Loãng xương là tình trạng xương trở nên mỏng manh và giòn yếu hơn, dẫn đến nguy cơ gãy xương cao hơn. Điều này xảy ra khi tốc độ xương mất các khoáng chất như canxi nhanh hơn tốc độ cơ thể hấp thu để bổ sung cho xương. Mà nguyên nhân chính của việc này là do lão hóa.
Loãng xương ở người cao tuổi là căn bệnh thầm lặng, thường không có triệu chứng rõ ràng và hiếm khi được chuẩn đoán cho đến khi xương bị gãy.
Xương là một hệ thống mô sống và luôn trong tình trạng đổi mới liên tục. Khi chúng ta già đi, quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương mới. Do đó, xương của chúng ta trở nên mỏng hơn, giòn hơn và yếu hơn. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, và ở nam giới có lượng hormone steroid giới tính thấp (như testosterone).
Bệnh loãng xương ở người cao tuổi nguyên phát là tình trạng mất xương do lão hóa hoặc do sự suy giảm của hormone estrogen và testosterone. Mà những hormonen này có vai trò kích thích quá trình tạo xương mới một cách tự nhiên.
Khi phụ nữ khoảng 50 tuổi, nam giới khoảng 60 tuổi, lượng hormone giới tính bắt đầu suy giảm, tốc độ mất xương xảy ra nhanh hơn tốc độ tạo xương mới. Theo thời gian, điều này dẫn đến xương yếu và mỏng hơn. Ở phụ nữ, nguy cơ loãng xương tăng đột ngột kể từ thời kỳ mãn kinh, trùng với sự sụt giảm đáng kể nồng độ estrogen.
Bệnh loãng xương thứ phát xuất hiện do hậu quả của một căn bệnh khác (như bệnh celiac liên quan đến tình trạng cơ thể kém hấp thu canxi), hoặc do hậu quả của thuốc điều trị bệnh khác mang lại.
Ngăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi bao gồm tránh xa rượu bia và thuốc lá, hạn chế cà phê và thực phẩm chứa nhiều muối, tập thể dục thường xuyên, đủ canxi trong chế độ ăn uống (ít nhất ba khẩu phần sữa hoặc tương đương mỗi ngày) và một lượng vitamin D đầy đủ trong máu.
Cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách cung cấp vitamin D hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Nhưng bạn cần hiểu rõ các quy tắc phơi nắng an toàn để giảm nguy cơ ung thư da. Các khuyến nghị tùy theo loại da, mùa trong năm, và nơi bạn sinh sống. Thông thường, mọi người nên phơi nắng từ 6 - 7 phút trước 11h sáng và sau 15h chiều trong mùa hè là đủ. Vào mùa đông, thời gian phơi nắng khuyến khích là 30 phút.
Tập thể dục có tác dụng cải thiện sức mạnh và mật độ xương. Có nhiều bài tập phù hợp và hữu ích giúp ngăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi như chạy bộ, đi bộ đường dài, khiêu vũ, dưỡng sinh,...
Người già có nguy cơ loãng xương rất cao, nên việc cần làm là sàng lọc bệnh loãng xương ở người cao tuổi bằng cách thực hiện các xét nghiệm kiểm tra mật độ xương. Những người cao tuổi nên được khám và xét nghiệm xương định kỳ.
Mặc dù các yếu tố về lối sống như dinh dưỡng và tập thể dục có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng đối với sức khỏe của xương theo thời gian, nhưng nếu một người cao tuổi có các nguy cơ loãng xương và gãy xương, hãy thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc điều trị bệnh xương khớp.
Những loại thuốc này làm chậm tốc độ loãng xương ở người cao tuổi. Nhìn chung, các loại thuốc này giảm một nửa nguy cơ gãy xương và hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp lối sống đơn thuần. Có một số loại thuốc mà bạn có thể xem xét, ví dụ, Estrogen, risedronate hoặc alendronate, raloxifene, calcitonin và hormone tuyến cận giáp.
Bài gốc: http://theconversation.com/why-older-people-get-osteoporosis-and-have-falls-68145