Nấm bào ngư hay còn gọi là nấm sò, nấm dai, nấm trắng thuộc họ Pleurotaceae. Nấm bào ngư có giá trị dinh dưỡng cao và có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Vậy tác dụng của nấm bào ngư là gì?
Nấm bào ngư chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Loại nấm này cũng ít carbohydrate, vì vậy đây là lựa chọn tốt cho những người theo chế độ ăn ít carbohydrate.
Theo Healthline, trong 86 gram nấm bào ngư sống có chứa:
- Lượng calo: 28
- Carbs: 5 gram
- Protein: 3 gram
- Chất béo: <1 gram
- Chất xơ: 2 gram
- Niacin (vitamin B3): 27% Giá trị hàng ngày (DV)
- Axit pantothenic (vitamin B5): 22% DV - Folate: 8% DV
- Choline: 8% DV
- Kali: 8% DV
- Sắt: 6% DV
- Phốt pho: 8% DV
- Kẽm: 6% DV
Nấm cũng chứa một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng khác, bao gồm vitamin D và selen.
* DV: Giá trị dinh dưỡng hàng ngày
Đọc thêm:
- Loại nấm dược liệu bổ ngang như nấm linh chi, bổ trợ tốt cho người bệnh ung thư
- Loại nấm có mũ mọc sợi như tóc, là dược liệu quý cực tốt cho sức khỏe
Nhờ có chứa nhiều dưỡng chất có lợi, nấm bào ngư có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Dưới đây là tác dụng của nấm bào ngư, theo Healthline:
Nấm bào ngư có thể cải thiện và duy trì sức khỏe tim mạch tốt bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol cao và huyết áp cao.
Nấm bào ngư đặc biệt có nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe tim mạch, bao gồm chất xơ gọi là beta-glucan. Beta-glucan được lên men bởi vi khuẩn đường ruột để sản xuất axit béo chuỗi ngắn có thể giúp giảm sản xuất cholesterol trong cơ thể. Nấm bào ngư cung cấp lượng beta-glucan gấp đôi so với nấm mỡ.
Hơn nữa, theo một nghiên cứu năm 2020, nấm bào ngư giúp hạ đường huyết, triglyceride, huyết áp và mức insulin, tất cả đều có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tác dụng của nấm bào ngư có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu trên 22 người mắc và không mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy việc sử dụng nấm bào ngư dạng bột làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Các tác giả suy đoán rằng nấm làm tăng lượng đường sử dụng trong các mô cơ thể đồng thời ức chế một số protein làm tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, một đánh giá năm 2020 cho rằng những tác dụng hạ đường huyết tiềm tàng này có thể là do nồng độ beta-glucan cao trong nấm, vì loại chất xơ này làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate.
Nấm bào ngư có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn theo nhiều cách.
Pleuran - một loại sợi beta-glucan có nguồn gốc từ nấm bào ngư đã được chứng minh là có đặc tính điều hòa miễn dịch. Thêm vào đó, nấm có thể có tác dụng kháng vi-rút và kháng khuẩn.
Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 41 người cho thấy rằng so với giả dược, việc bổ sung chiết xuất nấm bào ngư hàng ngày giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách kích hoạt interferon-γ (IFN-γ), một phân tử đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại nhiễm trùng
Về tác dụng của nấm bào ngư, tác dụng nổi bật tiếp theo của loại nấm này là giàu chất chống oxy hoá giảm tổn thương tế bào trong cơ thể và có thể phòng ngừa được nhiều bệnh tật.
Ví dụ, 7 hợp chất phenolic đã được phát hiện trong chiết xuất nấm bào ngư, bao gồm axit gallic, axit chlorogenic và naringenin - tất cả đều hoạt động như chất chống oxy hóa trong cơ thể. Loại nấm này cũng chứa axit amin ergothioneine, có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Các chất chống oxy hoá có thể phòng ngừa bệnh tim, giảm viêm, giảm tổn thương gan do hóa chất độc hại gây ra, giảm nguy cơ ung thư hoặc tiểu đường loại 2.
