Loãng xương cấp độ 2: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Loãng xương cấp độ 2: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Khác với loãng xương cấp độ 1 (loãng xương nguyên phát) xuất phát từ sự mất cân bằng hormon sau thời kỳ mãn kinh, nguyên nhân gốc rễ của loãng xương cấp độ 2 (loãng xương thứ phát) lại là do một số tình trạng bệnh lý khác gây ra.

1. Loãng xương cấp độ 2 là gì?

Loãng xương cấp độ 2 (còn gọi là loãng xương thứ phát) là dạng loãng xương có liên quan tới một số bệnh mãn tính hoặc do sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, chống động kinh, dùng thyroxin quá liều,...

Những đối tượng dễ mắc chứng loãng xương cấp độ 2 là:

- Đàn ông và phụ nữ ở tất cả các độ tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ cao hơn do thực tế họ có khối lượng xương đỉnh thấp hơn và xương yếu hơn so với nam giới.

- Người có tình trạng bệnh lý gây mất xương hoặc tổn thương xương có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cấp độ 2 cao nhất. 

- Người bị mất cân bằng nội tiết tố.

2. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương cấp độ 2

Các yếu tố nguy cơ thường gặp của loãng xương thứ phát bao gồm:

- Tình trạng bệnh lý có thể gây mất xương

- Do di truyền, tiền sử gia đình bị loãng xương

- Yếu tố giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

- Do mất cân bằng nội tiết tố

- Chế độ ăn uống ít canxi

3. Nguyên nhân gây loãng xương cấp độ 2

Loãng xương cấp độ 2 thường do một tình trạng bệnh lý khác dẫn đến hệ quả là làm mất xương hoặc yếu xương như một triệu chứng thứ phát. Các tình trạng bệnh lý phổ biến dẫn đến chứng loãng xương thứ phát có thể bao gồm:

- Suy thận

- Bệnh Cushing (khối u trong tuyến yên dẫn đến mất cân bằng hormon)

- Suy gan

- Rối loạn ăn uống như chán ăn, ăn uống vô độ

- Viêm khớp

- Đa u tủy (khối u trong xương và tủy xương)

- Bệnh bạch cầu (tăng trưởng tế bào bạch cầu không kiểm soát làm tăng khả năng nhiễm trùng của cơ thể)

- Các vấn đề do nội tiết tố như bệnh cường tuyến cận giáp (tăng sản xuất hormon tuyến cận giáp làm tăng tốc độ tái hấp thu xương), bệnh cường giáp (tăng tiết tuyến giáp), bệnh tiểu đường (cơ thể không sản xuất ra insulin một cách thích hợp, dẫn đến tăng lượng đường trong máu và tăng khả năng nhiễm trùng)

Sự giống nhau giữa tất cả các tình trạng bệnh lý này là gây yếu xương.

4. Dấu hiệu và triệu chứng loãng xương cấp độ 2

- Mất cân bằng nội tiết tố

- Khớp yếu

- Bị thương, rạn xương sau một chấn thương nhẹ

- Gãy xương

Trong hầu hết các trường hợp, loãng xương thứ phát không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi một chấn thương như gãy xương xảy ra.

5. Chẩn đoán loãng xương cấp độ 2 như thế nào?

Loãng xương thứ phát thường khó chẩn đoán vì nó không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi một chấn thương xảy ra.

Những người mang một tình trạng bệnh lý thường gây ra chứng loãng xương thứ phát được khuyến khích tiến hành kiểm tra mật độ xương. Kiểm tra mật độ xương có thể được thực hiện thông qua:

- Siêu âm hoặc tia X để chụp ảnh hệ thống xương

- Đo mật độ xương

- Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm máu cũng có thể được yêu cầu để đo nồng độ hormon, nồng độ canxi và vitamin D trong máu.

6. Biến chứng của loãng xương cấp độ 2

Biến chứng phổ biến nhất xảy ra do loãng xương cấp độ 2 là khả năng bị gãy xương do xương yếu hoặc mất xương.

Các biến chứng khác có thể phát sinh do tình trạng bệnh lý chính gây ra chứng loãng xương thứ phát.

7. Điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương cấp độ 2 như thế nào?

Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương cấp độ 2 như:

- Thuốc chống ăn mòn (bisphosphonates, calcitonin, chất điều chế thụ thể estrogen chọn lọc) làm chậm quá trình phân hủy xương bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu canxi.

- Thuốc đồng hóa: loại thuốc tạo xương giúp phục hồi xương và ngăn ngừa gãy xương.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên thay đổi, điều chỉnh chế độ ăn uống hằng ngày sao cho có nhiều vitamin D và canxi. Vitamin D và canxi giúp duy trì xương và tối ưu hóa sự hình thành xương. Trong một số trường hợp, uống bổ sung canxi và vitamin D có thể được bác sĩ chỉ định.

Mặc dù việc điều trị bệnh loãng xương là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải điều trị cả tình trạng bệnh lý chính gây ra loãng xương.

Do loãng xương thứ phát có nguyên nhân bởi một tình trạng bệnh lý khác gây ra nên rất khó để ngăn ngừa bệnh. Mặc dù vậy, điều quan trọng là phải đề phòng bệnh bằng cách duy trì chế độ ăn uống và lối sống/sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Những thói quen này sẽ giúp giữ cho xương chắc khỏe và các chức năng của cơ thể được đảm bảo.

Nguồn dịch: https://www.dovemed.com/diseases-conditions/osteoporosis-secondary-type-ii/


Tác giả: An Di