Miso là một loại đậu lên men giàu chất dinh dưỡng. Tương miso có thể được trộn vào nước sốt, nước chấm nhưng thường được dùng để nấu súp. Súp miso theo truyền thống được làm bằng cách đun nóng và trộn tương miso, dashi và các thành phần như rau, đậu phụ và rong biển. Đây là món ăn ưa thích của người Nhật cũng như bí quyết chăm sóc sức khoẻ của họ.
Giá trị dinh dưỡng của súp miso tuỳ thuộc vào các thành phần trong súp. Trong 240g súp miso có chứa tương miso, đậu phụ, nước dùng từ thịt gà, rong biển hoặc tảo bẹ, nấm, cá tuyết muối và dầu thực vật chứa những thành phần sau:
- Lượng calo: 76,8
- Tổng lượng chất béo: 3,74 gam
- Cholesterol: 9,6 miligam
- Natri: 1.470 miligam
- Tổng lượng carbohydrate: 5,45 gam
- Chất xơ: 0,96 gram
- Đường: 1,99 gam
- Protein: 6 gram
Đọc thêm:
+ Súp gà tốt cho sức khoẻ khi trở trời nhưng nhóm người này nên thận trọng khi ăn
+ 8 lợi ích sức khoẻ của lá nguyệt quế - loại gia vị thường được sử dụng để nấu súp, phở
Một nguyên liệu chính và không thể thiếu trong loại súp này là miso, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về thông tin dinh dưỡng của loại tương này.
Giá trị dinh dưỡng của tương Miso
Miso chứa một lượng lớn vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi. Trong 28 gram miso cung cấp:
- Lượng calo: 56
- Carb: 7 gam
- Chất béo: 2 gram
- Chất đạm: 3 gram
- Natri: 43% RDI
- Mangan: 12% RDI
- Vitamin K: 10% RDI
- Đồng: 6% RDI
- Kẽm: 5% RDI
Loại tương này chứa một lượng nhỏ vitamin B, canxi, sắt, magie, selen và phốt pho, đồng thời là nguồn cung cấp choline.
Quá trình lên men cũng thúc đẩy sự phát triển của men vi sinh, vi khuẩn có lợi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. A. oryzae là chủng vi khuẩn có lợi chính được tìm thấy trong miso.
Dưới đây là những lợi ích nổi bật của súp miso đối với sức khoẻ:
- Tốt cho hệ tiêu hoá
Súp miso chứa prebiotic và probiotic, có thể góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột. Đặc biệt, súp miso chứa prebiotic A. oryzae - lợi khuẩn được phát hiện trong tương miso. Trong các nghiên cứu trên chuột, A. oryzae đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ viêm đại tràng và giúp giảm các triệu chứng bệnh viêm ruột (IBD).
Ngoài ra, một nghiên cứu về thói quen ăn uống tự báo cáo của người dân Nhật Bản cho thấy những người thường xuyên ăn súp miso có mức độ mắc các vấn đề về tiêu hóa thấp hơn, bao gồm chứng khó tiêu và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Một nghiên cứu khác phát hiện những người ở độ tuổi 60 trở lên ăn súp miso mỗi ngày ít gặp vấn đề về dạ dày hơn.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Isoflavone có trong đậu nành - được dùng để làm miso và đậu phụ trong món canh miso có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Một nghiên cứu cho thấy mức độ cao hơn của các isoflavone này tương quan với nguy cơ đột quỵ và đau tim thấp hơn ở một số phụ nữ Nhật Bản.
Ngoài ra, đậu nành chứa các thành phần thực vật có lợi bao gồm lecithin, isoflavone, stigmasterol và peptide protein đậu nành. Những thành phần này có thể giúp cải thiện lipid trong máu, giảm cholesterol và triglyceride trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, tương miso có hàm lượng muối cao nên có thể làm giảm các lợi ích của súp miso do đậ nành mang lại. Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch.
- Có thể giảm nguy cơ ung thư
Súp miso được cho là có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Mặc dù có hàm lượng muối cao nhưng miso dường như không làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao khác. Điều này có thể là do các hợp chất có lợi có trong đậu nành, có khả năng chống lại tác dụng thúc đẩy ung thư của muối.
Ở người, các nghiên cứu còn báo cáo rằng tiêu thụ miso thường xuyên có thể làm giảm 50–54% nguy cơ ung thư gan và vú.
Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn, vì một số nghiên cứu lại cho thấy việc tiêu thụ miso thường xuyên có liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao ở nam giới Nhật Bản.