Ngoài những tác dụng của nấm bào ngư đã được liệt kê ở trên, nghiên cứu cho thấy nấm bào ngư có thể thúc đẩy sức khỏe theo những cách khác:
+ Ngăn chặn sự phát triển của ung thư: Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao cũng như đặc tính chống viêm, nấm bào ngư có thể giúp ức chế sự phát triển của một số loại ung thư.
+ Tốt cho sức khoẻ đường ruột: Một nghiên cứu trên động vật gặm nhấm năm 2021 phát hiện ra rằng việc bổ sung nấm bào ngư vào chế độ ăn của chuột béo phì làm giảm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn có lợi trong ruột của chúng.
Nấm bào ngư có độc không? là băn khoăn của nhiều người. Mặc dù có một số tác dụng phụ nhưng nấm bào ngư không hề có độc. Theo Medicinenet, nấm bào ngư có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Có thể gây ra phản ứng dị ứng: Trong một số trường hợp hiếm hoi, mọi người có thể bị dị ứng với nấm. Họ có thể bị ớn lạnh, sốt, đau khớp và phát ban trên da sau khi tiếp xúc với những loại nấm.
- Có thể gây ra các vấn đề về dạ dày nếu ăn quá nhiều: Ăn quá nhiều nấm bào ngư có thể gây đau bụng, buồn nôn, đầy hơi.
Lưu ý, nấm bào ngư có thời hạn sử dụng là 7-8 ngày và sau thời gian này, bạn không nên ăn.
Nấm bào ngư có thể chế biến thành rất nhiều món ăn bổ dưỡng. Nhưng nấm bào ngư có kỵ với gì không?
Theo Y học cổ truyền, nấm là loại thực phẩm có tính mát và vị ngọt. Việc kết hợp nấm với các loại thực phẩm có tính hàn có thể gây ra tình trạng lạnh bụng, khó tiêu và tiêu chảy. Do vậy, bạn nên tránh chế biến nấm với những thực phẩm có tính hàn.
Dưới đây là một số công thức chế biến nấm bào ngư ngon, bổ dưỡng
Chuẩn bị nguyên liệu: Nấm bào ngư tươi: 200g. Thịt heo xay hoặc thịt gà: 100g. Hành lá, ngò gai (hoặc rau mùi). Gia vị: Muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, nước mắm.
Chế biến:
+ Nấm bào ngư rửa sạch, cắt bỏ phần đất, để ráo nước.
+ Hành lá, ngò gai rửa sạch, cắt nhỏ.
+ Đun sôi khoảng 1 lít nước trong nồi, sau đó cho thịt đã chuẩn bị vào nấu chín.
+ Khi thịt đã chín, cho nấm bào ngư vào nồi, đun sôi.
+ Nêm gia vị với muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, và nước mắm theo khẩu vị.
+ Cuối cùng, tắt bếp và cho hành lá, ngò gai vào, khuấy đều.
Chuẩn bị nguyên liệu: Nấm bào ngư tươi: 200g. Trứng gà: 3 - 4 quả. Hành lá, tỏi băm. Gia vị: Muối, hạt nêm, tiêu, dầu ăn.
Chế biến:
+ Nấm bào ngư rửa sạch, cắt bỏ phần đất, để ráo nước và cắt thành miếng vừa ăn.
+ Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ. Tỏi băm nhỏ.
+ Đánh đều trứng trong một bát, thêm chút muối và tiêu.
+ Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, phi tỏi băm cho thơm.
+ Cho nấm bào ngư vào xào đến khi nấm chín và hơi se lại.
+ Đổ hỗn hợp trứng đã đánh vào chảo, đợi trứng hơi đông lại thì nhẹ nhàng đảo đều để trứng và nấm quện lại với nhau.
+ Nêm gia vị với muối và hạt nêm cho vừa ăn.
+ Khi trứng đã chín tới, rắc hành lá cắt nhỏ lên trên.
Trên đây là những tác dụng của nấm bào ngư và những giải đáp cho vấn đề: "nấm bào ngư có độc không?", "nấm bào ngư kỵ gì?". Nấm bào ngư hầu như an toàn đối với mọi người nhưng nếu có dấu hiệu bất thường gì sau khi ăn loại nấm này, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay.
Nguồn tham khảo: 7 Impressive Benefits of Oyster Mushrooms