trước khi hoạt động. Có thể cần một bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục để giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu thấp.