Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Loạn năng thái dương hàm là bệnh lý khá thường gặp gây đau đớn ở khu vực khớp thái dương hàm. Căn bệnh này thường không gây quá nhiều nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nhưng nó gây ảnh hưởng lớn đến khả năng ăn uống và ngôn ngữ của người bệnh.

1. Loạn năng thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là khớp có chức năng gắn kết xương hàm dưới của con người vào hộp sọ, khớp thái dương hàm hai bên trái và phải đối xứng nhau qua đường giữa. Bình thường, khớp được cố định và hoạt động trơn chu nhờ vào hệ thống các cơ chi phối và hệ thống dây chằng cố định khớp, khiến xương hàm dưới có thể nâng lên hạ xuống để nhai thức ăn và nói.

Loạn năng thái dương hàm là tình trạng bệnh lý thường xảy ra trên thực tế. Biểu hiện chủ quan thường thấy của bệnh là cảm giác đau ở khớp thái dương hàm khi nhai thức ăn, nói chuyện và cử động khớp.

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Loạn năng thái dương hàm là bệnh lý khá thường gặp trên thực tế

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra loạn năng thái dương hàm vẫn chưa thực sự được tìm hiểu rõ trên thực tế. Tuy nhiên, người ta cho rằng sự xuất hiện của loạn năng thái dương hàm có thể liên quan đến sự tổn thương khớp và thành phần quanh khớp. Những nguyên nhân thường gặp hàng đầu kể đến như:

- Chấn thương khớp thái dương hàm do một lực mạnh mẽ tác động.

- Các tình trạng viêm tại khớp thái dương hàm.

- Sự thoái hóa bề mặt, các thành phần của khớp.

- Lạm dụng khớp thái dương hàm quá mức với các động tác như nhai kẹo cao su liên tục, nghiến răng, cắn chỉ,... khiến khớp bị tổn thương.

- Răng khôn mọc lệch, trám răng không đúng kỹ thuật.

- Sự căng thẳng và lo lắng quá mức.

Ngoài ra, người ta còn nhận thấy rằng có một số nguyên nhân khác có thể gây loạn năng thái dương hàm như sử dụng niềng răng, tư thế xấu vùng đầu cổ, mất ngủ,... Nhưng sự liên quan chính xác của chúng với loạn năng thái dương hàm thì vẫn chưa được làm rõ.

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Loạn năng thái dương hàm có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau

* Những đối tượng có nguy cơ cao mắc loạn năng thái dương hàm

Do đặc điểm liên quan đối với sự thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố khác nhau, khiến cho một số nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người bình thường.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:

- Người thường xuyên căng thẳng.

- Người có tư thế xấu vùng đầu cổ do thói quen hoặc do dị dạng.

- Phụ nữ trong độ tuổi từ 18-44 tuổi

- Người có các bệnh viêm khớp mãn tính.

3. Phân loại loạn năng thái dương hàm

Trên thực tế, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì và các đặc điểm tổn thương mà người ta thường chia loạn năng thái dương hàm thành 3 loại chính.

- Thoát vị khớp: Là dạng loạn năng thái dương hàm xảy ra do sự lệch lạc vị trí của các thành phần cấu tạo khớp, sự trượt khỏi ổ khớp của đĩa khớp. Dạng loạn năng thái dương hàm này thường liên quan đến các nguyên nhân như chấn thương, răng khôn mọc lệch,...

- Thoái hóa khớp: Các thành phần của khớp bị thoái hóa dần khiến chức năng khớp thái dương hàm bị thay đổi và rối loạn. Thường có liên quan đến các trường hợp lạm dụng khớp, viêm khớp kéo dài.

- Rối loạn liên quan đến cơ: Loạn năng thái dương hàm xảy ra do sự liên quan đến các cơ chi phối khớp. Dạng loạn năng thái dương hàm này thường liên quan đến tư thế xấu vùng đầu cổ, hoặc do bất thường chức năng cơ,...

4. Triệu chứng của loạn năng thái dương hàm

Loạn năng thái dương hàm có thể được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh kể đến là:

- Đau: Đau là triệu chứng phổ biến và thường gặp nhất ở bệnh nhân loạn năng thái dương hàm. Đau thường có tính chất đau mạnh và dữ dội, xuất hiện ở nhiều hoàn cảnh khác nhau chẳng hạn như khi bệnh nhân ăn, nói chuyện,... Đau có thể xuất hiện ở vùng mặt khu vực tương ứng của khớp, nhưng cung có thể xuất hiện tại các vị trí khác như quanh tai, hoặc lan xuống cổ và vai,...

