Củ khoai nưa thuộc họ ráy, có một số tên gọi khác như củ nưa, khoai na, củ nhược,... tên khoa học là Amorphophallus konjac K. Koch. Khoai nưa vừa là một loại thực phẩm vừa là một vị thuốc trong Đông y, có nhiều công dụng đối với sức khoẻ.
Khoai nưa có hàm lượng chất xơ cao, đồng thời chứa protein, chất béo, phốt pho, sắt, kẽm, mangan, đồng. Dưới đây là 4 tác dụng của khoai nưa Theo Health:
Như đã đề cập, khoai nưa có hàm lượng chất xơ cao, đặc biệt loại khoai này còn được sử dụng để tạo ra một chất xơ ăn kiêng. Nhờ đó, ăn khoai nưa có thể thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan trong khoai nưa có thể hấp thụ nước và tạo thành chất giống như gel trong ruột, làm tăng khối lượng phân và giúp phân dễ đi qua đường tiêu hóa hơn.
Ngoài ra, ăn khoai nưa thường xuyên còn có thể giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột và cải thiện độ đặc của phân, thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và tăng cường sức khỏe tiêu hóa nói chung. Sức khỏe tiêu hóa được cải thiện còn có thể bảo vệ chống lại bệnh chuyển hóa.
Đọc thêm:
+ Khoai mỡ: Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp
+ 6 tác dụng của khoai sọ đối với sức khỏe và một số lưu ý khi ăn
Tác dụng của khoai nưa trong việc giúp giảm mỡ máu là nhờ đâu? Chất xơ hòa tan là yếu tố chính trong sức khỏe tim mạch, và chất xơ hòa tan có trong khoai nưa có thể đặc biệt có lợi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ trung bình 5-10g chất xơ hòa tan mỗi ngày có thể làm giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) xuống 5%. Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ 3g chất xơ glucomannan trong khoai nưa mỗi ngày có thể hiệu quả hơn, làm giảm cholesterol LDL tới 10%.
Khi cholesterol đi vào máu, nó có thể tích tụ trên thành động mạch và hạn chế lưu lượng máu đến tim và các cơ quan khác. Chất xơ hòa tan trong thực phẩm thực vật sẽ liên kết với cholesterol trong ruột non và ngăn không cho nó xâm nhập vào máu.
Tác dụng của khoai nưa tiếp theo không thể bỏ qua đó là có thể hỗ trợ giảm cân nhờ hàm lượng chất xơ cao.
Chất xơ hòa tan hấp thụ chất lỏng trong dạ dày và nở ra, tạo cảm giác no và giúp giảm lượng calo tổng thể của bạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống, không phụ thuộc vào lượng calo và chất dinh dưỡng đa lượng, có thể thúc đẩy giảm cân và hỗ trợ chế độ ăn hạn chế calo.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ khoai nưa hàng ngày có thể cải thiện nhiều khía cạnh của làn da, bao gồm tình trạng khô, tăng sắc tố (đổi màu) và ngứa. Một nghiên cứu nhỏ trên 51 người tham gia cho thấy những đối tượng dùng 100 miligam (mg) chiết xuất khoai nưa đã cải thiện độ ẩm, màu da và độ nhờn của da.
Khoai nưa cũng có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột, đây là cách gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe làn da thông qua trục ruột-da. Cơ chế và vai trò của hệ vi sinh đường ruột đối với da vẫn chưa rõ ràng, nhưng một cộng đồng vi khuẩn đa dạng trong đường tiêu hóa có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và có thể giúp bạn có làn da sáng mịn và rạng rỡ hơn.
Mặc dù củ khoai nưa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng loại khoai này cũng có thể gây ra tác dụng phụ khi tiêu thụ với số lượng lớn. Ăn quá nhiều khoai nưa có thể gây nấc cụt, đầy hơi và tiêu chảy.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn quy định nào về lượng khoai nưa tiêu thụ. Do đó, bạn nên kiểm soát ăn với lượng vừa phải. Những người có tiền sử các vấn đề về đường tiêu hóa (GI) có thể cần thảo luận vấn đề này với bác sĩ trước khi thêm khoai nưa vào chế độ ăn uống của mình.
Khoai nưa có thể ăn theo nhiều cách như chế biến thành bún và miến, nấu canh,... hoặc củ khoai nưa cũng có thể sử dụng như một vị thuốc.
- Bún hoặc miến nưa xào thịt
Chuẩn bị một lượng bún nưa, thịt heo hoặc thịt bò, cà rốt, tỏi, hành lá, gia vị. Cách thực hiện như sau:
+ Xào thịt cùng với nước mắm, tỏi, gia vị như nước mắm, đường, tiêu,... (tuỳ khẩu vị), xào đến khi thịt săn lại và đổ ra đĩa.
+ Bún nưa đem luộc sơ qua
+ Phi thơm hành tỏi, sau đó xào cùng với cà rốt đến khi các nguyên liệu chín hết thì đổ bún vào
+ Dùng đũa đảo đều tay cho bún tơi ra, nêm nếm gia vị và cho hành lá vào
+ Đảo tầm 1-2 phút thì tắt bếp là hoàn thành
- Bài thuốc từ củ khoai nưa
+ Bài thuốc chữa sổt rét, ăn không tiêu, đờm trệ: Sử dụng 12g khoai nưa, 10g trần bì, 10g nam mộc hương, 10g rễ cây bá bệnh, 10g ý dĩ sao vàng, 10g xạ can, 10g nga truật cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày.
+ Bài thuốc chữa u não: Sử dụng 30g khoai nưa, 30g thương nhĩ tử, 30g quán chúng, 15g thất diệp nhất chi hoa, 15g rễ bồ hoàng. Đem khoai nưa sắc trước 2 giờ, tiếp đến thêm các vị thuốc còn lại vào sắc tiếp khoảng 30 phút. Đem lọc bỏ phần bã thuốc đi, lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý:
- Bạn nên sơ chế khoai nưa cẩn thận để tránh bị ngứa khi ăn. Cách sơ chế như sau: rửa sạch, gọt bỏ vỏ ở ngoài rồi ngâm củ nưa cùng nước vo gạo trong khoảng nửa ngày. Sau đó, nấu củ nưa chung với 1 ít muối trong thời gian 1 giờ đồng hồ là có thể dùng được.
- Các bài thuốc này mang tính dân gian, chưa được khoa học kiểm chứng nên mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là 4 tác dụng của khoai nưa đối với sức khoẻ. Bạn có thể bổ sung khoai nưa vào chế độ ăn uống hàng ngày nhưng nên tránh ăn quá nhiều vì có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hoá.
Nguồn tham khảo: Health Benefits of Konjac (Snake Palm)