Loãng xương do dùng thuốc: Thận trọng khi sử dụng thuốc corticoid

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Loãng xương do dùng thuốc: Thận trọng khi sử dụng thuốc corticoid
Bên cạnh những nguyên nhân gây loãng xương như ăn uống thiếu chất, uống nhiều nước ngọt có gas, do tuổi cao,... thì còn có nguyên nhân loãng xương do dùng thuốc.

Nguyên nhân gây loãng xương ngoài chế độ ăn uống thiếu canxi, do các thói quen không tốt trong sinh hoạt... thì còn có thể bắt nguồn từ việc lạm dụng một số loại thuốc.

1. Loãng xương do dùng thuốc corticoid

1.1. Tác hại của corticoid với xương

Corticoid có đặc tính kháng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch nên được sử dụng trong các bệnh về xương như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp trong bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim. 

Tuy nhiên, thuốc corticoid có thể gây loãng xương. Corticoid ức chế quá trình tạo xương, biểu hiện ở việc làm giảm bề dày của các bè xương. Bên cạnh đó, nó còn ức chế sự hình thành protein-collagen, gây trở ngại cho sự lắng đọng xương; giảm tái hấp thu canxi phospho ở ống thận, tăng bài tiết chúng ra ngoài; đối kháng với vitamin D, ức chế sự hấp thu và hạ thấp nồng độ canxi máu.

Hơn nữa, nếu sử dụng corticoid liên tục trong vòng 1 năm, mật độ xương sẽ giảm tới 10 - 15%. Mật độ xương giảm sớm chủ yếu ở các vùng xương xốp như xương cột sống, xương sườn và một số vùng xương khác. Khoảng 30 - 50% người dùng hydrocrotisol liều cao về lâu dài sẽ bị tăng thải canxi, dẫn tới loãng xương.

1.2. Điều trị loãng xương do corticoid

- Biphosphonat: làm giảm sự hủy xương và gián tiếp làm tăng mật độ xương. Khi sử dụng biphosphonat trong 12 tháng, mật độ xương tăng lên 2,8% so với nhóm không dùng biphosphonat. Ngoài ra thường dùng biệt dược alendronat 10mg/ngày hoặc 70mg/tuần.

- Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen: đối kháng với estrogen dùng chống ung thư vú, nhưng đồng vận với estrogen tại xương dùng để chống loãng xương. Biệt dược thường dùng raloxifen. Raloxifen làm tăng mật độ xương lên 2,3 - 2,5% ở tất cả các vị trí xương, đặc biệt ở xương sống thắt lưng, hông; làm giảm 30 - 50% tỉ lệ gãy xương cột sống.

- Hormone cận giáp: nếu dùng các loại thuốc kể trên không đáp ứng, bạn có thể dùng hormone cận giáp PTH. Ở ngưỡng sinh lý, PTH giúp việc hấp thu canxi, cùng với vitamin D giữ cho tỉ lệ canxi phospho ổn định, chuyển chúng thành tricanxiphosphat của xương, tăng sự tạo xương do đó làm tăng đáng kể mật độ xương thắt lưng, duy trì mật độ xương háng khi bị loãng xương do corticoid. 

- Vitamin K: Dùng corticoid làm giảm nồng độ osteocalcin, khi đó sử dụng vitamin K sẽ giúp chống giảm nồng độ osteocalcin. Do đó, vitamin K có thể được dùng để điều trị loãng xương do dùng thuốc corticoid và nếu dùng phối hợp với biphosphonat thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

Nhiều nghiên cứu thống kê cho thấy, nhóm phụ nữ ăn rau diếp (có chứa vitamin K1) nhiều lần trong ngày thì tỉ lệ gãy xương hông thấp hơn so với nhóm phụ nữ ăn rau diếp chỉ vài lần trong tuần.

- Canxi, vitamin D: canxi và vitamin D chỉ tác dụng hỗ trợ, không có ý nghĩa điều trị vì không làm tăng sự tạo xương bao nhiêu, không đủ bù đắp sự giảm mật độ xương do dùng corticoid.

1.3. Phòng tránh loãng xương do dùng thuốc corticoid

Để tránh các tác hại cho xương, khi dùng thuốc chống viêm/chống dị ứng, bạn không nên dùng corticoid mà nên dùng các loại thuốc khác. Trường hợp cần phải dùng corticoid thì chỉ dùng liều vừa đủ. Kinh nghiệm lâm sàng với prednisolon cho thấy, dùng liều 5mg là tương đối an toàn, còn dùng liều 10mg dễ xảy ra nguy cơ loãng xương. Thời gian sử dụng không quá 10 ngày.

Đối với điều trị các bệnh tự miễn, phải dùng liều thấp nhất đạt đến hiệu lực. Cùng với đó là dùng từng đợt, mỗi đợt không nên kéo dài quá 3 tháng. Bạn nên chủ động bổ sung canxi và vitamin D ngay khi có ý định dùng corticoid kéo dài. 

2. Loãng xương do dùng thuốc gây rối loạn chuyển hóa canxi

Bên cạnh nguyên nhân loãng xương do dùng thuốc corticoid, có nhiều loại thuốc khác có khả năng làm rối loạn chuyển hóa canxi và gây hại xương bạn nên lưu ý.

2.1. Thuốc chống lao

Các thuốc isoniazid, ripamficin có thể gây tổn hại gan, ức chế sự chuyển hóa vitamin D thành dạng vitamin D hoạt tính, từ đó gây hạ canxi máu, ảnh hưởng không tốt đến xương. Do đó, khi dùng thuốc chống lao lâu dài, bạn phải chủ động bổ sung canxi và vitamin D dạng hoạt tính.

2.2. Thuốc chống động kinh

Một số nghiên cứu đã cho thấy, việc sử dụng các thuốc chống động kinh phenytoin, phenobarbital, primidon carbamaxepin valproat trong vòng hơn 6 tháng sẽ phát sinh sự rối loạn chuyển hóa canxi phospho. Nếu thời gian dùng dài hơn thì rối loạn này càng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến hạ canxi máu gây co rút, còi xương ở trẻ em (khoảng 5 - 10%) và gây loãng xương ở người lớn (1,5%), thậm chí là gãy xương. 

Nguyên nhân là bởi chúng làm cho gan không chuyển hóa vitamin D sang dạng hoạt tính, làm giảm vitamin D hoạt tính trong máu. Vì vậy, khi dùng thuốc chống động kinh lâu dài, bạn phải chủ động bổ sung vitamin D dạng hoạt tính và canxi.

2.3. Thuốc làm tăng acid uric

Các thuốc lợi tiểu như thiazid, furosemid, etacrylic có khả năng gây tăng uric máu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơn gout cấp xuất hiện hoặc làm cho bệnh gout nặng thêm.

2.4. Thuốc chống đông máu heparin

Heparin khi kết hợp với canxi trở thành canxiheparin - một trở ngại cho sự lắng đọng canxi ở xương. Theo đó, canxi máu tăng lên khiến sự hình thành hormone cận giáp giảm. Heparin thông qua sự ức chế enzyme làm giảm sự tạo thành collagen của xương, giảm vitamin D hoạt tính trong máu dẫn đến giảm hấp thu canxi. 

Nếu bạn sử dụng heparin trong thời gian dài, cần bổ sung vitamin D dạng hoạt tính và canxi. Khi đang dùng heparin mà thấy có biểu hiện loãng xương, cần ngừng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.



Tác giả: An Di