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Người bệnh thường cảm thấy đau đớn khi bị loạn năng thái dương hàm

- Cứng hàm: Cứng hàm cũng là một triệu chứng điển hình của bệnh. Người bệnh cảm thấy khớp hàm như cứng hơn, khó mở miệng hơn. Đây là triệu chứng đặc biệt, có thể xuất hiện ở cả bệnh uốn ván nên cần phải thăm khám kỹ để chẩn đoán phân biệt với uốn ván. Nếu tình trạng nặng nề, thậm chí khớp hàm của người bệnh có thể bị kẹt hẳn lại ở một vị trí và không thể di chuyển được.

- Tiếng động bất thường khi cử động hàm: Một số tiếng động bất thường có thể bị bệnh nhân cảm thấy khi nhai thức ăn, nói chuyện,... Sự xuất hiện của các âm thanh này có thể kèm theo biểu hiện đau đớn nhưng đôi khi nó cũng có thể xuất hiện đơn độc.

- Thay đổi cảm giác hàm trên - hàm dưới: Người bệnh cũng có thể cảm thấy hàm trên và hàm dưới dường như bị lệch đi, không còn khớp với nhau nữa khi nhai, hoặc cắn hai hàm lại với nhau.

- Sưng mặt: Vùng mặt tương ứng với khớp thái dương hàm có thể bị sưng lên khi loạn năng thái dương hàm xảy ra.

Các triệu chứng của loạn năng thái dương hàm có thể chỉ xuất hiện tạm thời trong một thời gian sau đó mất đi nhưng cũng có thể kéo dài liên tục trong một thời gian dài.

5. Điều trị loạn năng thái dương hàm như thế nào?

Dựa trên tình trạng bệnh cụ thể của người bệnh, mức độ biểu hiện bệnh và loại nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà từ đó bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp nhất.

5.1. Điều trị không sử dụng thuốc

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 4.

Chườm nóng, chườm lạnh có thể giúp giảm đau cho bệnh nhân loạn năng thái dương hàm

Một số phương pháp điều trị không sử dụng thuốc, không can thiệp có thể giúp bệnh nhân cải thiện phần nào các triệu chứng của bệnh.

Những phương pháp điều trị không sử dụng thuốc mà bệnh nhân có thể tự sử dụng tại nhà kể đến như sử dụng các phương pháp giảm đau vật lý (chườm nóng, chườm lạnh), tránh cử động hàm mạnh, sử dụng các loại thức ăn mềm dễ ăn, sửa đổi các thói quen xấu (cắn răng, nghiến răng), các kỹ thuật massage thư giãn,...

5.2. Điều trị sử dụng thuốc

Những phương pháp điều trị bảo tồn sử dụng thuốc trên bệnh nhân có thể là lựa chọn đầu tiên mà bệnh nhân có thể thử trước khi đi đến các phương pháp điều trị khác.

- Thuốc: Các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc khác nhau để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Những nhóm thuốc chính thường được sử dụng cho bệnh nhân loạn năng thái dương hàm bao gồm thuốc kháng viêm giảm đau NSAIDs, các loại thuốc chống lo âu và căng thẳng, các loại thuốc giãn cơ,...

- Điều chỉnh răng: Nếu bệnh nhân có các vấn đề về răng, mặt cắn của răng,... thì nha sĩ sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh lại các vấn đề này giúp hàm trên và hàm dưới của bệnh nhân khít hoàn toàn với nhau khi khép hàm.

- Sử dụng đĩa cắn: Đĩa cắn có thể là lựa chọn sử dụng nếu bệnh nhân thường xuyên nghiến răng. Tùy thuộc vào tình trạng nghiến răng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn loại đĩa cắn thích hợp cho bệnh nhân sử dụng.

Bên cánh các phương pháp điều trị bảo tồn như đã nói trên, người bệnh còn có thể được sử dụng một số các phương pháp khác như kích thích dây thần kinh qua da, sử dụng sóng siêu âm, sóng điện từ, tiêm trực tiếp thuốc giảm đau,...

5.3. Phẫu thuật

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 5.

Phẫu thuật điều trị loạn năng thái dương hàm

Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn bệnh nhân không thể đem đến được hiệu quả như mong muốn, hoặc tình trạng bệnh của bệnh nhân quá nặng nề thì phẫu thuật có thể được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân.