- Giúp giảm các triệu chứng mãn kinh
Isoflavone trong đậu nành cũng cung cấp một loạt các lợi ích sức khỏe, bao gồm làm giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, isoflavone có thể cải thiện sức khỏe động mạch ở những phụ nữ đang trong thời kì mãn kinh.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch
Men vi sinh trong miso có thể giúp tăng cường hệ thực vật đường ruột của bạn, từ đó tăng cường khả năng miễn dịch và giảm sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Hơn nữa, chế độ ăn giàu men vi sinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp bạn phục hồi nhanh hơn sau các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường.
Ngoài ra, thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu men vi sinh như miso có thể làm giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng tới 33%.
Mặc dù súp miso là một loại thực phẩm bổ dưỡng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng loại súp này cũng có một số nhược điểm nên lưu ý.
- Hàm lượng natri trong miso cao
Một thìa miso cung cấp gần 1/3 lượng natri khuyến nghị hàng ngày của bạn. Ăn quá nhiều natri có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.
Đối với sức khỏe tổng thể, người lớn không nên tiêu thụ quá 2.300 miligam natri mỗi ngày. Nếu bạn có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như tăng huyết áp và bệnh tim, bạn có thể cần tiêu thụ ít natri hơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh lượng natri trong súp miso bằng cách cho một lượng vừa tương miso và tránh nêm thêm muối.
- Có thể gây dị ứng
Miso được làm từ đậu nành, mà đậu nành có thể gây dị ứng ở một số người. Các triệu chứng dị ứng đậu nành bao gồm nôn mửa, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy và trong trường hợp nghiêm trọng là sốc phản vệ.
- Có thể ảnh hưởng đến thuốc tuyến giáp
Các sản phẩm từ đậu nành, như súp miso, có thể khiến cơ thể khó hấp thụ thuốc tuyến giáp hơn. Do vậy, khi đang sử dụng thuốc tuyến giáp, bạn nên hạn chế ăn các món được chế biến từ đậu nành.
- Có thể gây dị ứng hải sản
Một số loại súp miso truyền thống của Nhật Bản được làm bằng nước dashi hoặc nước dùng cá hoặc bonito hoặc các loại cá khô khác. Nếu bạn bị dị ứng hải sản, nên tránh các loại súp miso có chứa hải sản.
- Có thể gây dị ứng gluten
Tình trạng này không phổ biến vì thành phần chính trong súp miso không chứa gluten. Tuy nhiên, một số loại miso sử dụng koji (nấm men) làm từ lúa mạch. Và một số loại súp miso đóng gói cũng có thể chứa gluten lúa mì để tạo độ đặc.
Nếu bạn bị bệnh Celiac, một bệnh tự miễn do ăn gluten hoặc nhạy cảm với gluten nên chú ý và không lựa chọn những loại miso này.
Bạn có thể dễ dàng nấu một nồi súp miso ngon và bổ dưỡng theo công thức dưới đây:
- Nguyên liệu làm súp miso
+ Miso
+ Đậu hũ
+ Rong biển
+ Hành lá
+ Nấm hương tươi hoặc khô
+ Nước dùng Dashi, theo truyền thống được làm từ kombu (tảo bẹ khô) và cá ngừ hoặc các loại cá muối khác. Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, bạn có thể sử dụng nước dùng chỉ có tảo bẹ kombu hoặc cũng có thể sử dụng nấm khô thay cho cá ngừ.
- Cách thực hiện
+ Đầu tiên, nấu nước dùng dashi: Cho 28g tảo bẹ khô vào 6 cốc nước, đun sôi hỗn hợp trên lửa lớn.
+ Sau đó nhấc chảo ra khỏi bếp và thêm 1 cốc vảy cá ngừ. Nếu bạn bị dị ứng với cá, bạn có thể bỏ qua vảy cá ngừ. Để hỗn hợp trong 4 phút, sau đó dùng rây lọc mịn để lọc súp.
+ Trong một cái bát nhỏ, cho 1/4 cốc tương miso với 1/2 cốc nước dùng dashi hoặc kombu, khuấy đều cho đến khi mịn.
+ Đổ phần nước dùng dashi hoặc tảo bẹ khô còn lại vào nồi đun trên lửa vừa cho đến khi nóng.
+ Thêm đậu phụ vào, đun nhỏ lửa trong 1 phút.
+ Nhấc ra khỏi bếp và khuấy đều hỗn hợp miso.
+ Rắc hành lá lên trên và có thể thưởng thức.
Nguồn tham khảo:
1. Miso Soup: Is It Good for You?
2. Why Miso Is Incredibly Healthy