- Thoái hóa khớp: Nếu bệnh nhân bị thoái hóa khớp, bác sĩ phẫu thuật sẽ làm sạch khớp bằng cách đưa cây kim vào khớp và bơm rửa bằng chất dịch vô khuẩn. Các mô bám dính sẽ được loại bỏ và khớp sẽ được cố định bằng các dụng cụ chuyên dụng.

- Nội soi khớp: Phẫu thuật nội soi giúp giảm tổn thương do phẫu thuật xảy ra do đó bệnh nhân nhanh bình phục hơn. Thông qua camera được gắn ở đầu thiết bị nội soi mà bác sĩ có thể quan sát trực tiếp các tổn thương, loại bỏ các mô tổn thương và bất thường, điều chỉnh lại khớp,...

- Phẫu thuật mở khớp: Đối với các tình trạng nặng mà không thể giải quyết được bằng các phương pháp phẫu thuật khác như nội soi thì phẫu thuật mở khớp sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, do diện tổn thương lớn nên phẫu thuật mở khớp chỉ được chỉ định cuối cùng để điều trị cho bệnh nhân.

6. Dinh dưỡng cho bệnh nhân

6.1. Thực phẩm tốt

Các loại thực phẩm như thịt đỏ, chất béo (hạn chế sử dụng các loại chất béo bão hòa), nước hầm xương khớp động vật, các loại thực phẩm giàu magie,... là những loại thực phẩm tốt cho người bị loạn năng thái dương hàm.

Những loại thực phẩm trong khẩu phần của người bệnh nên được làm chế biến mềm để dễ ăn, làm nhỏ thức ăn để tránh phải mở rộng miệng,...Những điều này sẽ giúp quá trình ăn uống dễ dàng hơn và giảm đau cho bệnh nhân.

6.2. Thực phẩm nên kiêng

Các loại thực phẩm giàu sailycilate có thể khiến tình trạng loạn năng thái dương hàm của bệnh nhân trở nên nặng nề hơn. Các loại thực phẩm giàu sailycilate phổ biến mà bệnh nhân nên tránh là mứt, thạch, trái cây, ớt, củ cải, hạt dẻ,... Ngoài ra, bệnh nhân loạn năng thái dương hàm cũng được khuyên nên hạn chế sử dụng lúa mì, sữa, thực phẩm lên men, vitamin C để giúp bệnh nhanh bình phục hơn.

7. Phòng tránh loạn năng thái dương hàm như thế nào

Không có phương pháp nào để ngăn chặn hoàn toàn loạn năng thái dương hàm xảy ra, tuy nhiên một số biện pháp nhất định có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc loạn năng thái dương hàm.

- Hạn chế căng thẳng và lo âu xảy ra, thay vào đó hãy giữ cho tinh thần luôn thoải mái.

- Hạn chế các hành động gây ảnh hưởng xấu, dễ gây loạn năng thái dương hàm như nghiến răng, nhai kẹo cao su quá nhiều.

- Sử dụng các loại thuốc giãn cơ nếu cần thiết dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Luyện tập thể dục, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Cân chỉnh lại các răng bị lệch nếu có.

- Nhai thức ăn bằng cả hai bên hàm.

Loạn năng thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 6.

Cân chỉnh lại răng lệch bằng niềng răng giúp phòng tránh loạn năng thái dương hàm

8. Một số câu hỏi thường gặp

- Loạn năng thái dương hàm có nguy hiểm không?

Loạn năng thái dương hàm là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng nó gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Lúc ban đầu bệnh không có quá nhiều biểu hiện rõ rệt nên thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi bệnh nặng có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau như ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, ngôn ngữ, dính khớp,...

- Loạn năng thái dương hàm có chữa khỏi được không?

Việc chữa khỏi loạn năng thái dương hàm được hay không phụ thuộc nhiều vào thể bệnh, nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Rất nhiều bệnh nhân loạn năng thái dương hàm có thể được điều trị thành công chỉ nhờ vào thay đổi lối sống mà không cần các can thiệp khác. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng, bệnh nhân có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để điều trị khỏi bệnh.

- Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán loạn năng thái dương hàm?

Ngoài việc thực hiện các thăm khám và khai thác bệnh sử từ bệnh nhân, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán loạn năng thái dương hàm. Những xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh X-Quang, Ct-Scan, MRI, quét rung động khớp,...

Tác giả: QN